Vay tiền để làm album
Tôi hỏi ca sĩ Lan Anh rằng có thấy “chạnh lòng” không khi mà đã từ lâu rồi, không thấy chị xuất hiện trên mặt báo như các ca sĩ khác trong showbiz Việt, chị cười: “Là một nghệ sĩ chân chính, tôi không dựa vào việc xuất hiện ở mặt báo để đo sự nổi tiếng hay so bì với những nghệ sĩ khác về việc xuất hiện ở nơi nào, có nổi tiếng hay không. Điều tôi quan tâm hơn là việc xem mình đang ở đâu trong con đường nghệ thuật, chuyên môn của mình thế nào. Tôi có những dự án âm nhạc khác nhau cần chăm sóc hơn là lên báo khoe nọ, khoe kia. Các dự án âm nhạc thị trường thì tôi ít tham gia, nhưng những chương trình ca nhạc chính thống thì tôi thường xuyên tham gia. Hiện nay tôi vẫn giảng dạy ở Học viện Âm nhạc Quốc gia và tham gia những chương trình nghệ thuật, những buổi biểu diễn mỗi khi sắp xếp được thời gian...”.
Ca sĩ Lan Anh tinh nghịch bên thú cưng
Ca sĩ Lan Anh từng đoạt giải nhất dòng thính phòng và nhạc kịch. Hiện chị cũng là một trong số ít giọng ca vàng của Việt Nam hát mảng âm nhạc cách mạng. Với giọng hát cao vút, mượt mà và truyền cảm, Lan Anh được ví như “chim sơn ca” của âm nhạc thính phòng Việt Nam đương đại. Là ca sĩ theo dòng cách mạng, Lan Anh tự nhận mình là ca sĩ dám nghĩ dám làm. Album "Hãy yêu nhau đi" chị đã từng đi vay tiền người thân, bạn bè, thậm chí chịu bán lỗ cổ phiếu để thỏa mãn mong muốn. Với album "Tình ca xanh", chị cũng phải tự bỏ tiền túi, tất nhiên có sự hỗ trợ từ phía công ty Nhà hát nghệ thuật Bảo Sơn của nhạc sĩ An Thuyên - đơn vị đứng ra phát hành đĩa.
Tuy nhiên việc chị “tự lực cánh sinh” như vậy cũng chứng tỏ, chị là một người độc lập trong công việc. Album “Tình ca xanh” chị đã giao cho nhạc sĩ Dương Cầm – một nhạc sĩ trẻ để phối khí toàn bộ ca khúc vì muốn tạo một sự khác biệt, sự sáng tạo trong những bài hát ấy từ một nhạc sĩ 9X.
Theo kinh nghiệm nhiều năm đi hát và thành công ở thể loại thính phòng, dân gian, Lan Anh chia sẻ, điểm yếu của các thí sinh khi tham gia các cuộc thi Sao Mai hát ở dòng nhạc thính phòng, dân gian là hát những bài hát quen thuộc, nhưng lại không biết cách làm mới ca khúc mà theo lối mòn. Cái khó của những ca sĩ theo dòng này là số lượng các ca khúc thính phòng, dân gian không nhiều, thường vẫn là những ca khúc “đi cùng năm tháng” đã rất quen thuộc với công chúng nhiều năm nay. Số lượng các ca khúc mới ở những dòng này không nhiều để ca sĩ được thoải mái lựa chọn.
Bản thân chị là ca sĩ đã lành nghề, có thương hiệu, được công chúng nhớ mặt ở mảng âm nhạc cách mạng, nhưng cũng khá chật vật trong việc lựa chọn ca khúc để làm sản phẩm âm nhạc. Vì thế, cách tốt nhất để công chúng không bị nhàm chán là khi hát bài hát cũ nhưng ca sĩ phải có ý thức làm mới lại ca khúc đó, từ việc phối khí cho đến cách hát, phong thái thể hiện.
Ca sĩ Lan Anh
Dạy sinh viên không hát nhép
Kể về mối tình với người chồng hiện tại, Lan Anh hài lòng với hạnh phúc gia đình. Chị kể: “Hồi đó, tôi đang có chuyện buồn thì mấy người bạn thân rủ tôi đi ăn, đi hát cho khuây khỏa. Bạn tôi lại dẫn cả bạn đi nữa. Tôi cũng không để ý vì tâm trạng lúc ấy không vui. Tôi xin phép về sớm, vừa về đến nhà thì tôi nhận được tin nhắn: "Em có đôi mắt thật đẹp". Tôi đoán chỉ có thể là người vừa gặp thôi, rồi cũng nhắn tin qua lại kiểu cho vui, bẵng đi một thời gian không liên lạc, cho tới hôm anh xem tôi diễn trên tivi, nhắn chúc mừng tôi, từ đó bắt đầu nối lại liên lạc, hẹn hò, yêu nhau và đám cưới...”.
