Siêu thị K-Market, Mlem Mlem, Wemart: Những dấu hỏi lớn về nguồn gốc hàng hóa?

Thứ 2, 23/12/2024 15:22

Nhiều sản phẩm không rõ xuất xứ, thiếu tem nhãn phụ tiếng Việt vẫn được bày bán công khai tại các siêu thị, đặt ra yêu cầu kiểm tra nghiêm ngặt hơn.

Cuối năm, nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng tăng cao nhưng đi kèm với đó là những bất cập trong quản lý chất lượng hàng hóa. Tại nhiều siêu thị trên địa bàn thành phố Hà Nội, hàng loạt sản phẩm không tem nhãn phụ tiếng Việt, không rõ nguồn gốc đang được bày bán công khai.

Mlem Mlem: Hàng hóa "trắng" thông tin 

Những ngày gần đây, siêu thị Mlem Mlem nằm tại số 50-54 Đội Cấn (quận Ba Đình, Hà Nội) đang trở thành điểm đến "hot" của giới trẻ Hà Nội. 

Được mệnh danh là “thiên đường đồ ăn vặt” với hàng ngàn sản phẩm nội địa Trung, Nhật, Hàn, Thái giá rẻ, hình ảnh siêu thị chật kín người mua cùng những video review đồ ăn bắt mắt trên TikTok và Facebook đã nhanh chóng khiến nơi đây trở thành "hiện tượng" trên mạng xã hội.

Trong vai một người có nhu cầu mua hàng, phóng viên (PV) đã có mặt tại siêu thị trên vào đầu tháng 12. Ngay từ khi bước chân vào, PV không khỏi choáng ngợp trước khung cảnh đông đúc đến ngột ngạt. Khách hàng chen chúc nhau giữa các quầy hàng, còn khu vực thanh toán thì luôn trong tình trạng quá tải. Không khí mua sắm sôi động, đặc biệt là sự tò mò và hào hứng của các bạn trẻ, là điều dễ dàng nhận thấy.

Siêu thị K-Market, Mlem Mlem, Wemart: Những dấu hỏi lớn về nguồn gốc hàng hóa?- Ảnh 1.

Siêu thị Mlem Mlem nằm tại số 50-54 Đội Cấn (quận Ba Đình, Hà Nội).

Siêu thị K-Market, Mlem Mlem, Wemart: Những dấu hỏi lớn về nguồn gốc hàng hóa?- Ảnh 2.

Khách hàng chen chúc nhau giữa các quầy hàng, còn khu vực thanh toán thì luôn trong tình trạng quá tải.

Bạn V.P - một khách hàng trẻ, chia sẻ: "Tôi xem rất nhiều video review trên TikTok, thấy mọi người khen ngợi đồ ăn ở đây nên cũng tò mò dẫn gia đình đến mua thử. Đồ ăn bày bán nhìn rất bắt mắt, đúng là khiến người ta muốn mua ngay.

Nhưng khi cầm lên xem kỹ thì tôi mới nhận ra hầu như không có tem nhãn tiếng Việt nào cả. Điều này khiến tôi hơi băn khoăn vì không biết sản phẩm có đảm bảo chất lượng không, hay có chứa thành phần nào gây hại mà mình không biết".

Thực tế, theo quan sát của phóng viên, chỉ có một số ít sản phẩm tại siêu thị có đầy đủ thông tin về nơi sản xuất, thành phần theo đúng quy định. Ngoài ra trên các quầy hàng tràn ngập các sản phẩm như bánh mì, kẹo dẻo, nước uống, chân gà cay, đậu hũ, trứng cút, que cay... nhưng đa số đều không có nhãn phụ tiếng Việt. Điều này khiến không ít khách hàng cảm thấy bất an.

Siêu thị K-Market, Mlem Mlem, Wemart: Những dấu hỏi lớn về nguồn gốc hàng hóa?- Ảnh 3.

Bà N.T - một phụ huynh đưa con đến mua hàng bày tỏ sự lo lắng: "Con tôi rất thích các loại đồ ăn vặt, đặc biệt là những món nhìn hấp dẫn như thế này. Nhưng khi tôi kiểm tra thì không thấy bất kỳ thông tin nào về sản phẩm bằng tiếng Việt.

Là một người mẹ, tôi không thể không lo lắng khi để con mình ăn những món không rõ nguồn gốc như vậy. Tôi nghĩ rằng siêu thị cần có trách nhiệm hơn trong việc cung cấp thông tin đầy đủ và rõ ràng để người tiêu dùng yên tâm sử dụng".

Theo Điều 7 của Nghị định số 43/2017/NĐ-CP ngày 14-4-2017 của Chính phủ về nhãn hàng hóa ghi rõ, hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam mà trên nhãn chưa thể hiện hoặc thể hiện chưa đủ những nội dung bắt buộc bằng tiếng Việt thì phải có nhãn phụ thể hiện những nội dung bắt buộc bằng tiếng Việt và giữ nguyên nhãn gốc của hàng hóa.

