Người đẹp Việt tranh tài tại các đấu trường nhan sắc quốc tế, một chủ đề không mới nhưng vẫn luôn “nóng”, nhất là trong thời điểm các cuộc thi đang rầm rộ như hiện nay.
Không hiếm những hoa hậu được cử đi trong tung hô, kỳ vọng bằng những lời lẽ "đao to búa lớn", nhưng cuối cùng lại mang đến sự thất vọng. Tất nhiên, mọi sự so sánh luôn khập khiễng khi tính chất và quy mô của các cuộc thi hoa hậu mà các người đẹp tham gia là khác nhau. Nhưng, thay vì cứ mải ném đá, chỉ trích, chúng ta cần xem lại những tiêu chí của các người đẹp tranh tài tại các đấu trường nhan sắc quốc tế.
Trong “cơn bão” người đẹp Việt “mang chuông đi đánh xứ người”, báo Người Đưa Tin đã có cuộc trao đổi với siêu mẫu Hà Anh – người từng là thí sinh của các cuộc thi sắc đẹp quốc tế, và sau này ngồi ghế giám khảo nhiều cuộc thi nhan sắc, người mẫu trong nước và thế giới. Nữ siêu mẫu đã có những chia sẻ thú vị về mặt hạn chế và bài học rút ra cho người đẹp Việt khi tranh tài tại các đấu trường nhan sắc quốc tế.
Sức khỏe và sự hoạt bát chủ động
Đa số người Việt Nam chúng ta không thường xuyên rèn luyện thể dục thể thao, nên không có sức bền, không có sự chủ động, hoạt bát. Một cuộc thi sắc đẹp quốc tế diễn ra từ 3 tuần đến 1 tháng, với nhiều hoạt động cường độ cao mỗi ngày. Mỗi hoạt động đó đều được chấm điểm trên nhiều mặt từ nhan sắc, độ nhiệt tình, hoạt bát, khả năng lãnh đạo nhóm, đến thái độ, đạo đức của từng thí sinh.
Nếu thí sinh không đủ sức khỏe để theo sát tất cả các hoạt động này, hoặc mệt mỏi, kém sắc, hoặc tỏ ra lạnh lùng không hào hứng tham gia, chắc chắn họ sẽ không được đánh giá cao bởi BTC. Nhưng các thí sinh không hề biết rằng, giám khảo đã ngầm chấm thí sinh từ tất cả các vòng ngoài, chứ không phải đợi đến những màn thi trang phục hay bán kết, chung kết mới chấm.
Ngoại ngữ và khả năng tư duy
Nhiều người cứ nghĩ, có khả năng ngoại ngữ để giới thiệu bản thân và đất nước bằng tiếng Anh là tốt lắm rồi. Thực sự không phải vậy. Không những bạn phải có đủ vốn tiếng Anh để giao tiếp cơ bản, bạn còn có thể làm chủ ngôn ngữ để tham gia vào các cuộc nói chuyện, thậm chí thảo luận, để đưa ra quan điểm và ý kiến của mình. Qua đó thể hiện được cá tính, tư chất của bản thân.
Đa số các cuộc thi sắc đẹp trong nước đều đặt ra những câu hỏi sách vở và trông chờ thí sinh trả lời cũng sách vở. Không bộc lộ cá tính và quan điểm riêng. Chính vì vậy, khi bước ra các đấu trường nhan sắc quốc tế, người đẹp Việt không có khả năng bộc lộ suy nghĩ, quan điểm cá nhân của mình. Đây sẽ là thiệt thòi lớn.
Sắc vóc
Bản thân cấu trúc cơ thể người châu Á (trong đó có Việt Nam) đa số tỉ lệ lưng dài, chân ngắn, xương mảnh và các đường cong không săn chắc, gợi cảm. Cho nên, khi đứng cạnh các thí sinh quốc tế, đặc biệt là các thí sinh châu Mỹ La Tinh, chúng ta bị lép vế rất nhiều bởi vóc dáng nhỏ nhắn.
Làn da trắng cũng không thuộc tiêu chí đẹp, gợi cảm của phương Tây. Nhất là với phần thi trang phục bikini, các người đẹp Việt kém sự nóng bỏng cùng thần thái gợi cảm của một người phụ nữ trưởng thành. Thay vào đó là vẻ xinh xắn, nhẹ nhàng, có nét e dè. Điều này sẽ không được đánh giá cao.
Kỹ năng chụp hình, trình diễn làm chủ trên sân khấu
So với 20 năm trước đây, các người đẹp Việt đã tiến bộ hơn rất nhiều, bởi họ đã được xuất hiện trên các sàn diễn, chụp hình nhiều hơn. Tuy nhiên, chừng ấy vẫn là chưa đủ bởi các thí sinh quốc tế đa số là người mẫu quốc tế chuyên nghiệp. Thế nên, dù có cố gắng nhưng khi gặp các người đẹp quốc tế, các đại diện Việt Nam vẫn bị "khớp".
Sự tự tin, khả năng giao tiếp
Do không có nhiều trải nghiệm về giao tiếp, đặc biệt là với nhiều người từ nhiều nền văn hóa khác nhau, thế nên các người đẹp Việt dễ bị khớp, không biết nói gì, làm sao để hòa nhập với những trò chơi vui, không dám nhảy nhót cùng các bạn, không dám xung phong phát biểu, thể hiện năng khiếu trước đám đông. Chính vì vậy họ khó có thể ghi dấu ấn.
Chiến lược
Đa số các đơn vị đưa thí sinh đi thi mới chỉ tập trung tập cho các thí sinh về bề nổi như: Gym, tiếng Anh, catwalk, chụp ảnh, chuẩn bị trang phục. Tuy nhiên, họ lại chưa biết cách đưa ra chiến lược cho thí sinh, dạy các người đẹp cách ứng xử thế nào trong tình huống cụ thể, dạy họ cách diễn thuyết, dạy họ những "mánh" để ghi điểm trước những thử thách của B
Vốn nắm trong tay rất nhiều kinh nghiệm và hiểu biết, cũng như biết rõ chiến lược cần thiết khi “mang chuông đi đánh xứ người”, Hà Anh bày tỏ: “Tôi rất sẵn lòng chia sẻ để giúp các thí sinh có sự chuẩn bị tốt hơn. Nhưng nói không ăn thua, mà thí sinh phải được rèn luyện trước ít nhất là 6 tháng đến 1 năm, chứ chỉ luyện cách khi đi thi 1 tháng thì không thể nào thay đổi được họ”.