Chưa chấp thuận kết quả nghiệm thu
Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng – Bộ Xây dựng (gọi tắt là Cục Giám định) vừa chính thức lên tiếng về những “lùm xùm” xung quanh việc công trình Nhà máy nước amwtj sông Đuống giai đoạn 1 (huyện Gia Lâm, Hà Nội) chưa đủ điều kiện nghiệm thu đưa vào sử dụng dù trước đó, chủ đầu tư đã tổ chức lễ khánh thành rầm rộ và bán nước cho nhiều khu dân cư.
Cục Giám định cho biết, theo quy định của pháp luật, về công tác kiểm tra, công tác nghiệm thu công trình Nhà máy nước mặt sông Đuống - giai đoạn I thì chủ đầu tư là Cty CP Nước mặt Sông Đuống chịu trách nhiệm về việc tổ chức thi công xây dựng công trình, tổ chức quản lý chất lượng công trình và nghiệm thu hoàn thành thi công xây dựng công trình. Cơ quan chuyên môn về xây dựng (trong trường hợp này là Cục Giám định) thực hiện việc kiểm tra công tác nghiệm thu của chủ đầu tư.
“Qua một số lần kiểm tra chủ đầu tư chưa cung cấp đầy đủ các số liệu liên quan đến việc đảm bảo an toàn đường ống qua đường, chỉ tiêu cơ lý của đường ống cấp nước, thử áp tuyên ống,... Chủ đầu tư đang tập hợp, hoàn thiện hồ sơ có liên quan, do vậy Cục chưa có văn bản cuối cùng chấp thuận kết quả nghiệm thu của chủ đầu tư”, Cục Giám định thông tin.
Trao đổi với Tuổi trẻ Online, một đại diện của Tập đoàn Aqua One cho biết, ngày 28/10, tập đoàn đã hoàn tất hồ sơ thẩm định gửi Bộ Xây dựng xem xét và chấp thuận kết quả nghiệm thu nhà máy.
"Đầu tư không cần lợi nhuận”?
Công ty nước mặt sông Đuống là công ty con của Tập đoàn AquaOne, nơi Shark Liên giữ ghế Chủ tịch HĐQT.
Trong giai đoạn 1, mỗi ngày nhà máy sẽ cung cấp 300.000m3 nước cho khoảng 3 triệu người dân Hà Nội và vùng lân cận (gấp đôi so với công suất hiện tại của Nhà máy nước sạch Sông Đà của CTCP Đầu tư nước sạch Sông Đà). Đây là nhà máy nước sạch sinh hoạt có quy mô cấp vùng, với tổng diện tích 65ha, mức đầu tư giai đoạn 1 là gần 5.000 tỷ đồng với 2 phân kỳ.
Sau khi hoàn thành giai đoạn 1, Nhà máy nước mặt Sông Đuống không chỉ cung cấp nước sạch cho các quận nội thành và các huyện ngoại thành Hà Nội mà còn bổ sung cấp nước vùng cho các xã thuộc tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh…
Với quy mô “khủng” như vậy, Nhà máy Nước mặt Sông Đuống được kỳ vọng có thể là sự lựa chọn thay thế cho các nhà máy khác trong trường hợp thủ đô Hà Nội gặp phải sự cố về nước sinh hoạt như cuộc khủng hoảng vừa qua đối với nước Sông Đà.
Trên trang facebook cá nhân, Shark Liên chia sẻ bức ảnh chân dung bà kèm thông điệp được gắn trên ảnh: “Tôi đầu tư không cần lợi nhuận. Nếu có tôi cũng sẽ làm thiện nguyện”. Đây cũng là quan điểm đầu tư của "cá mập" này trong hầu hết các dự án khởi nghiệp, gọi vốn.
Vậy nhưng, hiện tại giá nước mua từ Nhà máy Nước mặt Sông Đuống đang cao hơn nhiều so với nước từ công ty nước sạch sông Đà.
Trao đổi về vấn đề này với VietNamNet, chủ đầu tư cho biết, trong thời gian phát nước phục vụ bà con Thủ đô từ tháng 10/2018 đến giờ, Nhà máy Nước mặt sông Đuống đang áp dụng mức giá tạm tính là 7.700đ/m3. Còn mức giá nước được phê duyệt từ tháng 10/2017 là: 10.246 đồng/m3. Trong khi đó, hiện mức giá bán của nước sông Đà là: 5.069,76 đồng/m3.
Lý giải việc giá bán nước của nhà máy sông Đuống cao hơn sông Đà, ông Tạ Đức Hoàng, Tổng Giám đốc Nhà máy nước sông Đuống cho biết, việc so sánh hiệu quả và giá nước giữa các nhà máy phải được đưa về cùng thời điểm đầu tư, quy mô đầu tư và vận hành hoạt động.
Theo ông Hoàng, dự án nhà máy nước mặt sông Đuống có quy mô công suất 300.000 m3/ngày đêm, tuyến ống truyền dẫn 81km tổng vốn đầu tư 4.998 tỷ (Trong đó chi phí giải phóng mặt bằng là 521 tỷ và tuyến ống dài hơn 35 km so với tuyến ống sông Đà, sử dụng nguồn vốn vay thương mại).
Từ việc quy mô đầu tư lớn, khấu hao và lãi vay lớn hơn, chủ đầu tư cho rằng, chi phí giá nước sạch được tính đúng, tính đủ sẽ cao hơn so với nước sông Đà.
Bán nước và kinh doanh BOT
Vốn điều lệ của AquaOne là 1.000 tỷ đồng. Điểm đáng chú ý là dù được biết đến không nhiều, gần như kín tiếng, song Tập đoàn AquaOne đã và đang đầu tư nhiều dự án lớn với số vốn “khủng” như: BOT Quốc lộ 14, BOT Quốc lộ 2222B (hơn 4.000 tỷ đồng), nhà máy nước mặt Sông Hậu (2.000 tỷ đồng), nhà máy nước mặt Xuân Mai - Hòa Bình (mỗi dự án có vốn đầu tư lên tới 5.000 tỷ đồng).
AquaOne của Shark Liên đồng thời là cổ đông chiến lược tại nhiều Công ty cấp thoát nước tại các tỉnh thành trên toàn quốc. Tập đoàn này đặt mục tiêu tiên phong trong lĩnh vực công nghệ môi trường tại Việt Nam.
Hiếu Nguyễn (Tổng hợp)