Chiếu theo quy định nói trên thì hiện các sản phẩm bày bán tại siêu thị này đang vi phạm không dán tem, nhãn phụ bằng tiếng Việt, khiến người tiêu dùng "mù mịt" về cách sử dụng, nguồn gốc xuất xứ, tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa…

Trên các quầy hàng ngập tràn các sản phẩm, nhưng đa số đều không có nhãn phụ tiếng Việt theo quy định.

Khi phóng viên tiếp cận một nhân viên tại siêu thị, người này giải thích: “Siêu thị mới khai trương được khoảng một tháng, lượng khách đến mua quá đông nên chưa kịp dán tem phụ. Nhưng hầu hết các sản phẩm ở đây đều là hàng nội địa Trung Quốc”.

Dù với bất kỳ lý do gì, việc bày bán hàng hóa nhập khẩu không có nhãn phụ là hành vi vi phạm pháp luật và tiềm ẩn nhiều rủi ro cho sức khỏe người tiêu dùng. Những câu hỏi về chất lượng, nguồn gốc của những món đồ ăn vặt hấp dẫn này cần sớm được làm rõ.

Theo tìm hiểu của Người Đưa Tin, siêu thị Mlem Mlem thuộc Công ty TNHH Mlem Mlem, có địa chỉ tại số 50A-52-54 Đội Cấn, phường Đội Cấn, quận Ba Đình, Hà Nội. Người đại diện pháp luật là bà Nguyễn Thùy An.

Chuỗi siêu thị K-Market

Rời siêu thị Mlem Mlem với những dấu hỏi lớn về nguồn gốc sản phẩm, phóng viên tiếp tục ghi nhận tình trạng tương tự tại chuỗi siêu thị K-Market, nơi được quảng bá là điểm đến mua sắm uy tín với mạng lưới 100 cơ sở trải dài khắp cả nước.

Chuỗi siêu thị K-Market trực thuộc Công ty TNHH Thương Mại K&K Toàn Cầu, có trụ sở chính đặt tại số 113 Tô Hiến Thành, Tổ dân phố 2, Phường Phúc La, Quận Hà Đông, Hà Nội. Công ty này do bà Hoàng Thị Hà làm người đại diện pháp luật.

Tại Hà Nội, chuỗi siêu thị trên hiện có gần 30 cơ sở được đặt tại những điểm trung tâm như Keangnam Hanoi Landmark Tower, khu The Manor đến Vinhomes Metropolis, Ngọc Khánh hay khu Ngoại giao đoàn. Tuy nhiên, phóng viên ghi nhận tình trạng bán hàng không rõ nguồn gốc diễn ra trên diện rộng.

Ghi nhận siêu thị K-Market tại cơ sở Hầm B1, Golden Palace, Mễ Trì Hạ, Nam Từ Liêm. Tại đây có nhiều sản phẩm ngoại nhập đủ chủng loại, các quầy hàng được bày biện bắt mắt, thu hút người tiêu dùng. 

Cá sản phẩm tại siêu thị K-market được bày bán công khai nhưng hoàn toàn vắng bóng thông tin tiếng Việt.

Thế nhưng, ẩn sau vẻ ngoài hào nhoáng đó là hàng loạt sản phẩm nhập khẩu không rõ nguồn gốc, không dán tem nhãn phụ bằng tiếng Việt như: tôm, cá, cua, gà đông lạnh,.... Khách hàng gần như bị đặt vào tình thế "mua trong mù mờ", không biết chất lượng sản phẩm ra sao, có đảm bảo an toàn hay không.

Tiếp tục khảo sát tại quầy thực phẩm, phóng viên ghi nhận nhiều mặt hàng như: kim chi, đậu hũ, mì, thạch, gia vị tokbokki, củ cải,... được bày bán công khai nhưng hoàn toàn vắng bóng thông tin tiếng Việt. Những sản phẩm này không chỉ vi phạm các quy định pháp luật về nhãn mác hàng hóa mà còn đẩy người tiêu dùng vào nguy cơ sử dụng sản phẩm kém chất lượng, không rõ thành phần và hạn sử dụng.

Không dừng lại ở đó, tại khu vực mỹ phẩm và các đồ dùng thiết yếu phục vụ chị em, tình trạng tương tự tiếp diễn. Phóng viên phát hiện một số sản phẩm nhập ngoại không hề có nhãn phụ tiếng Việt, cũng không có thông tin về đơn vị nhập khẩu hay đơn vị chịu trách nhiệm phân phối tại Việt Nam. Việc thiếu minh bạch này không chỉ gây khó khăn cho người tiêu dùng mà còn đặt ra câu hỏi lớn về trách nhiệm quản lý của doanh nghiệp.

Tình trạng bày bán hàng hóa "trắng" thông tin tiếp tục được phóng viên ghi nhận tại cơ sở tầng 1, tòa nhà 17T3 Hoàng Đạo Thúy, Trung Hòa, và cơ sở N02T3 Quang Minh Tower, khu Ngoại giao đoàn, Bắc Từ Liêm.

