Siết kinh doanh đa cấp: Liều thuốc 'chữa' ảo tưởng

Siết kinh doanh đa cấp: Liều thuốc 'chữa' ảo tưởng

Thứ 7, 05/10/2013 10:45

Thời gian qua, liên tiếp những vụ scandal liên quan đến hoạt động kinh doanh đa cấp khiến "người trong cuộc" thấp thỏm như ngồi trên đống lửa. Mới đây, Bộ Công Thương đã đề xuất lấy ý kiến về dự thảo nghị định nhằm đưa hoạt động này vào khuôn khổ. Thế nhưng, dự thảo lại làm dấy lên những tranh cãi mới.

Chưa cháy nhà, cũng lòi... mặt chuột

Vào Việt Nam chưa được bao lâu nhưng bán hàng đa cấp đã ít nhiều dành được ưu ái của "người hâm mộ". Chủ yếu bám rễ từ giới sinh viên, đa cấp ngày ngày "nảy mầm" và "đơm hoa kết trái" ngay trong giới được coi là "chủ nhân tương lai" của đất nước này. Ở nước ta, đã có không ít công ty áp dụng loại hình kinh doanh này một cách hiệu quả. Thế nhưng, bên cạnh đó vẫn xuất hiện những công ty bán hàng đa cấp có dấu hiệu biến tướng, thậm chí lừa đảo khách hàng.

Bất động sản - Siết kinh doanh đa cấp: Liều thuốc 'chữa' ảo tưởng

Ảnh minh họa.

Bán hàng đa cấp đang tạo nên những cơn sốt làm giàu giả tạo, gây xáo trộn cuộc sống của biết bao nhiêu gia đình bằng cách gieo rắc vào đầu họ những ảo tưởng về giấc mơ làm giàu vô lý. Từ những bác nông dân quần xắn móng lợn, những chị phụ nữ đầu đội nón lá đến cả những sinh viên mặt búng ra sữa và người già đã nghỉ hưu bỗng chốc đều trở thành "con mồi", bị cuốn vào cơn lốc làm giàu từ đa cấp. Nghệ danh "chuyên viên đa cấp" gần như thành câu nói cửa miệng của người tham gia mỗi khi giới thiệu về mình.

Thế nhưng, đằng sau vỏ bọc hào nhoáng với "bộ cánh" sang trọng, điệu bộ trí thức là những nỗi niềm khó chia sẻ. Thời gian vừa qua, báo chí đăng tải liên tiếp thông tin về những scandal liên quan đến công ty đa cấp. Khởi đầu là sự đổ sụp của "gã khổng lồ" MB24 (Mua bán 24). Khi bị đánh sập, hàng triệu nạn nhân trên khắp mọi miền đất nước dù sập bẫy mà vẫn không thể hiểu tại sao mình lại mắc lừa một cách "ngây thơ" như vậy. Sau khi "gã khổng lồ" MB24 sập tiệm, đến lượt "ông lớn" Tâm Mặt Trời "dính chàm". Cũng với "chiêu" nộp phí 6 triệu đồng để làm thành viên và rủ rê người khác làm "chân rết" để hưởng tiền "hoa hồng", công ty Tâm Mặt Trời đã lôi kéo gần 40 ngàn người trên 30 tỉnh thành tham gia. Sau khi đội ngũ "chóp bu" bị bắt, công ty như rắn mất đầu, khiến cả "đội quân dưới trướng" bơ vơ không biết đi đâu về đâu.

Mới đây nhất, tiếp bước "đàn anh", cái tên Thiên Ngọc Minh Uy trở thành tâm điểm của mọi chỉ trích. Khởi đầu là việc một nhóm sinh viên đến trụ sở công ty này đòi hủy hợp đồng, lấy lại tiền đã phải hứng chịu trận đòn nhừ tử từ nhân viên công ty. Sự việc sau đó được chuyển lên công an quận Thanh Xuân (Hà Nội) để điều tra xử lý. Bản thân cán bộ công an cũng cho biết, trong thời gian qua, họ cũng nhiều lần tiếp nhận những đề nghị giải quyết từ các sinh viên và phụ huynh là "nạn nhân" của Thiên Ngọc Minh Uy. Vì trót nghe lời dỗ dành của nhóm chuyên viên đa cấp, họ đã "sa lầy", đến khi đòi hủy hợp đồng, lấy lại tiền thì bị gây khó dễ. Nhiều vụ hành hung từng xảy ra liên quan đến người của Thiên Ngọc Minh Uy đã bị cơ quan công an xử lý. Rõ ràng, giấc mơ triệu phú đã và đang bộc lộ rất nhiều mặt trái.

Bất động sản - Siết kinh doanh đa cấp: Liều thuốc 'chữa' ảo tưởng  (Hình 2).

Một nạn nhân của bán hàng đa cấp bị hành hung vì “dám” đòi lại tiền.

Lo ngại mạng lưới "sống chui" ngoài luật

Không phải ngẫu nhiên khi Bộ Công Thương đề xuất dự thảo Nghị định thay thế Nghị định trước đây về quản lý hoạt động bán hàng đa cấp. Những nhà làm luật chắc chắn thừa hiểu những "thói hư tật xấu" đang bộc lộ của ngành kinh doanh này. Không chỉ gây bức xúc trong dư luận, bán hàng đa cấp đang khiến chính cơ quan quản lý đau đầu. Đã đến lúc phải đưa hoạt động này vào khuôn khổ.

