Ngày 13/11, theo ghi nhận của PV báo điện tử Người Đưa Tin, dọc hai bên sông Sài Gòn là bờ cỏ mọc um tùm, con đường khá lầy lội khó khăn cho việc đi lại. Lác đác bên sông là những ngôi nhà vắng lặng, trái ngược với cuộc sống ồn ào bên ngoài. Nếu đầu năm, khu vực này khá nhộn nhịp trước thông tin về siêu dự án tỷ đô thì hiện tại, nơi đây trở nên ảm đạm và đìu hiu…
Khi ý tưởng về siêu dự án Đại lộ ven sông Sài Gòn được Tập đoàn Tuần Châu đề xuất, cao điểm tháng 4, tháng 5, đất vườn, đất nông nghiệp kéo dài từ huyện Củ Chi tới quận 12 tăng giá 3-4 triệu đồng/m2, đất thổ cư 5-7 triệu đồng/m2. Trung tâm dự án New Sài Gòn và dự án Đại lộ ven sông giá tăng 15-20% so với năm 2016 nhưng lại giảm so với đợt cao điểm.
Giá đất dao động từ 1-3 triệu đồng/m2 tùy từng địa điểm. Dự án tỷ đô ven sông trở thành mồi ngon béo bở cho các nhà môi giới đổ xô đi mua đất làm nhà rồi gắn biển mua bán. Tại khu vực huyện Củ Chi từ cầu Rạch Tra đến phà Bình Mỹ, giá đất vườn dao động từ 3 - 4 triệu đồng/m2 nhưng không có giao dịch nào trên 1.000m2.
Tại huyện Hóc Môn, giá đất ven sông Sài Gòn dao động ở mức 4-5 triệu đồng/m2, cao hơn đất cùng loại phía sông Vàm Thuật từ 1-2 triệu đồng/m2. Khu vực quận 12, các phường Thạnh Xuân, Thạnh Lộc giá đất dao động ở mức 5 - 7 triệu đồng/m2 nhưng rất ít người hỏi mua.
So với đợt cao điểm giá đất vẫn chững lại, lượng ký gửi thì nhiều mà giao dịch rất hiếm hoi.
Sau công văn bác bỏ đề xuất vốn cho siêu dự án Đại lộ ven sông Sài Gòn của bộ Kế hoạch và Đầu tư, gần như mọi giao dịch mua bán các lô đất dọc tuyến sông Sài Gòn đều bị đóng băng. Hiện giao dịch chủ yếu là đất nền thổ cư nằm trong khu quy hoạch của thành phố.
Anh Phan Văn Hưng, người ký gửi bán lô đất tại bờ bao sông Sài Gòn, thuộc xã Nhị Bình cho biết, khi nghe tin về dự án này anh đã đầu tư 8,5 tỷ đồng mua mảnh đất vườn 1.700m2 (trong đó có 750m2 thổ cư). Tới nay, dự án bị bác bỏ, không biết bao giờ mới bán được đất để thu lại vốn làm ăn.
Được biết, tuyến bờ bao sông Sài Gòn đoạn qua xã Bình Mỹ, huyện Củ Chi có vài hộ xây tường rào trồng cây để đón đầu chờ đền bù khi dự án này thực hiện, nay phải đóng cửa bỏ hoang. Trên tuyến đường Bùi Công Trừng, tỉnh lộ 9, tỉnh lộ 8, tỉnh lộ 15, nhiều bảng hiệu mua bán đất đã được dỡ bỏ.
Trước đó, từ tháng 2/1017, Tập đoàn Tuần Châu - Công ty TNHH Âu Lạc Quảng Ninh đã đưa ra hàng loạt dự án mang tính đột phá tại huyện Củ Chi và được các cơ quan của thành phố ủng hộ. Trong đó, dự án Thành phố Mới (New City) và Đại lộ ven sông Sài Gòn (nối huyện Củ Chi với quận 1) được xem là nổi bật nhất. Tuy nhiên, ở thời điểm đó, các phương án cụ thể hơn về quỹ đất, tài chính chưa được công bố và đề cập đến. Theo đề xuất này, dự án Đại lộ ven sông Sài Gòn (nối huyện Củ Chi về quận 1) tận dụng quỹ đất ven sông, với chiều dài khoảng 59 km, tốc độ xe dự kiến 100 km/h sẽ chỉ mất khoảng 20-30 phút để đi từ Củ Chi về quận 1. Chủ đầu tư dự kiến thi công xong đưa vào sử dụng trong 18 tháng. Đại lộ này sẽ tạo điều kiện kết nối với quốc lộ 22, và các tuyến đường của tỉnh Bình Dương. Các doanh nghiệp bất động sản sẽ phối hợp với Tập đoàn Tuần Châu - Công ty TNHH Âu Lạc Quảng Ninh để phát triển các dự án khu dân cư, khu nhà ở xã hội, nhà ở thương mại giá rẻ trên địa bàn các huyện Hóc Môn, Củ Chi để đáp ứng nhu cầu của các tầng lớp người dân thành phố. Trong khi đó, dự án New City có diện tích khoảng 15.000 ha (gấp 15 lần diện tích dự án Khu đô thị Phú Mỹ Hưng và Khu đô thị Thủ Thiêm cộng lại) thuộc các xã phía đông bắc huyện Củ Chi. Theo đề xuất của doanh nghiệp, với quy mô này, sẽ hình thành một trung tâm đô thị mới của thành phố thích ứng với tình trạng biến đổi khí hậu, nước biển dâng. Trong dự án, sẽ hình thành nên các khu nhà ở xã hội, nhà ở thương mại giá rẻ, tạo được công ăn việc làm, có đầy đủ dịch vụ và tiện ích phục vụ cư dân. |