Họ lo ngại về việc mình đã dứt áo ra đi khỏi quê hương bản quán để mong có cuộc sống tốt đẹp hơn ở Thủ đô thì nay, con đường để "Hà Nội hóa" bản thân và con cháu họ có phần nhỏ hẹp, khó đi.
Nhiều người dân cho rằng, để giải quyết một số công việc, lâu nay đã thành lệ, cứ phải có phong bì thì mới lo lọt được. Quy định mới lần này có chăng lại là một lối đi riêng cho văn hóa phong bì phát triển? Bởi theo quy định, để hợp thức được hồ sơ xét duyệt nhập cư, người dân phải qua rất nhiều cơ quan quản lý hành chính. Người ngoại tỉnh phải đi đường vòng lâu và xa hơn để đến được với cái đích cần đến. Việc hạn chế nhập cư về căn bản chỉ là trên giấy tờ, khó thành hiện thực.
Nguyễn Phương Linh (SN 1990), quê ở Hải Dương, mới tốt nghiệp Học viện Tài chính tháng 7 năm 2012 tỏ ra vô cùng lo ngại. "Em mới biết thông tin này thông qua mạng internet. Em vừa ra trường và xin được vào làm chuyên viên tài chính cho một công ty nước ngoài với mức thu nhập cũng khá. Những tưởng cơ hội ở lại làm người Hà Nội sẽ gần tầm tay với hơn vậy mà bây giờ điều kiện nhập cư ngày càng bó hẹp. Em cũng chỉ mong có được một công việc ổn định và nhanh chóng hợp thức hóa gắn bó với mảnh đất này để có thêm động lực phấn đấu cống hiến cho sự phát triển của Thủ đô. Nhưng quy định để nhập khẩu Hà Nội ngày càng có nhiều điều kiện như vậy khiến em cảm thấy rất hụt hẫng".
Anh Đào Văn Nghĩa, kỹ sư 32 tuổi, quê ở Nghệ An, hiện trú tại Xóm 2, Phú Đô, Mễ Trì, Từ Liêm, Hà Nội cho rằng: "Tất nhiên, Hà Nội chật chội vì phần đông ở Hà Nội bây giờ không còn người Tràng An nữa mà là người ngoại tỉnh. Nhưng chúng tôi đến và muốn ở lại vì Thủ đô có những điều kiện tốt để chúng tôi phát triển năng lực bản thân, có nhiều công việc với mức thu nhập xứng đáng với lao động của mình. Hơn mười năm gắn bó với Hà Nội, tình yêu đã làm cho đất lạ hóa quê hương. Bây giờ quê hương thứ hai ấy lại khó khăn với nguyện vọng muốn gắn bó của chúng tôi. Là một người trẻ tuổi, bản thân tôi cũng phải suy nghĩ".
Anh Nghĩa đã mua nhà ở Phú Đô được 5 năm, nhưng do một số vấn đề về mặt giấy tờ nên mới hợp thức hóa căn nhà bằng sổ đỏ chính chủ được hai tháng nay. Anh đang định đi làm thủ tục giấy tờ để nhập khẩu Hà Nội thì lại mắc phải những quy định trong dự thảo Luật Thủ đô hạn chế nhập cư.
Anh Nghĩa băn khoăn: "Cứ tình hình này, ít nhất các con tôi phải chờ thêm ba năm nữa mới được đi học đúng tuyến? Mà có khi lại có thêm nhiều thay đổi khác với những điều kiện khó khăn hơn mà người ngoại tỉnh như chúng tôi vì việc này việc khác mà không thể đáp ứng được. Chúng tôi lo ngại lại phải sang tên đổi chủ căn nhà mơ ước của gia đình mới tậu được này để di cư ra ngoại thành sinh sống nếu như không muốn về quê".
Đồng quan điểm với anh Nghĩa, chị Lưu Thị Duyên, ở Cầu Giấy, Hà Nội than thở: "Tôi quê ở Thái Nguyên, xuống Hà Nội xin việc làm đã được 5 năm nhưng vì thu nhập không ổn định, công việc khó khăn, chỗ ở thì nay đây mai đó. Mới đây, tôi vừa tìm được công việc ổn định, tưởng sẽ có cơ hội nhập cư ở Hà Nội nhưng nghe nói đến những quy định ngày càng siết chặt, khắt khe hơn với người ngoại tỉnh, thậm chí là sẽ không cho người ngoại tỉnh nhập cư vào Hà Nội mà thấy buồn lòng".
Những băn khoăn của người dân không phải là không có căn cứ. Chị Duyên cho rằng: "Có nhiều cách để hạn chế dân số đông ở Hà Nội như hiện nay. Các nhà hoạch định chính sách của Hà Nội có thể đưa ra biện pháp phát triển các khu vực ngoại thành với những điều kiện tốt tương đương với nội đô để thu hút người dân, giảm tải cho nội thành Hà Nội. Còn việc quy định siết chặt như thế này, có chăng chỉ là lý thuyết, trên thực tế nếu có thực hiện cũng khó đạt hiệu quả như mong muốn. Vì người ở các tỉnh vẫn phải về Hà Nội học tập, mưu sinh và góp phần phát triển Thủ đô, vẫn tìm cách này cách khác để được nhập hộ khẩu, dù phải đi đường vòng".
Quốc Triều - Dương Thu