Bé Quốc An, con trai của vợ chồng Lan Anh là một cậu bé khá hiếu động và thông minh, vì bố mẹ đi làm cả ngày nên Quốc An thường xuyên ở nhà cùng bà ngoại. Lan Anh cho biết, ngoài việc lên lớp giảng dạy, đi diễn thì chị tranh thủ những lúc rảnh rỗi để chơi với con. Gia đình là niềm vui, niềm hạnh phúc của chị giữa những ồn ào của cuộc sống thường nhật.
Theo ca sĩ Lan Anh, những ca sĩ trẻ hiện nay được đào tạo rất bài bản vì thế nhiều người có chuyên môn tốt, tuy nhiên bên cạnh đó cũng có những người trẻ đi hát mà chưa được học hành chuyên nghiệp, nhưng cũng đứng trên sân khấu nên có nhiều “con sâu làm rầu nồi canh”. Hàng ngày, khi dạy kỹ thuật thanh nhạc cho sinh viên, chị luôn bảo học trò rằng phải luôn cố gắng hết sức với khả năng của mình, để khi đứng trên sân khấu có thể tự tin mà hát trực tiếp chứ không hát “nhép”, không thỏa hiệp với những lời gợi ý của nhà sản xuất chương trình để vô tình kéo thương hiệu của mình đi xuống.
Ít người biết, trước khi chuyển sang dòng nhạc sở trường thính phòng - cổ điển, chị đã từng có hai năm theo dòng trữ tình ở Nhạc viện Hà Nội (nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia – nơi chị đang giảng dạy). Và trước nữa, chị là cây đơn ca được yêu mến với những bài hát trẻ trung ở Nam Định. Lan Anh bảo, nếu chỉ hát cổ điển thôi, có thể sẽ trở nên nặng nề với nhiều người, nhưng nếu kết hợp với dòng trữ tình, người nghe sẽ thấy nhẹ nhàng, gần gũi.
Với Lan Anh, nhạc cách mạng không “hot” bất thường, nhưng nó bền bỉ tồn tại và chị vẫn hát, vẫn vui. Chị còn vui hơn nữa vì chồng, con và gia đình luôn ủng hộ chị trên con đường nghệ thuật. Chị tin rằng, với những lớp học trò được đào tạo bài bản và yêu nhạc truyền thống thì chị vẫn mang những đam mê của mình để truyền dạy cho họ.
Hiện, ca sĩ Lan Anh vẫn đang nung nấu ý tưởng mới cho những dự án âm nhạc sắp tới. Vẫn là nhạc trữ tình nhưng Lan Anh sẽ hát theo bản phối của các nhạc sĩ trẻ, lạ nhưng không phải phá cách hoàn toàn. “Nghệ sĩ không sáng tạo thì không phải là nghệ sĩ thực sự”. Chị bảo, có lần khán giả đã hỏi: “Chị có buồn không khi những người yêu mến giọng hát của chị ít hơn nhiều so với những ca sĩ hát bài thị trường?”. Chị đáp ngay: “Hiện thực cuộc sống là như thế, mình phải chấp nhận. Thực ra là đôi khi cũng buồn một chút, nhưng phần lớn thời gian là tôi vui, vì mình được làm âm nhạc. Nhạc thính phòng chậm nhưng chắc, ai đã yêu rồi thì cứ mãi yêu...”. Cô bảo, tỉ lệ khán giả đến với nhạc thị trường luôn là con số áp đảo, vì nó dễ nhớ, dễ thuộc và... chóng quên.
Lan Anh tâm sự: “Nhiều người bảo tôi khó tính, nhưng không phải vậy. Tôi không kiêu ngạo mà tôi tự nghiêm khắc với những quy tắc mình đặt ra. Tôi ủng hộ quan niệm là nghệ sĩ phải biết sáng tạo và sống theo cảm xúc, tuy nhiên vẫn phải nghiêm túc với những quy tắc đặt ra. Để thành công thì phải nghiêm túc cả với mình và với nghề”. Chị cũng nói rằng, có một thời gian, người ta “đồn” những ca sĩ hát nhạc cách mạng như chị, Anh Thơ, Trọng Tấn, Đăng Dương, Việt Hoàn… có cát – xê cao lắm. Tuy nhiên, nhạc cách mạng không dễ tạo hot, thành "hiện tượng" có lẽ càng không, nhưng nó tồn tại bền bỉ và lâu dài. Những người làm nghề như chị dù không sắm được xe nọ, túi kia theo kịp với mốt nhưng vẫn sống được với nghề và điều quan trọng là luôn được khán giả dành cho những tình cảm ngưỡng mộ và trân trọng là đáng qúy.
Lạc Thành