Nổi tiếng là một siêu mẫu có nhiều năm kinh nghiệm và gặt hái nhiều thành công tại làng thời trang trong nước và quốc tế, Hà Anh còn được khán giả yêu mến, ngưỡng mộ bởi lối cư xử thông minh, nền nã và khéo léo. Cùng lắng nghe những chia sẻ của Hà Anh về cuộc sống của những chân dài làng mẫu sau ánh hào quang.
Đằng sau hào quang nổi tiếng hẳn giới mẫu có những “góc khuất” không phải ai cũng thấu?
Bản thân tôi không thích dùng từ "góc khuất" bởi nó ám chỉ điều gì đó không rõ ràng, có tính chất mờ ám và đen tối. Thực sự nghề nào cũng vậy, có khổ luyện, có thành công, có thất bại. Ví dụ như một số người mẫu có thể "kể khổ" rằng đằng sau những bức hình đẹp đẽ lung linh là hàng giờ liền ngồi make up, chờ đợi, chụp hình trong khí hậu khắc nghiệt, hay đồng lương có thể ít ỏi.
Vậy không lẽ nghề bác sĩ chẳng hạn, chẳng phải mất 5-7 năm học tập, tu luyện, khi làm việc phải tập trung cao độ bất kể sớm khuya, thậm chí rủi ro đến với nghề, với đồng lương ít ỏi hơn cả nghề người mẫu thì sao? Có thể gọi đó là "góc tối" của nghề không? Hay giả sử như một người công nhân lao động, một anh bảo vệ, một chị lao công, phải làm việc tay chân nặng nhọc nhiều giờ liền, với đồng lương cực kỳ ít ỏi, họ có bao giờ than nghèo kể khổ để mong chờ sự thông cảm của xã hội hay không?
Tôi nghĩ có lẽ người ta tô hồng cho nghề nghiệp của mình quá, để rồi tự tạo nên áp lực cho chính bản thân mình. Nhiều người mẫu ở Việt Nam nghĩ rằng đã làm người mẫu rồi là phải xuất hiện lộng lẫy mọi lúc mọi nơi, có người vừa vào nghề đã có trợ lý, trang điểm riêng đi theo, rồi họ nghĩ rằng đã làm người mẫu, nếu làm thêm các nghề khác thì là hạ thấp hình ảnh của mình. Nhận thức như vậy là chưa đúng, đồng thời vô tình tạo thêm áp lực phải xuất hiện bóng bẩy giàu có, trói buộc họ phải ngồi chờ hay đánh đổi lấy cơ hội cho mình khi họ hoàn toàn có thể kiếm thêm các công việc khác để giúp cuộc sống của mình ổn định hơn.
Các người mẫu quốc tế cũng vậy, không phải ai cũng trúng những quảng cáo triệu đô. Con số người mẫu có khả năng đó đếm trên đầu ngón tay, còn lại 95% các người mẫu quốc tế khác sống như những người bình thường. Mùa fashion week (tuần lễ thời trang) đến, họ đi lưu diễn ở các nước khác nhau, rồi công ty gọi họ làm việc thì họ làm, nếu công việc có những thời điểm chưa đủ, họ hoàn toàn có thể đi học thêm, đi làm thêm các nghề khác nhau để ổn định cuộc sống và họ cũng như xã hội coi đó là điều bình thường.
Nếu bạn nói đến việc "sa ngã" như đánh đổi tình tiền, hút chích, thì đó không phải do nghề người mẫu. Có thể, môi trường hào nhoáng, áp lực thăng tiến là một trong những yếu tố làm người ta nghĩ đến khả năng sa ngã. Nhưng có sa ngã hay không hoàn toàn phụ thuộc vào tri thức, nhân cách và sự lựa chọn cá nhân.
Nếu nói đến sa ngã, đầy người trong xã hội cũng có thể sa ngã nếu họ muốn, có thiếu gì đâu. Không thể đổ lỗi cho nghề được!
