Sĩ diện, 'thượng đế' ăn đặc sản hàng nhái

Sĩ diện, 'thượng đế' ăn đặc sản hàng nhái

Thứ 6, 01/02/2013 09:04

Người "lắm tiền, nhiều của" đã đua nhau đi nhà hàng thưởng thức các đặc sản như ba ba, cá tầm, cá song, cá vược... nhưng nhiều "thượng đế" đã ăn phải đặc sản hàng nhái. Song, họ vẫn "ngậm bồ hòn làm ngọt", "hòa chung giọng điệu" của người sành ăn rằng, thịt nó thơm, giòn, dai, ngon, bổ.

Nếu không khen như vậy, "thượng đế" sợ bị chê là "đại gia nhà quê" không biết thưởng thức món ăn ngon. Tất cả đâu biết, "thượng đế" đang tự huyễn hoặc mình, chủ nhà hàng "treo đầu dê, bán thịt chó" thu lãi bất chính lớn, có thể bị xử lý hình sự.

Ăn hàng nhái vẫn mặc nhiên đặc sản nội ngon tuyệt

Anh Hoàng Văn H., đầu bếp một nhà hàng nổi tiếng trên đường Láng Hạ, Đống Đa, Hà Nội cho biết: Những người nhiều tiền, vào nhà hàng sang trọng, gọi món ăn rất "kêu" như súp trứng cá tầm, cháo cá song, lẩu cá vược; ba ba sông đủ món… Một bữa ăn của các "thượng đế" này (4-5 người), chưa tính đồ uống, bỏ rẻ cũng 6-7 triệu đồng. Các "thượng đế" đầu tiên được ăn cá tầm, ba ba, cá vược, cá song đều là đặc sản thủy sản nước ngọt tự nhiên của Việt Nam thực sự. Khi đặc sản đã trở thành phổ biến thì thực phẩm đặc sản Việt đã bị nhái thương hiệu một cách không thương tiếc". Theo đầu bếp H., ba ba bị nhái đầu tiên. Nhà hàng quảng cáo, bán giá ba ba sông tự nhiên nhưng là ba ba nuôi tại Việt Nam và sau đó là ba ba nhập lậu từ Trung Quốc. Lần lượt tới các loại đặc sản nước ngọt khác như cá tầm, cá song và cá vược là loại khó lai tạo, nuôi nhân tạo nhất mà vẫn được nuôi công nghiệp, điều đó có nghĩa chủ nhà hàng có thể nhái đặc sản ở trời Âu, Mỹ, Phi... được hết.

Tiêu dùng & Dư luận - Sĩ diện, 'thượng đế' ăn đặc sản hàng nhái

Đây là những loại thực phẩm bị nhái thương hiệu nhiều nhất

Anh H. tâm sự: "Cũng tại các "thượng đế" nhà ta, "sính" đặc sản tự nhiên nên mới bị lừa. Đại gia đến nhà hàng cũng rất hãnh diện khi gọi, cho món đặc sản của nhà hàng, phải cho cá tươi, ngon, chính hiệu nhưng họ đâu biết, cá tầm, cá song, cá vược, ba ba sông ở Việt Nam ngon như thế nào, dở ra sao để mà so sánh. Thế nhưng, nhiều "thượng đế", vì sĩ diện, ăn miếng cá bở bùng bục, nhão nhoét vẫn khen là ngon. Hình như, họ không khen thì sợ bị chê là "quê", đồ ăn cũng không biết chọn. Chỉ "sướng" cho chủ nhà hàng, cứ tha hồ mà "treo đầu dê, bán thịt chó", thu lãi "khủng". Nhiều "thượng đế" còn "kể cả", mời đầu bếp lên, "dạy" cách nấu món cá tầm mới. Họ còn tả, ăn ở nhà hàng I, K, Z gì đó, món cá tầm rang me giòn, bùi và dai dai lắm. Cách tả thể hiện sự sành ăn nhưng đó là ăn gia vị của thực phẩm chứ không phải chất lượng thực phẩm".