Theo cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) - đơn vị chủ trì soạn thảo, dự thảo này gồm 8 thay đổi căn bản. Có thể nhận thấy, những thay đổi đã hướng đến việc điều chỉnh để các văn bản quy phạm pháp luật theo kịp thực tế của ngành kinh doanh này tại Việt Nam. Có thể chỉ ra một vài điểm mới của dự thảo này. Thẩm quyền cấp giấy chứng nhận bán hàng đa cấp sẽ được giao cho Bộ Công Thương thay vì các Sở Công Thương như trước đây. Việc tổ chức hoạt động hội thảo, hội nghị, đào tạo liên quan đến bán hàng đa cấp đều phải thông báo cho sở Công Thương nơi tổ chức các hoạt động đó. Thêm vào đó, một quy định được đánh giá cực kỳ sát sườn là doanh nghiệp bán hàng đa cấp không được yêu cầu người tham gia phải mua hàng hóa dưới bất kỳ hình thức nào hoặc đóng một khoản tiền nhất định hay đặt cọc nếu muốn "nhập bọn".

Các cơ quan soạn thảo hy vọng, với những quy định mới này, tình trạng trục lợi, tìm cách chiếm dụng tiền của người tham gia sẽ hết đất sống. Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, nhiều điểm trong dự thảo vẫn bộc lộ tính máy móc, dễ phát sinh "hiệu ứng phụ" khi áp dụng trong thực tế. Trò chuyện với PV, một chuyên gia cao cấp từng công tác tại viện Nghiên cứu thương mại, Bộ Công Thương (không tiện nêu tên) đánh giá cao những điểm mới trong dự thảo, góp phần triệt tiêu những mặt trái của hoạt động này. Tuy nhiên, vị này vẫn không khỏi băn khoăn về một số quy định có tính chất máy móc và cứng nhắc. "Thay vì Sở Công Thương, thẩm quyền cấp giấy chứng nhận bán hàng đa cấp sẽ do Bộ Công Thương quyết định. Điều này sẽ ít nhiều gây khó khăn cho các doanh nghiệp xin cấp phép hoạt động. Nếu không được quản lý chặt chẽ sẽ dễ dẫn tới hiện tượng doanh nghiệp hoạt động "chui" ngoài luật. Trên thực tế, có không ít đơn vị hoạt động kinh doanh đa cấp "trá hình" mà không cần cấp phép hoạt động", vị này lo ngại.

Tung hỏa mù đa cấp

Chuyên gia này đặt câu hỏi: "Về bản chất, kinh doanh đa cấp không xấu. Thế nhưng vì sao tại Việt Nam, loại hình đa cấp lại biến tướng thành cách lừa đảo tinh vi như vậy?". Có thể nói rằng, hiện nay kinh doanh đa cấp bất chính, theo kiểu lừa đảo chính là lợi nhuận không xuất phát từ giới thiệu, bán sản phẩm mà chính là từ tuyển mộ người tham gia mới. Nói một cách khác, họ lợi dụng lòng tin của người tham gia để trục lợi. Điều đáng chú ý là các tập đoàn đa cấp lừa đảo đã "tung hỏa mù", chiêu dụ các nạn nhân là do xây dựng được một đội ngũ "chuyên viên đa cấp" trung thành và sự giúp sức của nhiều cơ quan truyền thông.

Đồng quan điểm, PGS.TS Nguyễn Mạnh Quân, nguyên phó trưởng khoa Quản trị kinh doanh (đại học Kinh tế quốc dân) nhận định: "Kinh doanh đa cấp đã và đang gây nhiều tranh cãi trong xã hội". Theo quan điểm của PGS Quân, kinh doanh đa cấp là một hình thức dễ triển khai ở Việt Nam bởi mối quan hệ mạng lưới xã hội rất phát triển. "Tuy nhiên, sự phát triển nhanh và rộng của mạng lưới cũng dẫn đến những khó khăn rất lớn trong việc quản lý. Mặt khác, việc phát triển mạng lưới kinh doanh dựa vào niềm tin cũng tiềm ẩn những rủi ro rất lớn về những hậu quả khi mất niềm tin", ông Quân cho biết thêm.

Nhiều công ty   lợi dụng mô hình KDĐC để trục lợi

Theo Hiệp hội Bán hàng đa cấp Việt Nam, Việt Nam có 77 doanh nghiệp được cấp giấy phép tổ chức kinh doanh bán hàng đa cấp. Hoạt động kinh doanh đa cấp tập trung chủ yếu tại các thành phố lớn như Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh. Đây là một loại hình kinh doanh tiên tiến và có hiệu quả cao. Tuy nhiên, trong thời gian qua, nhiều công ty đã lợi dụng mô hình này để trục lợi, tạo nên những hình ảnh không thiện cảm trong mắt người dân về loại hình bán hàng này. Ở TP.Hồ Chí Minh đến nay đã cấp 35 giấy đăng ký tổ chức bán hàng đa cấp. Trong đó có 11 doanh nghiệp bị thu hồi giấp phép, chấm dứt hoặc dừng hoạt động. Nguyên nhân là do sản phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ và không đúng chất lượng.

Anh Văn

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.