Công ty Cổ phần Nước mặt Sông Đuống vừa có thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp. Bà Đỗ Thị Kim Liên (Shark Liên) đã không còn là Tổng Giám đốc của công ty.
Dù rời vị trí Tổng giám đốc nhưng Shark Liên vẫn giữ vị trí Chủ tịch Hội đồng quản trị của công ty. Thay thế vị trí Tổng giám đốc của bà Liên là ông Tạ Đức Hoàng (SN 1980).
Ông Tạ Đức Hoàng đồng thời cũng là thành viên Hội đồng quản trị của Công ty Nước mặt Sông Đuống, đồng thời là Tổng Giám đốc Tập đoàn Aqua One (Công ty mẹ của Nước mặt Sông Đuống).
Thay đổi đăng ký kinh doanh mới nhất của Nước Sông Đuống cũng cho thấy sự thay đổi đáng kể trong ban lãnh đạo của công ty sau khi doanh nghiệp Thái Lan WHAUP đã mua lại 34% cổ phần.
Theo đó người Thái đang chiếm đa số trong danh sách những người quản lý. Phía Thái Lan có 3 đại diện trong Hội đồng quản trị và 1 đại diện trong Ban kiểm soát của nước Sông Đuống, đó là: Ông Natthapatt Tanboon-Ek, SN 1970, quốc tịch Thái Lan, thành viên Ban Kiểm soát; Bà Jareeporn Jarukornsakul, SN 1967, quốc tịch Thái Lan, thành viên Hội đồng quản trị; Ông Vivat Jiratikarnsakil, SN 1956, quốc tịch Thái Lan, thành viên Hội đồng quản trị; Ông Wisate Chungwatana, SN 1967, quốc tịch Thái Lan, thành viên Hội đồng quản trị.
Hai người còn lại là ông Nguyễn Trọng Dũng, SN 1958, thành viên Ban Kiểm soát và bà Lương Thị Mai Hương – Kế toán trưởng.
Theo đăng ký mới, Công ty Cổ phần Nước mặt Sông Đuống chỉ tập trung vào một lĩnh vực kinh doanh duy nhất là khai thác, xử lý và cung cấp nước. Vốn điều lệ trên 999,6 tỷ đồng.
Danh sách cổ đông hiện hữu của Công ty gồm: Công ty TNHH MTV Nước sạch Hà Nội (10%); Công ty TNHH MTV Ứng dụng công nghệ mới và Du lịch (5%); Công ty Cổ phần nước Aqua One (51%) và WHAUP (SG) 2DR PTE. LIMITED (34%). WHAUP (SG) 2DR PTE.LIMITED là thành viên Tập đoàn WHA. WHA là Tập đoàn hoạt động trong lĩnh vực logistics và các giải pháp tiện ích công nghiệp, năng lượng của Thái Lan.
Nước sạch Sông Đuống trở thành tâm điểm của dư luận khi được thành phố Hà Nội duyệt cho mức giá nước 10.246 đồng/m3, cao gấp 2 lần so với công ty nước sạch sông Đà.
Theo lãnh đạo Sở Tài chính, nhà máy nước mặt sông Đà đi vào hoạt động năm 2009, có nguyên giá tài sản là 1.555 tỷ đồng, còn giá đầu tư của sông Đuống gần 5.000 tỷ đồng. Tổng mức đầu tư của nhà máy nước mặt sông Đuống gần 5.000 tỷ đồng, nhưng công ty này đi vay tới 80%, tương ứng gần 4.000 tỷ đồng. Khi nhà máy đi vào hoạt động, chi phí lãi vay cũng tính vào giá nước. Theo báo cáo của công ty, phí lãi vay tính vào giá nước là 20%, theo đó là khoảng 2.003 đồng/m3.
Đây chính là điều bất hợp lý khiến người dân bày tỏ sự không đồng tình khi dân phải gồng mình cõng khoản phí lãi vay của doanh nghiệp.
Trao đổi với Tuổi trẻ, ông Nguyễn Tiến Thỏa - nguyên Cục trưởng Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính đặt câu hỏi rằng chính quyền Hà Nội dùng tiền ở đâu để bù nếu không phải là tiền thuế của dân?
"Cần xem lại là khi phê duyệt chủ trương đầu tư Nhà máy nước mặt Sông Đuống, Hà Nội có tổ chức đấu thầu hay không mà để mức giá nước tăng quá cao bất thường như vậy?" - ông Thỏa đặt vấn đề.
Hiếu Nguyễn (Tổng hợp)