Năm 2005, sau 5 năm làm Chủ tịch Real Madrid, Florentino Perez lần đầu tiên chiêu mộ một cầu thủ Tây Ban Nha trong triều đại Galacticos do ông gầy dựng. Đó là tài năng trẻ Sergio Ramos đến từ Sevilla. Đội bóng Hoàng gia Tây Ban Nha không chỉ chiêu mộ một hậu vệ tài năng, mà còn là một chàng trai căng tràn nhiệt huyết và sở hữu thiên chất nhà vô địch.
Ngày ra mắt Los Blancos, Ramos ở tuổi 19 phát biểu đầy tự tin và kiêu hãnh: “Tôi có thể làm bất cứ điều gì tôi muốn với dung nham trong cơ thể”. Và anh tuyên bố với cả thế giới rằng: “Tôi muốn chiếc áo số 4 và tôi muốn trở thành Fernando Hierro tiếp theo”. Những phát ngôn ấy lập tức bị chế giễu bởi một “thằng nhóc” lại cả gan mơ về vị thế của một huyền thoại đã gắn bó với Real Madrid suốt 14 năm, mặc dù bây giờ nhìn lại, anh thậm chí còn vĩ đại hơn cả tiền bối. Như một đấu sỹ bò tót, Ramos không hề biết sợ.
Ngót nghét 10 năm sau, chàng thanh niên 19 tuổi đã trở thành thủ quân trưởng thượng, người đã lao như mũi tên trên sân Lisbon năm 2014, không âu lo nhiều về nguy cơ hiển hiện trước mắt về việc vụt mất cơ hội vô địch Champions League lần đầu tiên, cũng như để thua kình địch láng giềng Atletico ở trận chung kết giải đấu danh giá nhất châu Âu. Hãy nhìn lại khoảnh khắc mang tính biểu tượng vĩ đại bậc nhất lịch sử đội bóng Hoàng gia, không ai nhảy cao hơn Ramos khi trận đấu chỉ còn vài giây. Như một đấu sỹ bò tót, Ramos không bao giờ nhụt chí.
Tất nhiên, cũng có lúc Ramos sắm vai tội đồ. Anh là người đá hỏng quả luân lưu quyết định, với một cú đá bắn chim, trong trận bán kết Champions League với Bayern Munich tại Bernabeu. Nhưng ngay lập tức sau đó, trung vệ thủ quân của đội bóng Hoàng gia nói với anh trai và người bạn thân Jesus Navas: “Tôi sẽ cho tất cả thấy! Quả đá 11 tiếp theo, tôi sẽ đá theo kiểu panenka, bất kể tình huống như thế nào, và tôi sẽ ghi bàn”. Quả thực, hãy xem ai đưa Tây Ban Nha vào chung kết Euro 2012, và đẩy Bồ Đào Nha của Cristiano Ronaldo về nước? Đó là Ramos với cú đá panenka điệu nghệ bỡn cợt thủ thành Rui Patricio. Như một đấu sỹ bò tót, Ramos đầy bản lĩnh trận mạc.
Ở tuổi 28, Ramos chưa từng góp mặt trong một trận chung kết Champions League, đồng nghĩa anh chưa từng ghi bàn ở trận chung kết cũng như chạm tay vào chức vô địch danh giá nhất châu Âu, với tư cách thủ quân Real Madrid. Đến tuổi 32, anh 4 lần đăng quang. Chỉ có 2 cầu thủ trong lịch sử ghi nhiều bàn thắng hơn Ramos ở các trận chung kết, và không ai là hậu vệ. Và từ trước đến nay, cũng chưa thủ quân nào dẫn dắt đội bóng Hoàng gia vô địch châu Âu nhiều như cậu bé 19 tuổi đến từ Sevilla thuở nào. Đó là minh chứng của một cầu thủ sở hữu thiên chất nhà vô địch.
Tuy nhiên, điểm mạnh của Ramos, sự đặc biệt tự tin, tính hung hăng, nóng nảy vốn góp phần tạo nên thành công, cũng là gót chân Achilles, để muôn đời trung vệ này gắn mác “tư thẻ” thay vì được tán tụng về tài năng. Tính đến thời điểm hiện tại, trung vệ kỳ cựu người Tây Ban Nha đã nhận tổng cộng 27 thẻ đỏ, kỷ lục trong lịch sử bóng đá. Ngoài ra, cựu thủ quân Real Madrid còn giữ kỷ lục cầu thủ bị phạt nhiều thẻ nhất La Liga, với 191 thẻ. Bao gồm 171 thẻ vàng và 20 thẻ đỏ, đều là kỷ lục tại sân chơi cao nhất của bóng đá Tây Ban Nha. Tại Champions League, Ramos lĩnh 40 thẻ vàng và 4 thẻ đỏ, trong đó 3 thẻ đỏ trực tiếp, cũng là những kỷ lục của đấu trường danh giá nhất châu Âu. Cuối cùng, Ramos cũng giữ luôn kỷ lục nhận nhiều thẻ vàng nhất lịch sử đội tuyển Tây Ban Nha, với 24 thẻ.
