Như Người Đưa Tin đã phản ánh, sách giáo khoa (SGK) Tiếng Việt 1 bộ "Kết nối tri thức với cuộc sống" (bộ Kết nối) - Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam do PGS.TS Bùi Mạnh Hùng làm Tổng chủ biên kiêm Chủ biên không dạy chữ P, khiến cho học sinh và giáo viên ở nhiều nơi lúng túng. Tuy rằng, Tổng chủ biên của cuốn sách đã lên tiếng nhưng vẫn có những ý kiến góp ý để cuốn sách này được hoàn thiện hơn.
Chia sẻ với Người Đưa Tin, Đỗ Anh Vũ (Viện Ngôn ngữ học, Viện Hàn lâm KHXHVN) cho biết: "Mấy ngày nay tôi cũng biết đến những ý kiến trái chiều khi sách giáo khoa (SGK) Tiếng Việt 1 bộ "Kết nối tri thức với cuộc sống" (bộ Kết nối) không dạy chữ P. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của tôi, đây chỉ là một trong những bộ sách được sử dụng cho học sinh chứ không phải toàn bộ SGK đều bỏ chữ P ra khỏi chương trình giảng dạy.
Theo quan điểm của tôi, chúng ta vẫn nên dành cho chữ P một vị trí nhất định. Trong các kết quả nghiên cứu về ngữ âm học tiếng Việt từ cuối thế kỷ trước, những âm P mở đầu âm tiết hầu hết mượn từ nước ngoài như: pi-a-no, pê -ni -xi -lin hay được sử dụng. Thực tế, số lượng các từ có âm P từ nước ngoài vào Việt Nam ngày một tăng lên và trở nên phổ biến trong đời sống hằng ngày nhưng có thể người ta quan niệm đó là âm không có trong tiếng Việt nên không dạy chữ P.
Trong tiếng Việt, còn có âm P là phụ âm cuối, như ở các từ: tấp nập, chiêm chiếp... Việc chỉ giới thiệu các từ có phụ âm cuối P là chưa đủ mà phải dạy nó với tư cách là một phụ âm đầu. P là một phụ âm vẫn được sử dụng hằng ngày trong ngôn ngữ các dân tộc. Các địa danh bắt nguồn từ một số tiếng dân tộc thiểu số là địa danh chính thức của nước ta nên tôi cho rằng, nên đối xử với âm P như những phụ âm đầu khác".
Tiến sĩ Đỗ Anh Vũ cho biết thêm, mới đây, Tổng chủ biên kiêm Chủ biên sách tiếng Việt 1, bộ Kết nối tri thức với cuộc sống cũng có giải thích rằng, họ sẽ dạy âm đầu “P” (âm pờ) trong bài dạy âm “PH” (âm phờ). Trước khi học âm “PH”, các em được luyện đọc âm "P", chứ không học âm “P” riêng và không có từ ứng dụng riêng cho âm đầu "P". Nhưng tiến sĩ Anh Vũ cho rằng, cách dạy này là không đủ vì hai chữ “P” và “PH” có cấu tạo khác nhau.
"Người Tổng chủ biên sách cần cầu thị, khách quan, chúng ta cần đối xử công bằng với chữ cãi "P" như những chữ cái khác và nó phải có chỗ đứng riêng. Từ trước đến nay, một vấn đề sẽ vấp phải nhiều quan điểm. Vì thế, nếu bị mang ra “mổ xẻ” thì cần có một sự giải thích nhất định. Xưa nay các vấn đề về học thuật thường có những sự va đập nhất định thì mới đi tới một kết luận, và các bên sẽ hiểu nhau hơn" - Tiến sĩ Anh Vũ chia sẻ.
Trước đó, thầy Đào Quốc Vịnh, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tô Hiến Thành (Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho biết, ông đã có bức thư gửi Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn để phản hồi về SGK. Sự việc bắt đầu khi có một cô giáo là Chủ biên 1 sách giáo khoa trong bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống (Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam) trả lời ông rằng, sách tiếng Việt 1 của bộ Kết nối tri thức không dạy chữ P khi đứng trước các nguyên âm vì rất ít từ tiếng Việt có chữ P đứng trước các nguyên âm, nếu có thì là từ ngoại lai (!?!).
Ông cho rằng, sách giáo khoa cho học sinh phổ thông, nhất là ở cấp tiểu học, phải có tính phổ quát tới 54 dân tộc trong đại gia đình dân tộc Việt Nam, chứ không phải chỉ dạy riêng cho học sinh người Kinh. Sai sót này là không thể chấp nhận được vì nó ảnh hưởng tới việc học tập của con em đồng bào các dân tộc.
Với tư cách quản lý giáo dục, ông đã đề nghị Bộ GD&ĐT và các cơ quan hữu trách cần vào cuộc yêu cầu Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam cần bổ sung ngay việc dạy chữ P và đưa nó trở lại mục lục của cuốn sách ngang bằng với các chữ cái khác trong bộ chữ cái tiếng Việt đã được pháp luật quy định.