Nút like quyền lực
Khi internet ngày càng phổ biến và phát triển đã đem lại nhiều tiện ích đặc biệt khiến cho người dùng khắp nơi trên thế giới dễ dàng tiếp cận. Chính vì sự phát triển vượt trội của internet khiến cho nhiều đơn vị, cá nhân đã tận dụng nút like để thu hút người dùng. Nhiều cuộc thi được tổ chức rộng rãi để thu hút khách hàng. Từ những cuộc thi hoa khôi qua ảnh, thi ảnh cặp đôi hạnh phúc, ảnh cưới lung linh, bà bầu xinh đẹp, ảnh bé yêu dễ thương, thi viết tìm hiểu biện pháp trắng da... do một trang web hoặc một fanpage lập ra nhằm để quảng bá sản phẩm, đồng thời tổ chức cuộc thi cho nhiều người chơi. Không chỉ vậy, thông tin về cuộc thi còn được đăng tải trên các trang mạng xã hội, trang web có liên kết, website của nhà tổ chức hoặc các trang báo điện tử. Do đó các cuộc thi kiểu này được nhiều người biết đến.
Ngoài việc quảng bá nhiều, tại các cuộc thi này cách thức tham gia cũng khá đơn giản. Chỉ cần click chuột vào mục đăng ký trở thành thành viên của website hoặc trang fanpage của cuộc thi hoặc đơn giản hơn là bấm nút like là đã đủ điều kiện tham gia các cuộc thi tổ chức trên mạng. Không ít cuộc thi chỉ cho người tham gia bằng cách bắt buộc họ phải bấm nút like để trở thành... thí sinh. Quyết định giải thưởng thuộc về thí sinh nào, nhiều cuộc thi có quy định, ai được nhiều like nhất sẽ có giải. Thế nên, không ít người sử dụng mạng xã hội cảm thấy bực mình vì những tin nhắn của bạn bè, người thân nhờ bấm dùm nút like để bình chọn. Đôi khi chiến thắng chỉ hơn thua bởi vài nút like trên mạng. Người giành giải thưởng chưa hẳn phải là người giỏi nhất hay đẹp nhất, mà chiến thắng của họ chỉ đơn giản là sự vượt trội về nút like. Chính điều này đã biến nút like trở thành một thứ quyền lực không tưởng.
Không chỉ ở các cuộc thi, hiện nay, nhiều bạn trẻ thể hiện điều mình quan tâm bằng cách bấm nút like. Thậm chí những chuyện buồn đau thương xót người ta cũng chia sẻ bằng cách bấm like. Cách đây không lâu, ca sĩ Wanbi Tuấn Anh qua đời khiến nhiều người vô cùng thương xót bày tỏ tình cảm dành cho anh bằng cách lập ra nhiều trang fanpage để tưởng nhớ. Tuy nhiên, sau những trang fanpage đó đều có nội dung kiểu như: 100 like cho ca sĩ Wanbi Tuấn Anh hồi sinh... và sau những lời kêu gọi kiểu này, trang fanpage lập tức tăng số lượt like lên cả trăm ngàn lần.
Wanbi Tuấn Anh bị lợi dụng câu like.
Ngoài Wanbi Tuấn Anh, cái chết của nghệ sĩ Văn Hiệp cũng được nhiều người lập ra những trang fanpage để bày tỏ lòng yêu mến và kêu gọi mọi người bấm nút like. Rõ ràng tình cảm của người hâm mộ dành cho những nghệ sĩ bạc mệnh này là điều đáng mừng, vì nó cho thấy tình yêu thương của con người dành cho nhau. Tuy nhiên cách tạo ra những trang fanpage đó khiến nhiều người nghi ngờ bởi không thể nào bấm nút like mà người chết sống lại được. Mặc cho những quy luật tự nhiên trong cuộc sống, nhiều người vẫn muốn cổ vũ cho người khác bấm nút like. Đối với những người này càng bấm nhiều nút like càng tốt. Vô hình trung việc làm này khiến cho nút like bình thường trở thành một thứ quyền năng siêu hình.
Bí ẩn đằng sau nút like
Nút like quyền năng đến nỗi nhiều người không thể sở hữu nó một cách thông thường mà họ phải nhờ đến nhiều "chiêu" để câu like. Vì thế có nhiều công ty được mở ra cung cấp hàng ngàn lượt like cho các khách hàng có nhu cầu. Chị Lê Thị Ngọc Nga, một người chuyên cung cấp dịch vụ like nổi tiếng ở các tỉnh phía Nam cho biết: "Hiện nay có rất nhiều người buôn bán like trên mạng. Vì nghề này khá đơn giản cũng dễ kiếm tiền, chỉ cần có người vào like là có thể kiếm được tiền. Những người mua like thường là những công ty truyền thông, game, hoặc những cá nhân có nhu cầu. Nhu cầu mua fanpage (trang web có nhiều người hâm mộ) lúc nào cũng có nhưng tùy vào chất lượng và mục đích của người mua. Nếu là các công ty truyền thông thì mua like cho các fanpage sản phẩm mà họ cần làm. Các trang web mua like nhằm mục đích PR tăng traffic cho web của họ. Mua like để tăng sự tương tác giữa fanpage với các thành viên, nếu 1 bài post PR đăng trên 1 fanpage 500-700.000 thành viên sẽ tương tác cao hơn rất nhiều so với những fanpage 10.000-20.000 thành viên".
