Cướp giật, móc túi vẫn còn phức tạp
Công an TP.HCM và sở Du lịch TP vừa tổ chức hội nghị tổng kết 5 năm triển khai thực hiện quy chế phối hợp đảm bảo an ninh trật tự trong hoạt động du lịch trên địa bàn.
Ông Nguyễn Minh Thu, Phó Giám đốc công ty TNHH MTV Dịch vụ Lữ hành Saigontourist cho biết: “Trong giai đoạn 2016 - 2019, mỗi năm trung bình công ty đã phục vụ khoảng 1 triệu lượt khách du lịch. Trong đó, công tác đảm bảo an ninh, an toàn cho khách du lịch luôn được quan tâm”.
Tuy nhiên, phía doanh nghiệp cũng nhìn nhận về một số khó khăn còn tồn tại. Cụ thể, khách du lịch trong nước tập trung buổi sáng sớm tại các khu vực văn phòng công ty tại đường Lê Thánh Tôn (quận 1) hoặc chi nhánh văn phòng ở đường Nguyễn Chí Thanh (quận 5) để đi tham quan.
Lúc đó, du khách thường xuyên bị các đối tượng trộm cướp theo dõi và giựt giỏ xách khi vừa xuống xe taxi. Vì thời gian buổi sáng sớm ít khi có lực lượng công an đi tuần tra và canh gác.
Bên cạnh đó, tình hình đeo bám, chèo kéo du khách quốc tế tại các điểm du lịch nổi tiếng của TP.HCM ngày càng phức tạp. Nhất là tình trạng móc túi, giựt túi xách đối với khách bộ hành.
“Trong khi công ty phục vụ các đoàn khách với số lượng lớn, tham quan nhiều điểm, chia ra nhiều tuyến nên công tác đảm bảo an ninh an toàn hết sức khó khăn”, ông Thu trình bày.
Bà Nguyễn Trần Tâm Hà, Phó Giám đốc bảo tàng Chứng tích chiến tranh cũng cho hay: “Trong những năm gần đây, trung bình vẫn có 1-2 vụ việc khách quốc tế mất tài sản khi đang tham quan bảo tàng mà nghi ngờ do bị móc túi”.
Bởi lẽ, khu vực giao lộ Lê Quý Đôn - Võ Văn Tần (quận 3) thường xuyên xảy ra tình trạng khách du lịch bị giật túi xách, giật điện thoại di động, taxi “dù”, người bán hàng rong chèo kéo khách,...
Hơn thế nữa, cứ đến những ngày lễ lớn của đất nước, vì tính chất “nhạy cảm” nên sự phức tạp trong công tác an ninh trật tự và an ninh chính trị tại bảo tàng Chứng tích Chiến tranh càng thể hiện rõ.
Đại diện khách sạn Nikko Sài Gòn thông tin, từ năm 2016 đến nay, theo con số thống kê của khách sạn, đã xảy ra 90 vụ khách lưu trú bị cướp giật điện thoại, dây chuyền, túi xách trên đường...
Cụ thể, trong năm 2016 xảy ra 7 vụ, năm 2017 xảy ra 15 vụ, năm 2018 xảy ra 24 vụ, năm 2019 xảy ra 36 vụ và 9 tháng đầu năm 2020 xảy ra 18 vụ.
“Số vụ việc khách du lịch lưu trú tại khách sạn bị cướp giật tài sản trên đường tăng theo hàng năm. Hầu hết các vụ xâm hại tài sản này đều xảy ra khi khách đi tham quan, đi bộ trên vỉa hè”, ông Nguyễn Phát Việt, Đội trưởng đội Bảo vệ khách sạn Nikko Sài Gòn chỉ ra.
Khi xảy ra vụ việc, lực lượng bảo vệ của khách sạn đã tiếp nhận thông tin và hướng dẫn khách đến khai báo tại Công an phường Nguyễn Cư Trinh (quận 1) hoặc Công an phường nơi đã xảy ra vụ việc.
Trong số đó có nhiều vụ việc khách du lịch không muốn khai báo do tâm lý ngại thủ tục, do khách không có đủ thời gian hoặc khách không mua bảo hiểm cho tài sản bị cướp giật và nhiều lý do khác.
“Đối với các vụ việc khách lưu trú bị xâm hại tài sản trên địa bàn TP.HCM, kết quả giải quyết của các cơ quan chức năng còn hạn chế. Rất ít số vụ việc bắt được đối tượng cướp giật, thu hồi tài sản trả lại cho khách, do thiếu chứng cứ, người bị hại đã về nước, thủ đoạn hoạt động của số phần tử xấu tinh vi…”, đại diện doanh nghiệp lưu trú đánh giá.
Tăng cường thông tin, đảm bảo an toàn
Thượng tá Nguyễn Thanh Tú, Trưởng phòng An ninh đối ngoại, Công an TP.HCM cho biết, trong giai đoạn 2016 – 2020, đơn vị đã phối hợp với sở Du lịch TP.HCM để phát hiện 940 vụ xâm hại tài sản người nước ngoài.
Từ đó đã điều tra khám phá 484 vụ, bắt 297 đối tượng có liên quan, đang xác minh điều tra 61 vụ, 4 đối tượng.
Các đối tượng xâm hại tài sản người nước ngoài có hành vi ngày càng công khai, táo bạo với thủ đoạn tinh vi không để lại dấu vết. Chế tài xử phạt còn nhẹ, chưa đủ sức răn đe.
