Gần 40 năm gọi điện để sửa lỗi
Dù đã ở cái tuổi xưa nay hiếm nhưng cụ Phạm Thị Minh Mỵ (93 tuổi, tòa nhà N5A, khu đô thị Trung Hòa-Nhân Chính, Hà Nội) ngày nào cũng đọc rất nhiều các loại sách, báo, từ cổ chí kim, cụ đọc cả những sách mới được xuất bản gần đây.
Điều đặc biệt là khi đọc bất cứ tác phẩm nào, thấy lỗi cụ lại tìm số điện thoại của tác giả, tòa soạn báo hoặc nhà xuất bản để phản ánh. Cũng vì sở thích này mà cụ được mệnh danh là "siêu độc giả" đất Hà thành. May mắn có dịp trò chuyện với cụ Minh Mỵ, lớp trẻ như chúng tôi thật sự cảm phục về tinh thần tự học có một không hai ở cụ.
Cụ Minh Mỵ hiện nay.
Nói về sách, về thú vui văn chương, cụ say sưa như quên hết mọi thứ xung quanh. Những ký ức xưa, những câu chuyện về sách, về việc đọc được cụ nhớ và kể lại tường tận. Ngồi nghe, chúng tôi cứ thẫn thờ, không thể giải thích vì sao ở cái tuổi 93 cụ vẫn có thể ngồi hàng giờ để nói về văn chương. Điều lạ là tất cả các thông tin, các mốc thời gian không hề sai.
Nhà thơ Hải Như là người đầu tiên gọi cụ Minh Mỵ là "siêu độc giả". Sau một bài viết của tác giả Lê Mai đăng trên báo Văn Nghệ năm 2008 thì tên gọi Hà thành "siêu độc giả" trở thành một cách gọi chung mà mọi người dành cho cụ.
Thói quen đọc sách và gọi điện ngay khi phát hiện lỗi sai của cụ đã thành nếp gần 40 năm nay. Con rể của cụ Mỵ, nhà văn Vũ Ngọc Tiến cho biết, khi đọc sách, thấy lỗi là cụ lại gọi điện cho tác giả hay nhà xuất bản để bày tỏ ý kiến, điều này đã thành thói quen. Tác phong của cụ là đọc thấy sai thì phải sửa, không sửa không được. Cụ phải góp ý nhiều nhất là những cuốn sách xuất bản từ những năm 1990 trở lại đây, là giai đoạn theo cụ công tác biên tập mà sự cẩn thận kém nhiều so với trước. Bất kể nhà xuất bản nào, tác giả nào, dù tiếng tăm đến mấy nhưng hễ thấy lỗi, là cụ gọi điện góp ý.
Kỷ niệm không thể quên với cụ Minh Mỵ là cuộc gặp gỡ nhà thơ Tản Đà ở nhà sách Hương Sơn của Mân Châu Nguyễn Mạnh Bổng (anh vợ của Tản Đà) ở Hàng Bông (Hà Nội) khi cụ còn là... một cô bé. Ngày đó, Tản Đà là nhà thơ dịch thơ chữ Hán rất nổi tiếng. Trong bản dịch bài thơ Tầm ẩn giả bất ngộ (nguyên tác của Giả Đảo) có hai câu: Gốc thông hỏi chú học trò /Rằng thầy hái thuốc lò mò đi xa. Lần đầu tiên đọc bản dịch, cụ đã không thích hai chữ lò mò, có dịp gặp Tản Đà, cụ Mỵ đã không ngần ngại bày tỏ ý kiến và ngỏ ý muốn sửa lại. Ngay khi cụ Mỵ đọc hai câu thơ sửa theo ý mình: "Gốc thông hỏi chú tiểu đồng/Rằng đi hái thuốc thầy không có nhà" thì nhà thơ Tản Đàn vô cùng ngạc nhiên. Tản Đà lập tức xoa đầu, hỏi lại cụ Mỵ: "Cô bé là học trò của ai mà khá quá?"...
Cụ Minh Mỵ theo gia đình lên sống ở bản Tạ Chan (Sơn La) từ lúc nhỏ xíu, chỉ chừng 3-4 tuổi. Sau này, thỉnh thoảng cụ mới về Hà Nội. Sách báo từ Hà Nội chuyển lên, cụ tự đọc, tự học chữ cái a b c trên đồng rừng, tập đọc sách trên miền sơn cước. Chăm đọc và mê tiểu thuyết Tàu, mười hai tuổi, cụ đã rành tất cả các bộ Tam Quốc, Tây Du Ký, Thủy Hử, Hồng Lâu Mộng, cụ còn đọc các tác phẩm cổ điển của Pháp, và sau này là của Nga.
