Siêu lừa trong lốt giảng viên đại học

Siêu lừa trong lốt giảng viên đại học

Thứ 5, 27/12/2012 23:46

Là người có tướng mạo lại là một giảng viên đại học nên lời nói của Nguyễn Hữu Vinh rất có giá trị. Lợi dụng uy tín nghề nghiệp cũng như năng khiếu giao tiếp, Vinh đã lừa đảo hàng chục người với chiêu bài chạy dự án, đưa người đi xuất khẩu lao động, xin việc làm...

Khi bị phát hiện, Vinh đã tìm cách trốn thoát. Bặt đi một thời gian dài, Vinh tưởng mọi chuyện đã yên, nhưng lưới trời lồng lộng, sau 2 năm trốn lệnh truy nã, Vinh đã bị bắt.

Pháp luật - Siêu lừa trong lốt giảng viên đại học

Nguyễn Hữu Vinh khi bị bắt.

Kẻ lừa đảo đội lốt thầy giáo

Nói năng nhẹ nhàng, ăn mặc lịch sự lại đeo kính cận nên nhìn bề ngoài, không ai tin Nguyễn Hữu Vinh có thể là kẻ lừa đảo có tiếng như vậy. Thực ra, theo tâm sự của đồng nghiệp và các sinh viên thì trước đây, Vinh cũng là người có chí tiến thủ và đã có những thành công nhất định trong sự nghiệp giáo dục. Nếu không vì lòng tham thì bây giờ, Vinh đã trở thành một thầy giáo, một tấm gương lớn cho học sinh noi theo.

Nguyễn Hữu Vinh sinh năm 1959 tại huyện Hưng Nguyên (Nghệ An). Nhà nghèo, áp lực kinh tế đè nặng nhưng bằng nỗ lực và quyết tâm cao, Vinh đã thi đậu và tốt nghiệp Trường ĐH Vinh với tấm bằng khá. Ra trường, như bao sinh viên Nghệ An khác, Vinh đối mặt với những khó khăn trong việc làm. Loay hoay mãi vẫn không tìm được chỗ đứng nên Vinh quyết định Nam tiến. Rồi thông qua nhiều mối quan hệ, điểm dừng chân của Vinh là Trường CĐSP tỉnh Đồng Tháp. Với tài năng và sự nhiệt huyết của mình, Vinh trở thành một thầy giáo dạy Văn có tiếng. Cũng bởi năng lực nghề nghiệp và tài ăn nói, năm 1997, Vinh liên hệ rồi chuyển được công tác về Trường đại học Vinh.

Về lại nơi mình đã từng học tập nhưng với tư cách là giảng viên, niềm hạnh phúc với Vinh là vô bờ bến. Tưởng rằng, gần nhà, lại giảng dạy ở một ngôi trường có tiếng, Vinh sẽ biết trân trọng để tiếp tục phát triển sự nghiệp. Nhưng đáng tiếc, Vinh đã không chọn con đường đó mà muốn có thật nhiều tiền và làm giàu thật nhanh.

Nhiều học trò và đồng nghiệp của Vinh cho biết, Vinh có năng lực chuyên môn khá, có tài ăn nói khiến các sinh viên rất yêu quý. Tuy nhiên, điều người ta thắc mắc là mặc dù mới về trường Đại học Vinh chưa lâu, thu nhập từ dạy học cũng chẳng là bao nhưng vị giảng viên này sống rất thượng lưu. Vinh có xe ô tô từ rất sớm, điều mà các giảng viên cùng thời chỉ giám mơ ước. Sau này tìm hiểu, tất cả mọi người mới thực sự choáng khi Nguyễn Hữu Vinh đích thực là một người lừa đảo có tiếng.

Trở về Đại học Vinh được một thời gian, Vinh không cố gắng trau dồi để phát triển nghề nghiệp mà chuyển sang một hướng khác, cũng kiếm tiền nhưng bất chính. Được biết, thời gian này, tỉnh Thanh Hóa xây dựng và mở rộng Khu kinh tế Nghi Sơn trong đó có dự án xây dựng nhà máy lọc dầu. Nắm được chủ trương đó, Nguyễn Hữu Vinh đi rêu rao rằng, mình là người có quan hệ rộng, quen biết với nhiều sếp to có thể chạy được dự án. Là một giảng viên lại ăn nói đàng hoàng nên không ít đã tin sái cổ. Một nữ giám đốc ở huyện Đông Sơn đã đưa trước 700 triệu đồng để nhờ Vinh chạy dự án làm đường và san lấp mặt bằng tại nhà máy lọc dầu Nghi Sơn. Nhưng, nhận tiền xong, Vinh về Nghệ An trốn biệt tăm.

Thành công qua một số vụ lừa đảo ở Thanh Hóa, Vinh trở về Nghệ An và tiếp tục công việc cũ. Để tránh bị phát hiện, Vinh không chạy dự án nữa mà tự rêu rao mình có khả năng xin được việc làm, đưa được người đi xuất khẩu lao động, đi nước ngoài. Cũng bởi là giảng viên nên tin lời Vinh, nhiều nạn nhân đã mắc bẫy, đưa tiền cho Vinh mà không một chút nghi ngờ. Nhưng khi lấy được tiền, Vinh lại trốn mất tăm khiến nhiều người phải kêu trời.