Rõ ràng, Ramos không hoàn hảo. Song, bản thân anh chưa bao giờ kiếm tìm sự hoàn hảo. “Tư thẻ” là mẫu người sẵn sàng chấp nhận rủi ro. Còn nói về tài năng, trung vệ người Tây Ban Nha là cầu thủ siêu việt. Không ai ra sân cho Real Madrid hay ở La Liga nhiều như Ramos, và rất ít cầu thủ giành được nhiều danh hiệu ở cấp CLB lẫn ĐTQG như trung vệ này. Đó là chức vô địch World Cup 2010, 2 chức vô địch Euro 2008 và 2012, 5 danh hiệu La Liga, 5 chức vô địch Champions League cùng hàng tá chiếc cúp lớn nhỏ khác. Hỏi bất kỳ ai, từ chủ tịch Florentino Perez đến các Madridista, tất cả đều phải thừa nhận Ramos là bản hợp đồng thành công vang dội.
Như một đấu sỹ bò tót, Ramos táo bạo và sẵn sàng chấp nhận rủi ro. Sự dũng cảm ấy đôi khi đưa anh trở thành kẻ hủy diệt không thể ngăn cản trên sân cỏ. Hầu hết người hâm mộ và thậm chí giới quan sát bỏ qua thực tế rằng Ramos là cầu thủ rất giỏi. Về kỹ thuật, Ramos thực sự điêu luyện và tinh tế. Trong màu áo Real Madrid và ĐT Tây Ban Nha, cho dù thi đấu ở vị trí hậu vệ phải hay trung vệ, Ramos đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Trong các buổi tập, anh sẵn sàng thách thức những bậc thầy kỹ thuật thi sút dội xà, đá phạt đền, foot-tennis (đá bóng bàn), đá bóng vào lưới từ sau vạch vôi, và thường anh là người giành chiến thắng.
Đến thời điểm hiện tại của sự nghiệp, Ramos đã vượt mốc 130 bàn thắng, con số phi thường đối với một hậu vệ. Phương thức ghi bàn của hậu vệ kỳ cựu này cũng thật đa dạng: đánh đầu, sút phạt đền, đá phạt và cả sút xa. Về sự đa năng, Ramos xuất sắc ở cả hai vị trí hậu vệ biên và trung vệ. Xin nhấn mạnh là xuất sắc chứ không phải tròn vai. Anh từng là hậu vệ phải số một của Real Madrid lẫn ĐT Tây Ban Nha, sau đó là trung vệ hàng đầu thế giới. Con số 9 lần lọt vào đội hình tiêu biểu mùa giải của UEFA, 11 lần ghi tên vào FIFPro World 11 (Đội hình tiêu biểu FIFA) càng minh chứng cho sự ổn định ở mức cao của Ramos.
Trong suốt kỷ nguyên vàng son của đội tuyển Tây Ban Nhà và Real Madrid, Ramos là một trong những biểu tượng. Thậm chí là biểu tượng số một. Kiểu tóc, phong cách thời trang, siêu xe, cơn thịnh nộ, cách lao vào Messi, hành động nâng cúp, những pha cứu thua không tưởng cho ĐTQG lẫn CLB, khoảnh khắc vô tình đánh rơi cúp Nhà Vua, cái chỉ tay vào mặt trọng tài, kỹ năng, sức mạnh v.v. và v.v. Như một đấu sỹ bò tót, sự tự tin và hãnh tiến của Ramos là bất khả lay chuyển.
Đối với Ramos, trận bóng là trận chiến, như đấu trường bò tót. Và với sự hiện diện của anh, trận bóng trở nên đáng xem, người hâm mộ tấp nập đến sân hoặc bật ti-vi, các nhà tài trợ vung tiền, và khiến tất cả chúng ta ngày càng yêu bóng đá vì vẻ đẹp và nét đặc sắc rất riêng không môn thể thao nào có được.
Dù sao đi nữa, cần thêm những rời tri ân cho Ramos, vì những kỷ niệm anh để lại cho tất cả trên sân. Và cũng cảm ơn mẹ của Ramos, bà Paqui Garcia. Nếu Ramos theo con đường đấu sỹ bò tót, có lẽ anh đã là một biểu tượng. Và có thể hình ảnh anh nhìn chằm chằm vào chú bò tót trên võ đài còn đáng sợ hơn ánh mắt anh dành cho đối thủ trên sân. Nhưng khi bà Garcia bắt Ramos hứa không trở thành đấu sỹ bò tót, và không bắt bà sống trong nỗi sợ hãi rằng một buổi tối ra đấu trường nào đó, cậu con trai sẽ bị giết chết, bà đã vô tình ban phước cho môn bóng đá bằng một trong những cầu thủ đa sắc, tài năng và táo bạo nhất xưa nay.