Môn “khoa học” không được thừa nhận
Hai quốc gia được cho là áp dụng “mỹ nhân kế” trong tình báo nhiều nhất là Nga và Trung Quốc. Cơ quan tình báo Liên Xô KGB dùng tiếng lóng “chim én” để chỉ phụ nữ và “quạ đen” để chỉ đàn ông được huấn luyện quyến rũ các mục tiêu có thông tin quan trọng.
Không bình luận về chuyện các điệp viên của mình có dùng sex để đổi thông tin không, nhưng một vài quan chức CIA nói “thỉnh thoảng” nó vẫn xảy ra, và tuy “bẫy mật” không phải là cách tốt nhất để chiêu dụ quan chức nước ngoài nhưng đôi khi “nó giải quyết được một số vấn đề ngắn hạn”.
Oleg Kalugin, tướng KGB đã về hưu, một lần được hỏi tại sao nhiều điệp viên Nga sử dụng sex trong công việc như vậy, đã trả lời đơn giản: “Ở Mỹ và phương Tây, các ông kêu gọi đàn ông “đứng lên” vì tổ quốc. Ở Nga có chút khác biệt, chúng tôi kêu gọi các cô gái hãy “nằm xuống””.
KGB vốn tin rằng người Mỹ là những kẻ cuồng sex theo chủ nghĩa vật chất, vì thế các điệp viên của họ sẽ dễ dàng bị sắc đẹp đưa vào tròng. Không chỉ dùng tình dục cho các nhiệm vụ tức thời, KGB còn xem đó như một phương án dự phòng, nếu một viên chức Mỹ nào đó trở nên quan trọng trong tương lai, họ đã có đủ phương tiện để “thu phục” anh ta.
CIA thì ngược lại, họ rất hạn chế sử dụng chiêu này với các đối thủ nước ngoài. “Thu dụng một cách cưỡng ép thường không có hiệu quả. Chúng tôi thấy tiền và sự tự do vẫn hấp dẫn hơn”, theo lời một cựu điệp viên. Nếu tình cờ CIA biết một điệp viên Xô Viết nào đó có cô bạn gái, họ sẽ thử chiêu dụ cô gái đó như một cầu nối. Một khi đã nắm thóp được anh ta, họ sẽ tìm cách biến anh chàng thành gián điệp cho mình.
Mật ngọt chết ruồi
Năm 1955, John Vassall, một viên thư ký đồng tính làm việc cho Cố vấn hải quân của Đại sứ quán Anh tại Matxcơva bị một nhóm “quạ đen” của KGB đưa vào tròng. Sau khi tham gia một bữa tiệc trác táng, John được cho xem những tấm hình của chính mình trong tình trạng không thể tệ hơn. Liên tiếp tám năm sau đó, anh ta buộc phải làm gián điệp cho Nga.
“Mới xem được 3 tấm hình tôi đã không chịu nổi nữa. Chúng làm tôi phát bệnh. Thì tôi chứ ai, bị chộp trong lúc đang vui sướng …với nhiều gã đàn ông”, báo Telegragh trích dẫn những dòng hồi tưởng của anh chàng không may mắn.
Cùng khoảng thời gian đó, Bộ phận tình báo hải ngoại của Stasi (Cục an ninh quốc gia Đông Đức) cũng tung ra hàng loạt các “điệp viên Romeo” để quyến rũ các nữ thư ký làm việc cho chính phủ Tây Đức. Khoảng 40 phụ nữ đã bị kết án vì đã tuồn bí mật cho người tình của mình, không hề nhận ra họ là gián điệp nước ngoài.
“Khi bắt đầu, tôi còn không có khái niệm gì về kết quả nó sẽ mang lại”, Markus “Mischa” Wolf, một trưởng bộ phận gián điệp Stasi, sau đó nói. Điều thú vị là, Markus tin rằng bí mật sẽ được tuôn ra nhiều hơn nếu đó là tình yêu thật sự thay vì chỉ là “tình một đêm”. Một thư ký Tây Đức thậm chí đã tổ chức hôn lễ với người tình của mình trong một đám cưới giả dàn xếp bởi Stasi. Vấn đề trở nên nghiêm trọng đến nỗi giới chức NATO phải ra lệnh treo những tấm poster lên tường trong các văn phòng nhắc nhở các cô gái phải “đóng kín trái tim” mình lại.