Lưới trời lồng lộng

Từ cuối năm 2008, cơ quan chức năng ở Nghệ An và Thanh Hóa liên tục nhận được đơn tố cáo của người dân về việc một Thạc sỹ, là giảng viên Đại học Vinh lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Xác định đây là vụ việc lớn, có thể ảnh hưởng đến uy tín của nghề giáo nên lần lượt các tổ công tác của Công an tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An đã tiếp cận trường Đại học Vinh để làm việc, xác minh thông tin mà người dân phản ánh. Khi xác định việc đó là có thật, đồng nghiệp và cấp trên của Vinh cũng khuyên người này dừng lại, ra đầu thú để hưởng sự khoan hồng nhưng Vinh không nghe và trốn biệt tăm.

Rất nhanh, Vinh xin nghỉ 3 tháng để đi chữa bệnh nhưng 5 tháng sau vẫn không quay về nhiệm sở nên bị trường Đại học Vinh ra quyết định đuổi việc. Xác định Vinh là tên lừa đảo nguy hiểm nên ngay sau khi có quyết định đuổi việc của Trường Đại học Vinh (năm 2009), Vinh bị Công an tỉnh Thanh Hóa ra lệnh truy nã toàn quốc về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Sau một thời gian dài, đến tháng 6/2012, Công an tỉnh Nghệ An tiếp tục phát lệnh truy nã Vinh về tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Biết mình bị truy nã nhưng Nguyễn Hữu Vinh không muốn chịu trách nhiệm về những gì mình đã gây ra và tìm cách trốn chạy bằng nhiều thủ đoạn khác nhau.

Trong thời gian truy nã, cơ quan điều tra cho biết, Vinh sống rất nhiều nơi, trong đó thường xuyên đi lại giữa Nghệ An, Thanh Hóa và Bình Dương. Để tránh sự theo sát của các con nợ cũng như cơ quan chức năng, Vinh dùng hàng chục điện thoại khác nhau. Tuy nhiên, sai lầm của Vinh là trong thời gian bị truy nã, y tiếp tục lấy danh thạc sỹ, giảng viên rồi lừa đảo, lấy tiền bất chính. Những việc làm của Vinh đã không qua mặt được các chiến sĩ của đội 1, Phòng 4, Cục Cảnh sát truy nã tội phạm - Bộ Công an. Từ đó những di biến của Vinh đều nằm trong tầm kiểm soát của lực lượng chức năng.

Đến tháng 6/2012, các trinh sát phát hiện Nguyễn Hữu Vinh có một vợ bé ở huyện Diễn Châu, người này từng là học trò cũ của Vinh và hai người đã có với nhau một đứa con. Các trinh sát nhận định rằng, với việc có vợ bé và con nhỏ nên chắc chắn, Vinh phải thường xuyên lui tới để chăm nom. Trên cơ sở đó, việc giăng lưới bắt Vinh đã bàn bạc và thống nhất cao. Theo kế hoạch, một tổ công tác dụ Vinh từ Bình Dương ra Nghệ An, tổ khác được lệnh bám địa bàn, tìm hiểu từ địa chỉ người vợ bé của Vinh qua đó xác định các địa điểm mà Vinh thường hay qua lại.

Điều thuận lợi cho các trinh sát là khi tiếp cận địa chỉ của người vợ bé ở một xã thuộc huyện Diễn Châu, thì hàng xóm cho biết, Vinh đang ở cùng với vợ tại đây và hàng ngày vẫn đánh xe ô tô chở vợ con đi chơi. Được biết, người dân địa phương không hề hay biết, Vinh là người đang chịu lệnh truy nã toàn quốc về lừa đảo. Không thể chậm trễ hơn, kế hoạch vây bắt Vinh ngay lập tức được thực hiện. Theo kế hoạch, một cuộc đụng độ xe bất ngờ sẽ xảy ra trên đường và Vinh sẽ bị tóm gọn, đưa về trụ sở công an. Tuy nhiên, khi triển khai kế hoạch, thấy Vinh đang bế theo con nhỏ nên các trinh sát tạm thời ém quân để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho đứa trẻ.

Sau khi Vinh gửi con cho người quen để đi làm một việc khác thì vòng vây được khép chặt, Vinh bị cảnh sát bắt tại chỗ. Cựu giảng viên này không tỏ ra hoảng hốt mà cúi đầu chấp nhận bị bắt. Có lẽ, trong suy nghĩ, anh cũng xác định có ngày mình sẽ bị như vậy, vì lưới trời lồng lộng, làm sao trốn thoát được khi đã gây ra họa lớn. Sau khi Vinh bị bắt, nhiều người mới ngã ngửa, một số học trò cũ còn nghĩ cảnh sát bắt nhầm người.

Vinh lập tức được đưa ra Thanh Hóa, phục vụ cho việc điều tra về những hành vi y gây ra tại địa phương này. Sau một thời gian bị Công an Thanh Hóa truy xét, mới đây, Vinh đã được di lý về Nghệ An để điều tra. Ngày 28/8, để bảo đảm tối đa quyền lợi của bị hại, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Nghệ An ra thông báo tìm các nạn nhân bị Nguyễn Hữu Vinh lừa đảo. Theo lời khai, vị thạc sỹ này đã lợi dụng mác giảng viên khoa Ngữ văn để lừa 31 người dân trong đó có nhiều người là học trò cũ, nhận hơn 3 tỷ đồng để xin việc làm, đưa người đi nước ngoài.

Tới đây, chắc chắn Vinh sẽ phải ra đứng trước vành móng ngựa để trả giá cho những hành vi lừa đảo của mình. Vị cựu giảng viên này sẽ bị pháp luật xử lý một cách đích đáng, nhưng trước mắt, trong thời gian chờ tòa xử án, Vinh sẽ phải đối mặt với bản án lương tâm, khi đã gây ra nỗi đau cho các nạn nhân là những học trò, là bạn bè một thời đã rất kính nể Vinh.

Trần Tâm - Phạm Phạm


Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.