93 tuổi, cụ Mỵ tinh thông về văn học, sách, báo như một nhà nghiên cứu lâu năm. Cụ là bạn của nhiều nhà văn, nhà thơ tiêu biểu một thời, là một nhân chứng sống quý giá về một giai đoạn đã lui vào dĩ vãng.
Cuốn Thao thức dày 800 trang của cụ Minh Mỵ được xuất bản năm 2009.
Một tinh thần tự học mẫu mực
Việc đọc đã thành nếp từ thời con gái của cụ. Yêu thơ, văn từ thời tiền chiến, tuy nhiên, thời đó cụ còn bận lo toan nhà cửa, con cái, không có thời gian viết lách. Khi bắt đầu nghỉ hưu ở cục Chuyên gia năm 1977, cụ đọc nhiều hơn. Ngoài việc sáng tác thơ, cụ Minh Mỵ còn dịch thơ từ tiếng Pháp, chữ Hán.
Cuối năm 2009, cụ Minh Mỵ đã hoàn thành và cho xuất bản cuốn sách dày 800 trang có tựa đề Thao thức. Bộ sách được tuyển chọn gồm sáng tác thơ, tạp văn và thơ dịch (tiếng Pháp và tiếng Trung Quốc), tất cả được cụ viết rải rác trong các thời kỳ. Chẳng cứ người ngoài mà ngay các con cụ cũng giật mình, sửng sốt khi biết hồi nhỏ cụ chỉ được học hết lớp nhất (tương đương lớp 4 bây giờ) chứ không phải vốn là một nhà nghiên cứu hay một người học rộng.
Tinh thần tự học ở cụ luôn là tấm gương để con cháu noi theo. Cuốn sách được ra mắt khi cụ Minh Mỵ tròn 90 tuổi, phần cụ viết hồi ức về các nhà văn, nhà thơ thời tiền chiến được giới văn nghệ sỹ đánh giá khá cao. Tất cả được cụ viết bằng những trải nghiệm chân thực của bản thân, bởi cụ chính là một nhân chứng sống của lịch sử. Trước đó, cụ Minh Mỵ cũng đã từng xuất bản 2 tập thơ Chuyển mùa và Nhớ thu.
Đọc nhiều, hiểu rộng, cụ chẳng bao giờ khen chê văn theo ý ai mà chỉ dựa vào ý kiến cá nhân. Mỗi nhận xét của cụ đều khách quan, chân thực và sâu sắc. Nhà văn Vũ Ngọc Tiến nhớ lại, trước đây, cụ Mỵ có đọc nhiều tác phẩm của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư được viết theo lối tự sự, tuy nhiên, ở tác phẩm Sông, Nguyễn Ngọc Tư đã chuyển sang một bút pháp hoàn toàn mới là tiểu thuyết núp bóng du ký. Sau khi đọc tác phẩm, cụ Mỵ đã cảm được cách viết của nhà văn, dù không thích Nguyễn Ngọc Tư viết theo bút pháp này nhưng cụ vẫn đánh giá: "Nhà văn thay đổi bút pháp mà viết được như thế là giỏi".
Cụ phân tích văn chương như một người nghiên cứu chuyên sâu. Khả năng thẩm văn của cụ rất sâu sắc và chính xác. Bản thân tôi, khi hoàn thành bất cứ truyện ngắn hay tiểu thuyết nào, tôi coi việc được cụ đọc và góp ý trước là một vinh dự", nhà văn Vũ Ngọc Tiến chia sẻ.
Có một điều vô cùng đặc biệt ở cụ Minh Mỵ, đó là dù là người cổ nhưng từ ngày đổi mới, sách báo in và bán rộng rãi trên thị trường, cụ là một trong số những người cập nhật rất nhanh. Khó ai có thể tin được, ở tuổi 93, cụ vẫn đọc Harry Potter và Mật mã De Vinci, hai tác phẩm mê hoặc độc giả tuổi teen. Trong thư phòng của gia đình, sách của các tác giả đến từ Anh, Pháp được cụ cất cẩn thận ở riêng một giá sách.
Yến Dương