Sếp của tôi luôn nói: "Chúng mày làm gì có tiền"

Sếp của tôi luôn nói: "Chúng mày làm gì có tiền"

Thứ 5, 27/12/2012 23:50

Tôi sắp phải xa các anh, các chị, các đồng nghiệp trong cơ quan. Tôi rất buồn. Nhưng mà buồn hơn là vì tôi phải xa sếp.

Tôi không hề có tình yêu với sếp nhưng tôi kính trọng và rất thương yêu sếp. Có thể, vì thế, mà tất cả nhân viên trong cơ quan chúng tôi đều gọi sếp bằng thầy. Tôi không có ý định nịnh sếp, vì chỉ ít ngày nữa thôi, tôi phải xa sếp và xa tất cả những đồng nghiệp thân yêu của tôi ở cơ quan này.

Quá khứ của sếp, tôi không dám nhắc lại vì sợ sếp tổn thương. Nhưng đó là cả một bài học lớn về nghị lực, khiến những đứa nhân viên bé nhỏ như chúng tôi khó lòng mà học hỏi được. Sếp luôn nói "Nghèo đói là một gia tài". Có thể vì sếp sinh ra vốn đã nghèo nên sếp luôn thương yêu và quý trọng những người nghèo. Sếp cũng quý mến chúng tôi, xem tất cả như là anh em của sếp vậy.

Nhiều người lạ, khi đến cơ quan liên hệ làm việc, họ không nhận ra sếp vì vẻ đơn sơ và giản dị. Vợ sếp gọi sếp là "Răng Đen" vì cái món sở thích của sếp là trầu, chè xanh và thuốc lào. Chúng tôi luôn chê sếp luộm thuộm. Sếp chẳng bao giờ chịu chải đầu; quần áo cũng không mấy khi đóng thùng cho gọn gàng. Nhưng bù lại, sếp có trí tuệ, sự nhiệt thành và lòng bao dung lớn lao hơn tất thảy.

Pháp luật - Sếp của tôi luôn nói: 'Chúng mày làm gì có tiền'

Đây là nơi sếp vẫn thường ngồi khi công việc căng thẳng

Tôi đã làm việc một số nơi, tiếp xúc với nhiều lãnh đạo nhưng quả thực, chưa gặp một ai gần gũi và thương yêu nhân viên như sếp. Sếp chưa hề lấy của chúng tôi bất cứ một điều gì. Ngày tết, anh em có mang cân cam, két bia làm quà nhưng sếp cũng nhất quyết trả lại. Sếp nói: "Chúng mày làm gì có tiền mà lắm chuyện. Hãy mang về mà sắm sửa tết núc trong gia đình cho đàng hoàng".

Những lúc vui vẻ, chúng tôi ngồi tào phào ở quán, muốn mời sếp góp vui. Uống ly cà phê, sếp cũng tranh trả tiền. Trong các cuộc vui, nếu có sếp, chúng tôi không phải chi trả bất cứ khoản gì. Cũng không phải sếp ga - lăng, mà sếp luôn nói: "Chúng mày làm gì có tiền". Thực tế, sếp cũng đâu có giàu có gì.

Chúng tôi đến với sếp từ một nhân viên hợp đồng, rồi lần lượt vào chính thức bằng năng lực bản thân và không hề mất một đồng "bôi trơn" cho sếp. Rồi có đứa lập gia đình, sinh con; khi đen đủi có người đau ốm. Dù bận rộn với công việc nhưng chưa bao giờ sếp vắng mặt trong các cuộc hiếu hỷ của nhân viên.

Lẽ ra, tất cả chúng tôi đều phải thương yêu và quý trọng sếp. Nhưng cũng có người, đôi lúc "to nhỏ" trách giận sếp. Mới ngày hôm qua, cả cơ quan tôi tổ chức bỏ phiếu thăm dò chọn 3 nhân viên để đề nghị cấp trên xét chọn vào biên chế. Số người thuộc diện hợp đồng vẫn còn nhiều, nhưng ai cũng muốn mình có tên trong phiếu. Có người trách sếp vì thấy chưa đến lượt mình.

Tôi muốn ra nước ngoài làm việc. Trước khi quyết định, tôi không dám thông báo với sếp vì sợ sếp không cho. Nếu sếp phản đối, tôi đi không đành. Nhưng rồi sếp biết, sếp khuyên tôi: "Nếu có cơ hội tốt như vậy, em nên đi. Anh luôn mong cho bọn em có điều kiện, cuộc sống gia đình được tốt hơn". Sếp còn vỗ vai tôi đùa rằng: "Sang đó, nếu kiếm được nhiều tiền, gửi về cho anh mượn một ít với". Tôi vui mà chảy nước mắt.

Thưa sếp, em sắp xa sếp rồi! Khi em trở về, em chỉ mong khao sếp một lần vì đó là mong ước của em. Em tin, khi đó, sếp sẽ không còn nói với em rằng: "Chúng mày làm gì có tiền". Dù xa sếp, không còn là nhân viên của sếp nữa, nhưng em xin sếp cho em được mãi gọi sếp là sếp, là thầy như em vẫn từng gọi sếp nhé!

Dương Thị Thúy Nga


Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.