Royal Dutch Shell hôm 15/11 đã đề xuất chuyển trụ sở chính của mình từ Hà Lan sang Vương quốc Anh và tiến hành tái cơ cấu với hy vọng có thể phát triển dễ dàng hơn trong một thế giới đang chuyển đổi khỏi sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch.
Royal Dutch Shell Plc, thường được gọi là Shell, là một công ty dầu khí đa quốc gia Anh-Hà Lan được thành lập tại Vương quốc Anh với tư cách là một công ty trách nhiệm hữu hạn đại chúng từ năm 2005.
Shell niêm yết chính trên Sở giao dịch chứng khoán London (LSE), niêm yết thứ cấp trên Sở giao dịch chứng khoán Amsterdam, trụ sở chính và cơ quan thuế tại The Hague, Hà Lan và văn phòng đăng ký tại London.
Công ty cho biết, họ muốn chuyển sang một cơ cấu phổ thông hơn về thuế và cổ phiếu để tăng khả năng cạnh tranh trong quá trình chuyển đổi sang năng lượng sạch hơn.
Các quan chức Hà Lan cho biết họ cảm thấy "ngạc nhiên một cách khó chịu" trước động thái này của Shell.
“Chính phủ vô cùng lấy làm tiếc khi Shell muốn chuyển trụ sở chính sang Vương quốc Anh,” Bộ trưởng Khí hậu và Kinh tế Hà Lan Stef Blok cho biết.
“Chúng tôi đang thảo luận với người đứng đầu Shell về tác động của động thái này đối với việc làm, các quyết định đầu tư quan trọng và tính bền vững”.
Ông cho biết, Shell đã đảm bảo với Chính phủ rằng "hậu quả nhân sự của quyết định này sẽ chỉ giới hạn trong việc điều chuyển một số vị trí điều hành, hội đồng quản trị từ Hà Lan sang Vương quốc Anh".
Bộ trưởng Kinh doanh và Năng lượng Anh Kwasi Kwarteng cho biết trên Twitter rằng ông hoan nghênh "tin tức Shell đang đề xuất chuyển trụ sở của tập đoàn sang Vương quốc Anh như một phần trong kế hoạch của họ nhằm đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang năng lượng sạch".
Shell cho biết, mặc dù họ tự hào về di sản Hà Lan của mình, nhưng những thay đổi này có nghĩa là họ sẽ không còn sử dụng cụm "Royal Dutch" trong tên của mình.
CEO của Shell, Ben van Beurden, sẽ chuyển đến Vương quốc Anh. CFO Jessica Uhl cũng sẽ chuyển đi cùng với 7 nhân viên cấp cao khác.
“Việc đơn giản hóa sẽ giúp chúng tôi có cơ cấu nộp thuế và cổ phiếu đơn giản hơn khi quy tụ về cùng một quốc gia, từ đó giúp nâng cao khả năng cạnh tranh của chúng tôi”, Chủ tịch Shell Andrew Mackenzie cho biết trong một tuyên bố.
“Từ đó, Shell sẽ có vị thế tốt hơn để nắm bắt cơ hội và đóng vai trò hàng đầu trong quá trình chuyển đổi năng lượng”.
Shell cũng cho biết, một số bộ phận của họ sẽ vẫn ở The Hague, bao gồm cả công nghệ và năng lượng tái tạo. Cổ phiếu cũng sẽ tiếp tục được niêm yết ở Amsterdam, bên cạnh London và New York.
Các cổ đông sẽ được yêu cầu biểu quyết về đề xuất này tại cuộc họp vào ngày 10/12.
Vụ kiện mang tính bước ngoặt
Những thay đổi diễn ra sau khi Shell thua trong một vụ kiện mang tính bước ngoặt do các nhà hoạt động khí hậu ở Hà Lan đưa ra vào đầu năm nay.
Tòa án quận La Hay (The Hague) đã ra phán quyết rằng Shell phải cắt giảm 45% lượng phát thải carbon vào năm 2030 so với mức năm 2019. Phán quyết được các nhà hoạt động ca ngợi là một chiến thắng cho hành tinh.
Hồi tháng 7, Shell cho biết họ đang kháng cáo.
Peer de Rijk của tổ chức Friends of the Earth Hà Lan cho biết, những thay đổi của Shell sẽ không ảnh hưởng đến vụ kiện.
“Tin tức này không có hậu quả tiêu cực nào đối với vụ kiện liên quan đến chính sách khí hậu của tổ chức vì môi trường Milieudefensie chống lại Shell. Dù thế nào chăng nữa, vụ kiện này sẽ vẫn thuộc thẩm quyền của các tòa án Hà Lan", De Rijk cho biết.
“Đúng hơn, việc Shell chuyển đến Vương quốc Anh sẽ mở ra một mặt trận mới, với các vụ kiện trong tương lai”, ông cho biết thêm.
Shell không phải là công ty đa quốc gia đầu tiên quay lưng lại với Hà Lan. Năm ngoái, tập đoàn hàng tiêu dùng khổng lồ Unilever - chủ sở hữu của các thương hiệu gia dụng như Dove, trà Lipton và kem Ben & Jerry - cũng từ bỏ cơ cấu doanh nghiệp Anh-Hà Lan và đặt trụ sở chính tại London sau một quá trình hợp nhất.
Minh Đức (Theo AP, BBC, DW)