Theo báo Tuổi Trẻ, các cán bộ ở Vườn quốc gia Tràm Chim cho biết, con sếu trống vừa chết rất chung thủy với Tràm Chim, luôn quay về Tràm Chim trong suốt 20 năm nay dù nhiều con khác đã bỏ đi. Tuổi của nó so với tuổi của người khoảng 70 tuổi, thuộc loại "cụ" sếu.
Cụ thể, theo VnExpress, thời gian gần đây, sếu đầu đỏ về Tràm Chim như mọi năm và đã được 3 đợt: Đợt 1, (ngày 5/2, số lượng 5 con); đợt 2 (ngày 15/2, là 11 con) và đợt 3 (ngày 27/3, 9 con).
Trong đợt thứ ba, một con sếu trống già yếu, kiệt sức được người dân phát hiện báo cho Vườn quốc gia Tràm Chim. Được cán bộ chuyên môn đưa về chăm sóc, cứu chữa nhưng sếu trống đã chết hôm 3/4.
Vòng đeo trên chân sếu mang số 150-0364. Các cán bộ xác định con sếu này là "cư dân" lâu năm ở đây. 20 năm trước, sếu được vườn quốc gia Tràm Chim gắn máy định vị cùng vòng đeo chân này.
Ông Nguyễn Văn Hùng, nguyên Giám đốc Vườn quốc gia Tràm Chim chia sẻ với báo Tuổi Trẻ, chú sếu này như một người bạn của ông, của vườn quốc gia.
20 năm trước, ông ôm sếu để gắn máy định vị và vòng đeo chân. Trong những ngày đó, sếu cũng được chăm sóc đặc biệt trước khi thả về tự nhiên.
Cách đây 2 năm, gia đình sếu trống này rủ nhau về vườn, được ông Hùng chụp ảnh lại. Khi xem lại những bức ảnh, nhìn thấy vòng đeo chân 150-0364, ông reo vui phát hiện sếu vốn là "cư dân" của vườn nhiều năm về trước.
"Hy vọng của tôi và nhiều nhà nghiên cứu sếu là sếu đầu đỏ sẽ được chôn cất tử tế trong phân khu A4, nơi được xem là nhà của sếu khi trước, như một tình cảm quý mến dành cho người "bạn" đặc biệt này", ông Hùng chia sẻ với Tuổi Trẻ.
Đưa tin về sếu đầu đỏ, báo Đồng Tháp cho biết, theo cán bộ Vườn quốc gia Tràm Chim, dự báo trong tháng Ba và tháng Tư, mực nước tại các bãi năng sẽ rút nhiều hơn, cây năng kim sẽ có điều kiện để phát triển củ nên số lượng sếu sẽ về nhiều hơn.
Sếu đầu đỏ còn có tên gọi là sếu cổ trụi hay sếu lớn phương Đông (tên khoa học: Grus antigone). Loài này nằm trong Sách đỏ Việt Nam và thế giới (Sách đỏ IUCN), nên được bảo vệ nghiêm ngặt. Trước năm 1985, sếu đầu đỏ sinh sống trong khoảng 20.000ha rừng, đồng cỏ tại vùng Đồng Tháp Mười. Đến nay, diện tích bị thu hẹp, nhưng Vườn quốc gia Tràm Chim vẫn dành hơn 7.300ha đất tự nhiên để tạo sinh cảnh sống cho sếu cùng các loài chim khác... |
Ngọc Lài (tổng hợp)