Hình ảnh bóng bẩy của các chân dài thường bị gắn liền thị phi, chị nghĩ sao về điều này? Bản thân Hà Anh có hối hận khi quyết định gắn bó với nghề mẫu không?
Tôi không có hối hận gì cả. Bởi có lẽ không mất quá nhiều thời gian để người ta có thể hiểu tôi là ai, có trí thức hay khả năng như thế nào. Mỗi cá nhân chỉ đại diện cho lựa chọn của chính mình. Không chỉ tôi mà có rất nhiều người mẫu khác trong nghề cũng hoạt động nghề chân chính, không lừa gạt, cướp đoạt của ai.
Còn chuyện người đẹp yêu đại gia chẳng hạn, lại là quyền lựa chọn cá nhân của họ. Chúng ta có quyền gì để can thiệp? Thử hỏi một người bình thường, khi bố mẹ lựa chọn chàng rể, có lựa chọn người khỏe mạnh, có công việc ổn định, "môn đăng hộ đối" không? Vậy nếu họ là cô gái đẹp, có nhiều sự lựa chọn, không lẽ họ chọn một người chồng lông bông không có tương lai?
Nói vậy, nhưng cá nhân tôi không cổ xúy cho lối sống đặt vật chất lên hàng đầu bởi tôi chọn lấy một người chồng là người đàn ông tôi yêu, hòa hợp về tâm hồn, một người tốt bụng, tình cảm, yêu thương tôi chân thành và anh ấy là một giáo viên dạy học sinh tiểu học ở một trường Quốc Tế. Tuy nhiên tôi không thể mặc định nhu cầu, lựa chọn của mình cho người khác được. Bởi tôi và họ có xuất phát điểm khác nhau, mục đích trong cuộc sống khác nhau.
Tôi chỉ hy vọng rằng những thành tựu mà bản thân tôi đang rất nỗ lực phấn đấu để thành công, hạnh phúc sẽ góp một phần nhỏ trở thành nguồn cảm hứng cho một số bộ phận giới trẻ để họ có niềm tin vào cuộc sống, niềm tin vào khả năng bản thân và dám mơ ước.
Theo Hà Anh, những người mẫu trẻ nên làm cách nào để “nói không” với cám dỗ?
Tôi nghĩ nói "không" không khó nếu như cô gái ấy có đủ tri thức, khả năng chuyên môn và sự tự tin vào chính bản thân mình. Và quan trọng hơn cả, là tự bản thân cô ấy muốn nói "không" với cám dỗ.
Là “đàn chị” nhiều năm trong nghề mẫu, chị nhận xét như thế nào về thế hệ người mẫu hiện nay?
Tôi rất tự hào khi thấy thế hệ người mẫu trẻ rất nhiều người có tiềm năng, năng động, bắt đầu học hỏi những cái mới theo hướng tích cực, làm việc kỷ luật hơn. Tuy nhiên đó mới là khởi đầu, để thành công cần có sự bền bỉ trong lao động, trau dồi khả năng chuyên môn và không quản ngại khó khăn, kiên trì với nghề.
Đối những người mẫu tôi đào tạo hay làm việc với, tôi luôn cố gắng giúp đỡ các em có được nhận thức đúng đắn cho công việc, tuân thủ giờ giấc và chỉ dạy thêm cho các em các kỹ năng mà tôi tích cóp được 10 năm trong nghề trên các sàn diễn quốc tế và Việt Nam để giúp các em có thể trở nên đa dạng hơn, tự tin hơn và vững vàng với nghề hơn.
Còn lại thì tôi không can thiệp vào việc các em yêu ai, làm gì. Miễn là đến với công việc, với tôi, các em có sự chân thành, chuyên nghiệp thì nhất định tôi sẽ ủng hộ!
Cảm ơn những chia sẻ của chị!
Song Ngư