"Siêu bịp" hai lần lừa bán tháp Eiffel làm sắt vụn

"Siêu bịp" hai lần lừa bán tháp Eiffel làm sắt vụn

Thứ 5, 27/12/2012 23:44

Không chỉ hai lần cả gan lừa bán tháp Eiffel làm sắt vụn, "đại bịp" người Áo Viktor Lustig còn hàng chục lần lừa bán máy in tiền giả cho những kẻ hám lợi.

Siêu "ảo thuật" với chiếc máy in tiền

Sinh ra tại đế quốc Áo - Hung, Lustig lớn lên khiến người khác phải ngưỡng mộ khi đọc thông viết thạo 5 ngoại ngữ: Tiệp Khắc, Anh, Pháp, Đức và Italia. Chán ngán cảnh sống gò bó giữa "ao tù", hắn quyết định vươn ra "biển lớn" để bươn chải với đời. Hành trang hắn mang theo là một chiếc "máy in tiền".

Với phong cách ăn mặc lịch thiệp, cử chỉ đĩnh đạc, Lustig nhanh chóng chiếm được cảm tình của những vị khách mà hắn gặp trên đường. Nhờ một số thủ thuật học được trong "trường đời", hắn đã khiến chiếc máy từ từ nhả những đồng tiền 100 USD trước hàng trăm con mắt thán phục xung quanh. Cuối cùng, tên này "miễn cưỡng" bán lại chiếc "máy in tiền" của mình cho một thương gia với giá 10 nghìn USD.

Pháp luật - 'Siêu bịp' hai lần lừa bán tháp Eiffel làm sắt vụn

Viktor Lustig từng 2 lần rao bán tháp Eiffel làm sắt vụn.

Để "con mồi" nghĩ rằng mình đã mua được món hời, Lustig láu cá đã giấu sẵn vài tờ 100 USD thật ở trong máy. Sau vài lần "con mồi" thử in tiền thành công, Lustig đã lặn mất tăm. Đến lúc phát hiện chiếc "máy in tiền" là giả thì tên "siêu bịp" đã cao chạy xa bay ở một phương trời khác.

Thời gian này, Viktor Lustig đã đặt chân đến "kinh đô của những giấc mơ" - New York (Mỹ). Tại đây, hắn vẫn tiếp tục diễn trò "ảo thuật" cũ. Hắn kiếm một cái "máy in tiền" khác để lừa đảo những kẻ hám lợi. Chỉ trong một thời gian ngắn, nước Mỹ trở thành "cỗ máy làm tiền" của Lustig. Nạn tiền giả lan tràn khắp đất nước mà các cơ quan chức năng không thể tìm ra thủ phạm. Cơ quan mật vụ đã lùng sục khắp nơi, lật tung từng ngõ ngách và tóm cổ được viên cảnh sát trưởng Texas, đầu mối của "phi vụ" này. Tuy nhiên, sau một hồi thẩm vấn, giới chức ngã ngửa vì viên cảnh sát này cũng chỉ là nạn nhân của Lustig.

Thời gian cứ lặng lẽ trôi qua, các đồng tiền giả với tổng trị giá hàng triệu USD xuất hiện ngày một nhiều ở các ngân hàng và trường đua. Các mật vụ xác định, những tờ bạc giả này là "tiền của Lustig" và lo ngại rằng chúng có thể gây lũng đoạn hệ thống tiền tệ. Cơ quan mật vụ cố gắng truy lùng dấu vết của Lustig nhưng hắn vẫn bặt vô âm tín.

Cũng trong thời gian này, "siêu bịp" còn bắt tay với Al Capone - "bố già" tên tuổi nhất nước Mỹ thời đó để gia tăng thanh thế và tìm kiếm mối làm ăn. Nhờ sự "hậu thuẫn" của "bố già Chicago", Lustig tiếp tục những thương vụ buôn tiền giả của mình. Hàng trăm ngân hàng, hàng nghìn ông chủ trở thành "nạn nhân" của hắn. Thậm chí, khi đã bị bắt, cảnh sát cũng trở thành một "trò chơi" cho Lustig giật dây. Bất chấp bị cáo buộc nhiều tội danh liên quan đến tàng trữ tiền giả và khuôn đúc tiền, Viktor Lustig vẫn thừa gian manh để biện minh cho hành vi của mình. Trong khi chờ đợi ngày ra tòa, Lustig còn khoác lác tuyên bố không nhà tù nào có thể giữ được chân hắn.

Ngay trước phiên xét xử, mặc trên người bộ quần áo tù nhân và đi đôi dép lê, Lustig dùng khăn trải giường để tết thành một sợi dây và thoát khỏi nhà tù liên bang qua cửa sổ. Lúc đó, hắn giả vờ là công nhân lau cửa sổ. Tên này cẩn thận lau chùi các ô cửa rồi trượt xuống phía dưới chân tường nhà tù để trốn thoát. Hàng chục người đi qua trông thấy cảnh đó, nhưng chẳng ai tỏ ý nghi ngờ hắn là tên tù vượt ngục. Các nhân viên trại giam hết sức sửng sốt khi cánh cửa buồng giam trên tầng ba được mở, căn phòng trống rỗng và Lustig đã biến mất tự lúc nào. Lustig đã thực hiện đúng lời tuyên bố, chẳng nhà tù nào giữ được chân gã.