Đủ cơ sở xử lý hình s

PV Người Đưa Tin đã hỏi nhiều bếp trưởng của các nhà hàng, khách sạn nổi tiếng, họ đều đưa ra thông điệp giống nhau rằng: Chỉ người trong ngành thuỷ sản (chuyên về các loại cá nước ngọt... - PV) và đầu bếp mới phân biệt được đâu là cá tầm, ba ba, cá song, cá vược tự nhiên của Việt Nam. Còn lại, những cảm nhận của "thượng đế" trong ẩm thực, chỉ là do mùi vị của món ăn tạo nên. Mà, mùi vị ấy thì do đầu bếp chế biến mà ra. Cá tầm, cá song, ba ba, cá vược ở sông hồ tự nhiên của Việt Nam quá hiếm. Thịt của nó thơm ngọt, nhiều chất đạm mà không béo ngậy như cá nuôi. Vì thế, 4-5 "thượng đế" muốn thưởng thức 1 bữa cá tầm đúng chất lượng đặc sản, giá lên tới 15 - 20 triệu đồng chứ không thể là 6-7 triệu đồng. Ngoài ra, họ còn phải đặt trước nhiều ngày để nhà hàng "săn" hàng ở các nơi.

Thạc sỹ Nguyễn Văn Vinh, viện Tài nguyên môi trường Thuỷ sản Việt Nam cho biết: Cá tầm là loài cá sống ở vùng nước ngọt lạnh, tại một số vùng của Pháp, Nga, Chi Lê. Cá tầm trưởng thành có thể đẻ trứng trong vòng 15 - 20 năm. Trứng cá tầm rất đắt, giá từ 2.500 - 3.500 USD/kg (tương đương với 5 - 7 triệu đồng). Và, giá sẽ cao hơn, nếu được xuất khẩu sang các nước. Giá cá tầm Pháp, Nga, Chi Lê "xịn", nhập vào Việt Nam trung bình khoảng 2 - 2,5 triệu đồng/kg. Hiện nay, tại huyện Hàm Thuận, tỉnh Bình Thuận cũng đang nuôi cá tầm Xiberi (của Nga). Cũng theo thạc sỹ Vinh, ba ba, cá tầm, cá vược, cá song là những loài sống được cả ở nước ngọt và nước mặn. Nếu nó đúng là cá nước ngọt, nước mặn tự nhiên thật, thì nó thừa sức là đặc sản của thuỷ sản Việt Nam. Sự khác nhau giữa ba ba, cá tầm, cá vược, cá song nước ngọt, nước mặn chỉ là độ đậm của thịt cá. Thịt cá nước ngọt có độ ngọt sắc, còn nước mặn có độ ngọt đậm, đằm. Ba ba tự nhiên (sông hay biển) độ giòn của sụn khác với ba ba nuôi. Nó giòn nhưng vẫn dai chứ không giòn bở. Đặc biệt, sụn của ba ba nuôi nhiều hơn ba ba tự nhiên. Tiết của ba ba nuôi tanh nồng, thậm chí hắc hơn tiết ba ba tự nhiên. "Đó là những đặc điểm ẩm thực của món ăn, không phải "thượng đế" nào cũng biết" - thạc sỹ Vinh bộc bạch.

Tiêu dùng & Dư luận - Sĩ diện, 'thượng đế' ăn đặc sản hàng nhái (Hình 2).

Đây là những loại thực phẩm bị nhái thương hiệu nhiều nhất

Theo thông tin từ công ty cổ phần Nuôi trồng thủy sản Tây Bắc thì, cá tầm Trung Quốc nhập lậu vào Việt Nam rất nhiều, qua tất cả các cửa khẩu như Lào Cai, Lạng Sơn, Móng Cái, Cao Bằng. Cá tầm Trung Quốc vào Việt Nam rầm rộ nhất vẫn là từ cửa khẩu Móng Cái (Quảng Ninh). Giá cá tầm được các thương lái Việt Nam nhập là 100.000 đồng /kg. PV Người Đưa Tin khảo sát tại các chợ thuỷ sản ở Hà thành, giá cá tầm là 250.000 đồng/kg nhưng vào nhà hàng, "thượng đế" nhận được tíc - kê thanh toán tiền, không có giá dưới 800.000 đồng/kg.