Gần hơn, tháng 7 năm 2009, một nhân viên ngoại giao của Anh, James Hudson, bị dính vào vụ rùm beng liên quan đến gái mại dâm và buộc phải từ chức. Một đoạn video dài hơn bốn phút ghi cảnh Hudson đang vui vẻ cùng hai cô gái trong một khách sạn thành phố Ekaterinburg bị phát tán khiến London bẽ mặt. Có dư luận cho rằng chính cơ quan FSB (tiền thân là KGB) đã gài bẫy vị quan chức Anh.
Một trường hợp khác, trong phái đoàn thương mại của Anh đến thăm Trung Quốc năm 2009, một phụ tá cao cấp của Thủ tướng Gordon Brown đã qua đêm với một phụ nữ Trung Quốc quyến rũ tại Thượng Hải. Sáng hôm sau, ông ta hớt hải báo cáo chiếc điện thoại BlackBerry do chính phủ cấp đã “không cánh mà bay”.
Có thể nói, trong khi người Nga hay người Trung Quốc đang khai thác thế mạnh của tình báo công nghệ, họ vẫn trở về với những phương pháp thực hành đã qua kiểm chứng, “mỹ nhân kế” là một trong số đó. Vai trò con người trong một thời gian nào đó rõ ràng bị lấn át bởi tiến bộ kỹ thuật, nhưng dần các chuyên gia tình báo nhận ra máy móc có thể là điểm yếu chết người.
“Một cuộc chuyện trò trên băng ghế đá công viên bỗng nhiên không phải là ý kiến tệ nếu biết rằng một cuộc điện thoại, dù được mã hóa, có để dễ dàng bị GCHQ (một cơ quan tình báo Anh) nghe lén và được giải mã bởi một chuyên gia khai thác dữ liệu của NSA ở Utah ngay sau đó”, Telegragh dẫn lời một nguồn tin trong ngành.
Nhà báo Nga Inna Svechenovskaya, tác giả của quyển sách “Sex và tình báo Xô Viết” từng nhiều năm đi cóp nhặt những câu chuyện và sự thật đằng sau hoạt động nhạy cảm này của cơ quan tình báo các nước khối Liên Xô. Bà nhận xét rằng không ai hoàn thiện “bẫy mật” thành một nghệ thuật như người Nga nhưng chính họ cũng thừa nhận rằng đó là một thứ vũ khí nguy hiểm – một con dao hai lưỡi. Không hiếm trường hợp điệp viên nảy sinh tình cảm thực sự với “mục tiêu” của mình, và cơ quan tình báo không còn kiểm soát được họ nữa.
Svechenovskaya có nhắc đến trường hợp hy hữu xảy ra với ông cựu Tổng thống Indonesia Ahmed Sukarno. Vì muốn tìm kiếm ảnh hưởng tại Châu Á, KGB gửi một nhóm các cô gái trẻ đẹp tiếp cận vị nguyên thủ vốn nổi tiếng háo sắc này. Họ làm quen với mục tiêu trên chuyến bay của ông này đến Matxcơva dưới vỏ bọc tiếp viên hàng không. Màn làm tình tập thể tiếp theo diễn ra trong một khách sạn ở Matxcơva bị ghi hình toàn bộ bằng camera bí mật.
Ngày hôm sau, KGB mời Sukarno đến rạp chiếu phim và cho ông ta xem cuốn băng hình. Trái ngược với phản ứng hoảng sợ mà họ mong đợi, Sukarno cho rằng đó chính là món quà bất ngờ những người bạn Liên Xô tặng và hỏi các nhân viên đang há hốc mồm vì kinh ngạc xem còn bản copy nào không để ông mang về nước làm quà.
Theo Một Thế Giới