Bão Krathon hướng đi "dị thường"?
Thông thường, các cơn bão khi đổ bộ vào Đài Loan (Trung Quốc) hướng vào bờ biển phía đông do bão đi từ Thái Bình Dương vào. Tuy nhiên, Krathon là cơn bão bất thường khi di chuyển băng qua khu vực giữa Philippines và Đài Loan (Trung Quốc) vào bắc Biển Đông, rồi bị không khí lạnh làm đổi hướng đột ngột. Do đó, bão lại đổ bộ vào phía tây của Đài Loan (Trung Quốc).
Đáng chú ý, lịch sử từng có cơn bão Thelma năm 1977 có đường đi tương tự khiến 37 người thiệt mạng tại địa phương này.
Theo dự báo thời tiết chiều hôm qua (3/10), bão Krathon có sức gió 126km/h và giật lên tới 162km/h đã đổ bộ vào thành phố cảng Cao Hùng, Đài Loan. Các mô hình dự báo cho thấy sau khi tàn phá khu vực này, bão có dấu hiệu đổi hướng, quay ngược trở lại đường mà nó vừa đi tới.
Cơn bão như va phải một bức tường vô hình và dội ngược trở lại. Hướng di chuyển về phía bắc Biển Đông và suy yếu dần.
Nhận định về hiện tượng này, ông Lê Đình Quyết, Trưởng phòng dự báo Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ cho hay, có nhiều yếu tố tác động đến đường đi một cơn bão.
"Bão thường đi theo dòng dẫn (rìa áp cao tây Thái Bình Dương ở trên cao). Nhưng có những trường hợp bị tác động bởi các hình thái thời tiết khác. Trường hợp bão Krathon đổi hướng này một phần là do ảnh hưởng của không khí lạnh mạnh từ phía bắc tràn xuống. Còn để phân tích sâu hơn thì có rất nhiều yếu tố", ông Quyết chia sẻ với báo Tuổi Trẻ.
Bên cạnh đó, không khí lạnh cũng được xem là "khắc tinh" của các cơn bão. Bởi lẽ hình thái này làm cho nhiệt độ, độ ẩm giảm. Từ đó bão mất đi năng lượng và suy yếu dần.
Dự báo áp thấp mới xuất hiện ngay sau siêu bão Krathon
Bão Krathon sau khi đổ bộ vào phía nam Đài Loan (Trung Quốc) thì bất ngờ quay trở lại, tuy suy yếu nhưng đường đi này của bão cũng cần lưu ý.
Dự báo bão, áp thấp mới nhất của cơ quan thời tiết Philippines PAGASA cho giai đoạn dự báo từ ngày 2-15/10 cho biết, một áp thấp mới có khả năng hình thành trong khu vực theo dõi của Philippines từ ngày 2 - 8/10.
Theo đó, trong tuần từ 2 - 8/10, ngay sau bão nhiệt đới Julian (tên quốc tế là Krathon), một áp thấp nhiệt đới mới có khả năng xuất hiện trong khu vực theo dõi TCID của PAGASA. Áp thấp nhiệt đới này được PAGASA dự báo có khả năng mạnh lên thành bão nhiệt đới.
Báo Lao Động dẫn nguồn của PAGASA, trong tuần từ 9 - 15/10, ít khả năng có áp thấp xuất hiện gần khu vực dự báo của Philippines.
Trong khi đó, tin bão mới nhất của ABS-CBN News ngày 4/10 cho hay, bão Krathon dự kiến suy yếu thành áp thấp nhiệt đới trong ngày 4/10.
Lúc 4h sáng 4/10, bão Krathon ở gần huyện Bình Đông, Đài Loan (Trung Quốc), cách Itbayat, Batanes, Philippines khoảng 240 km về phía tây bắc. Cơn bão gần như đứng yên, với sức gió 45 km/h và gió giật 55 km/h.
Dự báo bão Krathon suy yếu thành vùng áp thấp ngay trong ngày 4/10 ở phía trên đảo Đài Loan (Trung Quốc) hoặc vùng biển phía tây nam Đài Bắc.
Được biết, Krathon là một cơn bão mạnh ở Biển Đông. Sau khi tấn công các đảo phía bắc của Philippines, bão Krathon chuyển hướng về phía bắc hướng đến đảo Đài Loan (Trung Quốc). Ngay ở phía nam Đài Loan (Trung Quốc), bão Krathon mạnh lên thành siêu bão trong thời gian ngắn.
Trước đó, ngày 2/10 Hội đồng Quản lý và Giảm thiểu Rủi ro Thảm họa Quốc gia Philippines thông tin, do ảnh hưởng của bão Krathon, 8 người bị thương và 1 người mất tích ở Philippines. Ngoài ra, 5.431 người đã phải sơ tán ở phía bắc Philippines, chủ yếu là từ các vùng Ilocos và Cagayan Valley do ảnh hưởng của cơn bão Krathon.
Khi đổ bộ Đài Loan (Trung Quốc) ngày 3/10, bão Krathon gây sạt lở đất, lũ lụt và gió mạnh. Ít nhất 2 người thiệt mạng do bão và hàng nghìn người phải sơ tán ở Đài Loan (Trung Quốc) khi bão Krathon đổ bộ. Tại Bình Đông, phía nam Đài Loan (Trung Quốc), bão Krathon đã cản trở nỗ lực chữa cháy khi đám cháy bùng phát tại một bệnh viện địa phương khiến 9 người chết.
Bão thường xuyên xảy ra ở khu vực phía tây Thái Bình Dương, trong đó có Philippines, Đài Loan (Trung Quốc), vào thời điểm này trong năm. Tuy nhiên, một nghiên cứu gần đây cho thấy bão đang ngày càng hình thành gần bờ biển hơn, mạnh lên nhanh hơn và kéo dài hơn trên đất liền do biến đổi khí hậu.
Trúc Chi (t/h)