Hai lần lừa bán tháp Eiffel

Tuy nhiên, tất cả những vụ lừa đảo đó chỉ là chuyện "cỏn con", không xứng tầm với một tên "đại bịp" siêu đẳng nhất mọi thời đại. Phi vụ khiến tên tuổi của Lustig nổi đình nổi đám chính là việc hắn dám cả gan rao bán tháp Eiffel - một trong những biểu tượng nổi tiếng nhất của nước Pháp. Theo những tài liệu ghi chép lại, vào năm 1925, tình cờ Lustig đọc trên một tờ báo nói về những khó khăn tài chính lớn của Tòa thị chính Thủ đô Paris trong việc duy tu tháp Eiffel.

Lập tức, bộ óc "thiên tài" của hắn đã phác họa ra một kế hoạch táo bạo chưa từng có trong lịch sử: Rao bán tháp Eiffel làm sắt vụn. Nghĩ là làm, ngay lập tức, hắn bắt tay vào thực hiện.

Pháp luật - 'Siêu bịp' hai lần lừa bán tháp Eiffel làm sắt vụn (Hình 2).

Sau khi lên kế hoạch, Lustig đóng vai là Thứ trưởng bộ Bưu điện Pháp và gửi giấy mời đại diện 6 hãng chuyên thu gom sắt vụn tới gặp. Trong cuộc gặp, họ được "vị quan chức đáng kính" cho biết việc duy tu tháp Eiffel đòi hỏi những khoản tiền quá lớn. Tòa thị chính Paris không đủ sức gánh vác nên dự định sẽ bán danh thắng lịch sử này làm sắt vụn thông qua một cuộc đấu giá kín. Làm ra bộ để tránh phản ứng dữ dội từ phía dư luận, hắn thuyết phục những người tham dự hôm đó phải giữ kín chuyện này.

Theo thiết kế, tháp Eiffel có tổng khối lượng lên đến 9.000 tấn, trong đó có 7.300 tấn thép. Thế nhưng, giá khởi điểm mà vị "Thứ trưởng" này đưa ra lại thấp hơn rất nhiều so với giá thực tế trên thị trường. Điều đó tạo cơn sốt cho các nhà đầu tư. Nhiều người đã phải chi những khoản tiền "đi đêm" rất lớn với hắn để mong được trúng thầu. Cuối cùng, quyền tháo dỡ tháp thuộc về triệu phú Andre Poisson, sau khi ông này đã đưa cho Lustig một khoản tiền lên đến 50.000 USD.

Mọi việc diễn ra suôn sẻ đến mức không có bất kỳ một nghi ngờ nào. Phải đến mấy ngày sau, khi Andre Poisson đưa công nhân đến để tháo dỡ tháp Eiffel thì mới vỡ lẽ ra là mình bị lừa. Ngoảnh đi ngoảnh lại, Lustig đã cao chạy xa bay với một va li tiền nặng trịch. Andre Poisson đã thật sự bị sốc vì xót của. Tuy nhiên, sợ bị "mất mặt" nên ông này đành nín lặng, không đệ đơn kiện kẻ đại bịp kia. Thông tin về vụ siêu lừa đảo chấn động thế giới cũng nhanh chóng bay đi theo gió mà rất ít người biết đến.

Chưa đầy một giờ sau khi đút túi số tiền "khủng", "siêu bịp" đã lên đường quay trở lại quê hương. Hắn chờ đợi thời điểm câu chuyện bị vỡ lở và bị nhà chức trách truy nã nhưng rốt cục điều đó đã không xảy ra. Nghe ngóng không thấy động thái gì, Lustig dự định sẽ sớm quay trở lại Paris để tiến hành vụ rao bán tháp Eiffel lần nữa.

Đúng như kế hoạch, không lâu sau, "siêu lừa" đã quay trở lại Paris và tiếp tục lừa bán tháp Eiffel lần thứ 2. Vẫn những kịch bản cũ, phi vụ lần này hắn tiếp tục đút túi 75.000 USD tiền mặt. Với hai phi vụ lừa bán tháp Eiffel, Lustig đã trở thành kẻ đại bịp tài ba nhất mọi thời đại. Tuy nhiên, "đi đêm lắm cũng có ngày gặp ma", cuối cùng Lustig kết thúc sự nghiệp lừng danh của mình ở nhà tù Alcatraz (California, Mỹ) vào năm 1935. Hắn bị kết án 15 năm tù vì tội làm tiền giả và thêm 5 năm vì tội trốn tù.

Tội phạm "vĩ đại" nhất mọi thời đại

Lustig được mệnh danh là tên tội phạm "vĩ đại" nhất mọi thời đại, một bậc thầy về nghệ thuật lừa đảo sở hữu tới 45 cái tên giả. Chỉ riêng tại Mỹ, Viktor Lustig đã bị bắt 50 lần. Tuy nhiên, cả 50 lần hắn đều được thả do nhà chức trách không có đủ bằng chứng để kết tội. Vậy là cuộc đời của kẻ lừa đảo vĩ đại nhất hành tinh này là những chuỗi ngày ra vào phòng lấy lời khai của cơ quan công an như đi chợ. Và sau này, hắn đã biến mất khỏi thế gian mà không một ai hay biết.

Anh Văn


Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.