Luật sư Nguyễn Cẩm - chủ nhiệm đoàn Luật sư TP. Hải Phòng phân tích: Nếu làm đến cùng, đủ chứng cứ để xử lý hình sự đối với chủ nhà hàng "treo đầu dê, bán thịt chó", thu lợi bất chính. Thứ nhất, chủ nhà hàng thừa biết thực phẩm nhập lậu, không phải là đặc sản Việt Nam cũng giới thiệu là đặc sản Việt Nam để các thực khách thi nhau dùng. Đó là sự lợi dụng thương hiệu, lạm dụng niềm tin của người khác đối với mình để trục lợi cá nhân bất hợp pháp. Thứ hai, để có chứng cứ xử lý hình sự chủ nhà hàng, phải xem giấy tờ, nguồn gốc thực phẩm và thực đơn quảng cáo xem có khớp nhau không? Nếu không khớp, có nghĩa là có ý định lừa dối, lạm dụng từ trước chứ không phải phát sinh. Tiếp theo, định giá thực phẩm nhập lậu là bao nhiêu, thực phẩm đặc sản Việt Nam là bao nhiêu... sẽ có được số chênh lệch về giá rồi tính tổng thu của loại thực phẩm đó trong ngày, tháng.... sẽ "lòi" ra khoản tiền chủ nhà hàng lạm dụng tín nhiệm, thương hiệu để trục lợi. Thực tế, ở Việt Nam chưa quyết liệt đối với thực phẩm nhập lậu và chủ nhà hàng "treo đầu dê, bán thịt chó" nên mới có sự "lộn xộn" như vậy.

Tiến sỹ Hoàng Văn Sơn, nguyên phó trưởng khoa Nông, lâm, ngư - trường Đại học Vinh cho hay, người Việt lừa nhau "dễ" lắm, nhất là chuyện thực phẩm. Ở nước ngoài, thực phẩm loại gì, xuất xứ ra sao được niêm yết, ghi rõ ràng ở bao bì. Nếu niêm yết một đằng, bán một kiểu, chắc chắn bị kiện. Kiện sẽ ảnh hưởng đến thương hiệu, bị phạt tiền, thậm chí tù vì tội gian dối... Ở Việt Nam, để xử lý được chủ nhà hàng "treo đầu dê, bán thịt chó" rất khó, bởi chúng ta chưa quen tư duy chuyên nghiệp từ chuyện ăn, làm việc đến ngủ, nghỉ...  

Ba bộ vào cuộc về chuyện ăn của người giàu

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa có văn bản gửi các bộ, ngành và địa phương có liên quan, đề nghị phối hợp nhằm ngăn chặn cá tầm nhập lậu. Bộ cũng đề nghị bộ Công an và bộ Công Thương chỉ đạo các lực lượng chức năng phối hợp với lực lượng thú y, kiểm soát chặt việc vận chuyển thủy sản lưu thông trong nước; xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển thủy sản trên xe khách, không có giấy tờ chứng nhận kiểm dịch, chứng minh nguồn gốc hợp lệ.

Đại diện Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội khẳng định: Chi cục vừa bắt giữ, xử lý gần 5 tấn cá tầm có nguồn gốc không rõ ràng. Theo tư thương, họ nhập về từ Trung Quốc, chưa được kiểm định, chưa biết có bệnh lây nhiễm gì không? Nếu số lượng cá tầm trên vượt ngoài kiểm soát của cơ quan chức năng, ai biết được, "thượng đế" sẽ bị mắc những bệnh gì, từ thực phẩm chưa được kiểm soát an toàn vệ sinh gây ra. Vị đại diện này cũng thừa nhận, chỉ có cơ quan chức năng mới phát hiện được đâu là cá tầm nhập lậu từ Trung Quốc về, đâu là cá tầm Việt Nam, vì họ có hệ thống kiểm định. Bởi thế, người tiêu dùng nên thận trọng khi sử dụng loại thực phẩm đắt tiền này. Trường hợp rủi ro, có thể các "thượng đế" sẽ mang tiếng là "nhục vì miếng ăn", khi ăn vào, mắc các bệnh, vi khuẩn lây nhiễm từ cá truyền sang.

Lê Anh

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.