Mới đây, tập đoàn Central Group (Thái Lan) vừa gửi thư đến các đối tác Việt Nam, thông báo siêu thị Big C sẽ tạm dừng thu mua các sản phẩm may mặc từ các nhà cung cấp Việt Nam kể từ tháng 7/2019. Chính vì vậy, hệ thống siêu thị Big C ra thông báo tạm dừng kinh doanh sản phẩm may mặc của Việt Nam khiến nhiều nhà cung cấp trong nước rất bất ngờ. Thông báo này đã khiến dư luận bức xúc, hàng loạt khẩu hiệu kêu gọi “người Việt dùng hàng Việt” xuất hiện.
Trong một diễn biến liên quan, tại cuộc họp báo thường kỳ của bộ Công Thương ngày 4/7, Thứ trưởng bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, sáng cùng ngày, ông cùng nhiều đơn vị khác của Bộ đã có cuộc làm việc với lãnh đạo tập đoàn Central Group của Thái Lan và lãnh đạo BigC xung quanh thông báo ngừng nhập hàng dệt may của các doanh nghiệp Việt trong hệ thống của Big C.
Theo đó, bộ Công Thương đã mời đại diện của Central Group, đơn vị mua và có quyền sở hữu Big C trong 10 năm, đến làm việc với Tổng giám đốc Big C. Buổi làm việc còn có sự tham dự của Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Thái Lan tại Việt Nam.
Sau buổi làm việc, Big C cam kết mở lại đơn hàng trong ngày cho 50 trong số 200 doanh nghiệp may mặc của Việt Nam và trong 2 tuần tới sẽ mở thêm đơn hàng cho khoảng 100 nhà cung cấp khác. Như vậy sẽ có 150 nhà cung cấp sẽ tiếp tục cung cấp hàng cho Big C. Còn 50 nhà cung cấp còn lại Big C sẽ làm việc kỹ hơn để đảm bảo yêu cầu về việc cấp hàng liên quan đến việc sản xuất, cung ứng hàng hóa tại Việt Nam nhằm đảm bảo hàng may mặc vào Big C sẽ đảm bảo chất lượng, mẫu mã, giá cả.
Trước câu chuyện này, phóng viên báo điện tử Người Đưa Tin đã có cuộc trao đổi với chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong.
Thưa ông, tập đoàn Central Group (Thái Lan) có thư đến các đối tác Việt Nam, thông báo siêu thị Big C sẽ tạm dừng thu mua các sản phẩm may mặc từ các nhà cung cấp Việt Nam kể từ tháng 7/2019, điều này khiến dư luận bức xúc. Ông đánh giá như thế nào về quyết định này của Central Group?
Đến khi sự việc xảy ra thì người tiêu dùng mới bức xúc nhưng giới chuyên gia đã cảnh báo từ khi có sự chuyển đổi chủ sở hữu của tập đoàn này. Chúng ta cũng không có luật để quy định họ không được bán cái này, phải bán cái kia nên lỗ hổng lớn nằm ở đó.
Việc tạm dừng thu mua các sản phẩm may mặc từ các nhà cung cấp Việt Nam có phải hàng Việt kém chất lượng, hay vì nguyên nhân nào khác?
Có hai cái cần lưu ý, việc họ ra đột ngột dừng nhập hàng của Việt Nam như vậy không đảm bảo uy tín thị trường đối với chủ hàng cung cấp cho siêu thị này hay không? Vì rõ ràng nhận thấy hành động này là điều bất tín nhất trên thị trường và nó cực kỳ nguy hiểm khi các mặt hàng khác chuẩn bị xâm nhập vào thị trường Việt. Thứ hai, việc nhập hàng Thái mà bán rẻ hơn thì chưa chắc, nhiều mặt hàng Việt rẻ hơn và tốt hơn chứ. Đây chỉ là biện pháp của họ. Trong luật cạnh tranh có quy định không được phép từ chối người cung ứng hàng nếu không có lý do đặc biệt.
Vậy theo chuyên gia, doanh nghiệp cũng như người tiêu dùng Việt cần làm gì để tránh rơi vào tình cảnh hàng Việt bị "hết đất sống"?
Chúng ta cần tuyên truyền để người Việt dùng hàng Việt và hướng tới hàng Việt. Tăng chất lượng hàng Việt để chinh phục người Việt. Sau đó, chúng ta phát triển chuỗi phân phối xung quanh siêu thị này tạo sự cạnh tranh trực tiếp để coi đó như sự cảnh báo đối với tập đoàn đang muốn hất hàng Việt ra khỏi hệ thống siêu thị Big C Việt Nam.
Xin cảm ơn ông!
Thách thức lớn với người tiêu dùng Việt
Cũng trao đổi thêm với PV, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh bày tỏ hệ thống Big C là do người Thái sở hữu, vì vậy họ muốn đưa hàng Thái vào và đẩy hàng Việt Nam ra ngoài. Quyết định này quá thô bạo và đây cũng là thách thức lớn với người tiêu dùng Việt Nam. Mặt khác, tôi cho rằng Big C cự tuyệt các sản phẩm của Việt Nam trong hệ thống của mình là một quyết định không hề thông minh.
Doanh nghiệp Việt nên lên tiếng việc họ hủy hợp đồng khi không có thông báo trước. Đây là vấn đề cạnh tranh không lành mạnh. Họ làm việc một cách thô bạo, thay vì thuyết phục từng bước, dần dần giới thiệu song song các mặt hàng, sản phẩm với nhau thì họ hành động có tính chất quyết định, hành chính và đó là điều không nên xuất hiện trên “mặt trận” thị trường hiện nay.
Đồng thời, về lâu về dài các sản phẩm của Việt Nam cần hợp tác nghiên cứu với nhau để đưa ra các mặt hàng đẹp hơn, có giá cả cạnh tranh với mặt hàng Thái. Đấy là điều mấu chốt trong cuộc chiến đấu sinh tồn này và đây cũng là một bài học cay đắng dành cho doanh nghiệp Việt Nam. Chúng ta cần rút kinh nghiệm để có thể trụ vững được đến bây giờ”.