Từ ngày 1/6, Nghị định 38/2021/NĐ-CP về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo sẽ chính thức có hiệu lực. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch là đơn vị chủ trì, xây dựng.
Xuyên suốt các quy định của Nghị định là để bảo vệ quyền lợi chính đáng của độc giả và khán giả, ngăn chặn việc một số cơ quan truyền thông lạm dụng quảng cáo gây tổn hại cho người dùng, cũng như tránh tình trạng một số cơ quan báo chí lạm dụng quảng cáo làm ảnh hưởng chức năng chính của mình.
Tuy nhiên, đối với các cơ quan báo chí, trong đó đặc biệt là các cơ quan tự chủ hoạt động bằng phát triển kinh tế báo chí lại rất quan ngại với một số quy định trong nghị định này.
Chẳng hạn, quy định về diện tích được phép đặt quảng cáo trên ấn phẩm báo chí (mục a, khoản 3, điều 39); hay quy định thời gian chờ tắt hoặc mở quảng cáo không ở vùng cố định vượt quá 1,5 giây trên trang điện tử (mục b, khoản 2, điều 38)- có nghĩa thời lượng quảng cáo tối đa 1,5 giây, sau đó người dùng có thể bấm nút bỏ qua.
Cú đánh thẳng vào kinh tế báo chí
Khi trao đổi với PV Người Đưa Tin Pháp Luật, ông Lê Quốc Vinh - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc tập đoàn Le Invest Corporation - tập đoàn Truyền thông Lê – vị chuyên gia có tiếng trong lĩnh vực truyền thông nhìn nhận: Nghị định 38/2021 có vẻ hợp lý với bạn đọc, tuy nhiên lại bất hợp lý với doanh nghiệp và cơ quan báo chí. Đối với những doanh nghiệp làm quảng cáo trực tuyến, thời lượng 1,5 giây là thiếu thực tế, quá ngắn để có thể truyền tải thông điệp.
Theo ông Vinh, báo chí vốn là kênh uy tín để doanh nghiệp tiếp cận khách hàng. Trong đại dịch Covid-19, doanh nghiệp có nhu cầu sử dụng kênh báo chí càng nhiều hơn. Những rào cản mới được quy định trong Nghị định 38 sẽ khiến việc quảng bá sản phẩm, dịch vụ khó khăn hơn.
“Cho tới bây giờ, quảng cáo vẫn là nguồn thu gần như duy nhất đối với hầu hết cơ quan báo chí, để báo chí có thể tiếp tục miễn phí cho bạn đọc”, ông Vinh nói.
Vị chuyên gia này cũng cho biết, bản thân ông đã có những nghiên cứu cơ chế thu hút quảng cáo trên báo chí năm 1994. Ông nhận thấy, các nhà quảng cáo sẵn lòng bỏ tiền vào nơi họ tin rằng có lượng bạn đọc nhất định thuộc phân khúc họ muốn tiếp cận. Họ sẽ trả tiền cao hơn nữa, nếu được đảm bảo xuất hiện ở trang báo có nội dung quan trọng, hấp dẫn mà bạn đọc của họ không bao giờ bỏ qua.
Tuy nhiên, Nghị định 38 có hiệu lực thì các hành vi tưởng như hiển nhiên này sẽ bị coi là vi phạm luật Quảng cáo và sẽ bị phạt rất nặng. Trên báo in, quảng cáo không được phép xuất hiện ở trang nội dung, đồng thời quảng cáo theo ngữ cảnh trên báo điện tử bị cấm.
Ông Vinh cho rằng, đối với kinh tế báo chí thì đây sẽ là bước lùi trong tiến trình đổi mới, sáng tạo truyền thông theo xu hướng chung của thế giới.
Đồng quan điểm, ông Trần Trọng Dũng - Chủ tịch hội Nhà báo TP.HCM cho rằng, nên tạm dừng thi hành nghị định 38 với các nội dung bất cập về quảng báo trên báo điện tử.
Theo ông Dũng quy định “thời gian chờ tắt hoặc mở quảng cáo không ở vùng cố định vượt quá 1,5 giây” là không khả thi vì thông thường, quảng cáo đặt tới 5 giây mới đủ để người xem nắm bắt thông điệp. Rút ngắn xuống còn 1,5 giây sẽ khiến các đơn vị quảng cáo không còn mặn mà với báo chí trong nước và chuyển sang các nền tảng xuyên biên giới như Facebook và Google.
Bên cạnh đó, quy định “xử phạt khi thiết kế, bố trí phần quảng cáo lẫn vào phần nội dung tin bài” là một nội dung nằm trong luật Quảng cáo 2012. Tuy nhiên, đó là thời điểm báo in thịnh hành, còn bây giờ báo điện tử đang chiếm ưu thế.