Công tác phòng ngừa và ngăn chặn các hành vi cướp giật của các cơ quan chức năng và các địa phương luôn được đề cao và thường xuyên triển khai thực hiện.
Nhưng việc xác định đối tượng, làm rõ hành vi nhằm thu hồi tài sản cho du khách đôi lúc chưa đạt theo yêu cầu, do khách không khai báo hoặc chứng cứ điều tra xác minh tội phạm hạn chế do du khách không cung cấp đầy đủ.
“Trên thực tế, khách du lịch nước ngoài bị xâm hại tài sản nhiều hơn với số vụ việc do cơ quan công an thụ lý, do các nguyên nhân như khách không khai báo, ngại khai báo vì không đủ chứng cứ”, Thượng tá Tú phân tích.
Điển hình như quận 1, tội xâm phạm sở hữu tài sản trên đường phố và nơi công cộng giảm đã đáng kể từ khi thực hiện quy chế phối hợp liên ngành công an và du lịch.
Qua thống kê, từ năm 2016 đến nay, phạm pháp hình sự xảy ra 1.085 vụ, trong đó có 207 vụ liên quan đến người nước ngoài bị xâm hại tài sản (trộm cắp tài sản, cướp giật...).
Thượng tá Nguyễn Trọng Đạt, Phó Trưởng Công an quận 1 nhìn nhận: “Trong một số trường hợp xảy ra các vụ việc vi phạm xâm hại tài sản của người nước ngoài, có trường hợp gặp khó khăn trong điều tra xử lý vì đối tượng hoặc người bị hại là người nước ngoài không còn ở Việt Nam. Hoặc không cung cấp thông tin đầy đủ thông tin liên quan, thiếu sự hợp tác khi được mời làm việc”.
Cũng có khi xác định được vụ việc, xác định đối tượng phạm tội, xác định tài sản đã mất nhưng vì lý do bất đồng ngôn ngữ nên bị hại cũng không muốn trình báo, tố giác tội phạm cho cơ quan chức năng biết xử lý.
Chính vì thế, quy chế phối hợp giữa ngành công an và du lịch sẽ quan tâm tăng cường trao đổi gắn kết thông tin.
Định kỳ hàng quý phân tích, đánh giá hoạt động kinh doanh du lịch giữa công an địa phương và các cơ sở dịch vụ du lịch để khắc phục những hạn chế, thiếu sót, nâng cao hiệu quả hơn công tác quản lý nhà nước trên lĩnh vực du lịch.
Việc phối hợp giữa các phòng nghiệp vụ Công an TP.HCM và doanh nghiệp lữ hành sẽ trao đổi thông tin cụ thể hơn. Mục đích là làm tốt công tác quản lý người nước ngoài, đảm bảo không để xảy ra xâm hại tài sản của người nước ngoài.
Khi xảy ra sự cố, phía doanh nghiệp lữ hành sẽ hỗ trợ tích cực cho ngành chức năng có điều kiện điều tra khám phá trả lại tài sản cho bị hại.
Ngược lại, phía doanh nghiệp đề xuất, TP.HCM cần có lực lượng chuyên trách về an ninh, an toàn cho khách du lịch. Chẳng hạn như cảnh sát du lịch (Tourist police), để xử lý kịp thời và chuyên nghiệp khi khách có các vấn đề về an ninh trong thời gian tham quan tại Thành phố này.
Giảm khách nước ngoài nhưng gia tăng tội phạm
Từ năm 2016 đến nay, phòng Quản lý xuất nhập cảnh (PA08), Công an TP.HCM đã tiếp nhận cấp đổi, gia hạn thị thực du lịch cho 34.903 trường hợp.
Năm 2018 đã phát hiện và xử lý vi phạm hành chính 74 trường hợp với lỗi vi phạm phổ biến là quá hạn thời gian tạm trú của thị thực du lịch, khai không đúng sự thật để được cấp thị thực.
Cơ quan chức năng phải đề xuất kinh phí mua vé máy bay để trục xuất với số tiền gần 740 triệu đồng từ nguồn tiền trích từ 30% phí xuất nhập cảnh
Kế đó đã phát hiện, xử lý 315 đối tượng người Trung Quốc và Đài Loan (Trung Quốc), 133 đối tượng có quốc tịch các nước châu Phi; 93 đối tượng người Hàn Quốc và 140 đối tượng thuộc các quốc tịch khác.
Chỉ tính riêng con số xử phạt hành chính đối với các đối tượng sử dụng thị thực du lịch là 308 trường hợp với hành vi “khai không đúng sự thật để được cấp thị thực”.
Đại tá Phạm Ngọc Tiến, Trưởng phòng Phòng Quản lý Xuất nhập cảnh, Công an TP.HCM phân tích: “Đa số là khai báo xin thị thực du lịch nhưng vào Việt Nam hoạt động không tuân thủ theo các chương tình tour du lịch đã đề ra mà hoạt động vi phạm phổ biến là tổ chức cá cược ăn tiền trái phép, tổ chức sàn chứng khoán online, cá cược thể thao, trò chơi qua mạng, gọi điện giả danh Công an để lừa đảo chiếm đoạt tài sản…
Đến năm 2020, mặc dù người nước ngoài nhập cảnh giảm trên 90% do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid- 19 nhưng số lượng vi phạm pháp luật lại tăng”.