Cái khó khăn của người bán like là làm sao tăng được số lượng like trên trang fanpage của mình. Để tăng nút like thì nhiều người sẽ đi câu like, theo đó sẽ dùng app đặt like ẩn ở trang web hoặc đi PR ở các fanpage khác. Nếu dùng apps thì có hai loại: App sạch, thường là app game, app bói toán hoặc có thể là app event và App "bẩn" thường là những app có nội dung 18+, hoặc các câu chuyện thương tâm để lôi kéo người dùng click vào chơi. Chị Lê Thị Ngọc Nga, chia sẻ thêm: "Giá cả buôn bán like thì tùy vào thời điểm và tùy vào yêu cầu của khách hàng. Nếu như fanpage về hài hước, giải trí thì 200-250 đồng/like. Còn về những fanpage về shop, thương hiệu, công ty thì giá sẽ cao hơn 300-400 đồng/like hoặc có thể cao hơn. Thu nhập sẽ không ổn định. Khi có nhiều hợp đồng thì thu nhập nhiều vì phải bỏ nhiều thời gian và công sức ra làm, còn khi không có hợp đồng thì... đói".
Nút like quyền lực đến nỗi, nhiều ca sĩ muốn phát triển sự nghiệp của mình đều phải dùng đến nó. Ca sĩ T.D., người mới nổi sau nhiều clip ca nhạc cho biết: "Sau khi tung bài hát lên các trang âm nhạc, nhiều khán giả ít xem vì mình không sử dụng chiêu trò, lại là ca sĩ mới nên rất khó để khán giả quan tâm. Mà không có ai quan tâm thì không thể phát triển con đường âm nhạc. Vì vậy, công ty của mình đã phải mua like để tăng số lượng thích. Nhiều khán giả thấy vậy sẽ vào coi. Khi ấy mình có thể sử dụng bài hát này để đi hát tại nhiều địa điểm và giới thiệu bài hát đang nằm trong dạng hit". Chị Thùy Linh, nhân viên truyền thông tại một công ty chuyên về quảng cáo tại TP.HCM cho biết: "Có một vài clip sau khi làm xong ít người coi, vì vậy nhiều nhà sản xuất phải mời công ty làm like. Khi like cao trên các trang youtube, google sẽ hiện lên sản phẩm của clip đó khi ấy nhà sản xuất sẽ bán được quảng cáo".
Chính vì sự lợi hại của nút like, không chỉ nhà sản xuất mà ca sĩ, người mẫu cũng mua like trên các trang của mình. Một ca sĩ chuyên trị dòng nhạc trẻ cho biết: "Để có thể có hợp đồng quảng cáo mấy chục ngàn đô, phải có lượng hâm mộ đông đảo, vì vậy nếu tăng số lượng like trên trang web của mình sẽ làm cho nhà sản xuất tin tưởng mà giao sản phẩm cho mình đóng. Lợi nhuận từ đó thu về cũng không ít với số tiền bỏ ra mua like".
Ngày nay, khi thật giả lẫn lộn, nhiều người nghĩ ra nhiều cách để thu lợi nhuận. Trong đó, câu like tưởng chừng vô hại cho bất kỳ ai nhưng nó bị trở thành món mồi béo bở cho người mua về. Và những cuộc thi tràn lan, thiếu uy tín trên mạng cũng sẽ trở thành "mồi nhử" với những ai thích “câu” like.
Rủi ro cũng khá cao Lê Quyền Năng, một người chuyên mua bán like chia sẻ: "Nhận được hợp đồng mua bán rất khó khăn vì các admin cạnh tranh về giá cả khá dữ dội, còn hoàn thành hợp đồng là một chuyện khác. Đôi khi làm gần xong thì bị facebook block page thì phải đền hợp đồng cho người mua. Bên cạnh đó, nhiều khi làm xong mà bên khách hàng họ không thanh toán phần còn lại thì cũng chịu". Lợi thuộc về ai? Chị Thùy Linh, nhân viên truyền thông tại một công ty chuyên về quảng cáo tại TP.HCM cho biết: "Đối với những cuộc thi trên mạng đôi khi ban tổ chức cũng vô cùng nhức đầu bởi tình trạng câu like của một vài thí sinh. Ban tổ chức chân chính họ sẽ bị mất uy tín tại những cuộc thi này, nếu không may sẽ xảy ra kiện cáo. Cái lợi phần nhiều sẽ thuộc về những người mua like". |
Hợp Phố