Trong bối cảnh hiện nay, trừ những nội dung nhạy cảm, liên quan đến chính trị... không được tùy tiện chèn quảng cáo, có thể cho phép báo điện tử được chèn quảng cáo vào nội dung. Quy định quá ngặt nghèo sẽ làm khó báo chí, nhất là ở trong tình thế đã khó lại càng khó hơn.
Tiền vẫn đổ về ông lớn Google, Facebook
Một thực trạng ai cũng thấy hiện nay là báo chí, đặc biệt là báo chí chính thống trong nước đang rất khó khăn để phát triển, bởi sự xâm lấn khủng khiếp của các mạng xã hội xuyên biên giới.
Xuyên suốt Nghị định 38 có thể nhận thấy, quảng cáo trên báo chí của doanh nghiệp trong nước sẽ bị siết chặt bởi quy định nghiêm ngặt trong Nghị định, trong khi đó, các doanh nghiệp quảng cáo xuyên biên giới lại có lợi thế vì không chịu ràng buộc này.
Mà cụ thể, người hưởng lợi chính là các ông lớn như Google, Facebook vì cơ quan quản lý nhà nước khó xử lý sai phạm của các nền tảng này khi họ không có trụ sở tại Việt Nam.
“Người bị thiệt là báo chí và nhà quảng cáo, doanh nghiệp trong nước. Người hưởng lợi là các ông lớn như Google, Facebook, nhà phát hành game và ứng dụng OTT”, ông Lê Quốc Vinh nhấn mạnh và chỉ ra tổng doanh thu của báo điện tử Việt Nam mỗi năm chỉ trên 4.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 20 - 25% trong tổng chi phí quảng cáo trực tuyến khoảng 14.500 tỷ đồng. Hơn 10.000 tỷ đồng chênh lệch đang rơi vào túi các tập đoàn quảng cáo xuyên biên giới.
Ông Vinh cho biết, Nghị định 38 đi vào thực thi sẽ khiến tiền quảng cáo chảy vào túi các tập đoàn này nhiều hơn. Bởi doanh nghiệp sẽ chuyển quảng cáo từ báo chí sang nền tảng như YouTube, Facebook... Vì ở đây, quảng cáo của họ được kéo dài 5 giây hoặc hơn, thậm chí có thể bắt người dùng xem hết với những video quảng cáo ngắn. Hay với các nền tảng OTT hoặc game, quảng cáo đang không bị các quy định pháp lý theo luật Việt Nam khống chế.
Dẫu biết rằng, sự ra đời của Nghị định 38 bắt nguồn từ những bức xúc trước tình trạng quảng cáo tràn lan, nội dung sai lệch… Song, cũng cần phải xem xét lại Nghị định để tạo công bằng cho báo chí trong nước trước sức ép của các nền tảng xuyên biên giới.
Liên quan đến Nghị định 38, ông Nguyễn Trường Sơn - Tổng Thư ký hiệp hội Quảng cáo Việt Nam cũng đã gửi công văn đến bộ Thông tin và Truyền thông.
Ông Sơn cho rằng với quy định thời lượng quảng cáo tối đa 1,5 giây là thiếu thực tế, quá ngắn để có thể truyền tải thông điệp.
"Điều này đã tạo nên sự cạnh tranh bất bình đẳng giữa các doanh nghiệp quảng cáo trong nước/các cơ quan báo chí với các mạng lưới quảng cáo xuyên biên giới, bảo hộ cho hoạt động quảng cáo của các nền tảng này trong khi hiện họ có rất nhiều vấn đề sai phạm về nội dung và chất lượng quảng cáo chưa được khắc phục triệt để", ông Sơn nhận định.
Bên cạnh đó, đại diện hiệp hội Quảng cáo cũng khẳng định, theo thông lệ quốc tế, với báo chí miễn phí tương tự như ở Việt Nam, quảng cáo được phép xen kẽ với nội dung tin/bài và tùy biến dựa trên đối tượng đọc báo.
Người đọc có quyền nhấp chuột xem hay bỏ qua nội dung quảng cáo. Tuy nhiên, Nghị định 38 lại quy định xử phạt từ 10-15 triệu đồng nếu “thiết kế, bố trí phần quảng cáo lẫn vào phần nội dung tin bài”.
Trước những bất cập nêu trên, hiệp hội Quảng cáo Việt Nam đã đề nghị bộ Thông tin và Truyền thông kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo việc rà soát, đánh giá lại tính khả thi của các quy định tại Nghị định 38, sớm phê chuẩn kế hoạch sửa đổi luật Quảng cáo phù hợp với xu thế phát triển hiện nay.