Đặc biệt, tại cơ sở Quang Minh Tower, hàng loạt sản phẩm điện gia dụng như bình đựng nước, củ sạc, cáp sạc, quạt tích điện cầm tay... không có nhãn phụ, không rõ nguồn gốc xuất xứ và tiêu chuẩn an toàn. 

Đây là những mặt hàng tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ, đe dọa trực tiếp đến an toàn của người tiêu dùng, đặc biệt khi các sản phẩm điện tử kém chất lượng thường là nguyên nhân gây ra các vụ hỏa hoạn nghiêm trọng.

Siêu thị K-market tại cơ sở Quang Minh Tower, hàng loạt sản phẩm điện gia dụng, hay quầy trái cây đều không có tem nhãn về nguồn gốc xuất xứ.

Đáng chú ý, tại quầy trái cây, các sản phẩm như nho, xoài, táo được bọc nilon, đựng khay xốp nhưng hoàn toàn không có tem nhãn về nguồn gốc xuất xứ. Đặc biệt, những hộp quả hồng với chữ Trung Quốc in trên bao bì cũng không hề có nhãn phụ tiếng Việt theo quy định, vi phạm nghiêm trọng các điều kiện lưu thông hàng hóa tại Việt Nam.

Theo Điều 7 Thông tư 05/2019/TT-BKHCN quy định về ghi ngày sản xuất, hạn sử dụng trên nhãn hàng hóa, nếu là hàng hóa san chia, sang chiết, nạp, đóng gói lại bắt buộc phải ghi ngày sản xuất và hạn sử dụng theo quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định số 43/2017/NĐ-CP. Cụ thể phải thể hiện đầy đủ 03 nội dung như: Ngày sản xuất; Ngày san chia, sang chiết, nạp, đóng gói không được viết tắt; Hạn sử dụng.

Quy định này nhằm đảm bảo quyền lợi và an toàn cho người tiêu dùng. Tuy nhiên, thực tế tại các siêu thị K-Market cho thấy sự bất tuân trắng trợn đối với pháp luật, khiến người tiêu dùng không khỏi lo lắng và đặt ra câu hỏi: Ai sẽ chịu trách nhiệm khi có sự cố xảy ra?

Hàng loạt sản phẩm không rõ nguồn gốc tại siêu thị Wemart

Tương tự, PV khảo sát tại một hệ thống siêu thị bán lẻ khác đó là siêu thị Wemart, nơi cũng đang thu hút sự chú ý của người tiêu dùng.

Wemart là chuỗi siêu thị thuộc sở hữu của Công ty The Auras, có trụ sở tại số 25, đường Hồ Mễ Trì, phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội. Công ty này do ông Ngô Văn Hải làm người đại diện pháp luật.

Hiện tại, Wemart vận hành 5 cơ sở tại Hà Nội, tọa lạc tại những vị trí như số 2 Phố Xốm (Phú Lãm, Hà Đông), 304 Khâm Thiên (Thổ Quan, Đống Đa), 292-296 Đại Mỗ (Nam Từ Liêm), 17 Nguyễn Khánh Toàn (Quan Hoa, Cầu Giấy) và 28 đường Vĩnh Hưng (Lĩnh Nam, Hoàng Mai).

Tại cơ sở số 4, nằm trên phố Nguyễn Khánh Toàn, quận Cầu Giấy, phóng viên đã trực tiếp ghi nhận nhiều bất cập trong công tác kinh doanh và quản lý chất lượng sản phẩm, khiến người tiêu dùng không khỏi băn khoăn về độ tin cậy của hệ thống siêu thị này.

Siêu thị K-Market, Mlem Mlem, Wemart: Những dấu hỏi lớn về nguồn gốc hàng hóa?- Ảnh 4.

Siêu thị Wemart cơ sở 4 tại 17 Nguyễn Khánh Toàn (Quan Hoa, Cầu Giấy, Hà Nội).

Cụ thể, tại quầy hàng đồ gia dụng, nhiều sản phẩm như bát, cốc, đĩa, thìa, bình nước, hộp đựng gia vị, hộp đựng thực phẩm,… được bày bán với bao bì chủ yếu in chữ Trung Quốc, không hề có tem nhãn phụ tiếng Việt. Thậm chí, một số sản phẩm còn "trắng" thông tin, không rõ nguồn gốc, nhà sản xuất.

Theo quy định tại nhóm các quy chuẩn 12 của Bộ Y tế cũng được kinh doanh tại đây, tuy nhiên, nhóm sản phẩm này không có thông tin công bố hợp quy và dấu hợp quy theo quy định.

Với những sản phẩm không rõ nguồn gốc trên có khả năng gây mất an toàn cho người sử dụng khi các sản phẩm này lưu thông trên thị trường khi chưa được thử nghiệm khả năng thôi nhiễm các chỉ tiêu như chì, Formaldehyde… Đây là những chất độc hại với sức khỏe người tiêu dùng được quy định trong quy chuẩn 12 của Bộ Y tế.

Tại quầy hàng đồ dùng học tập và văn phòng phẩm, nhiều sản phẩm sản xuất tại Việt Nam đã có đầy đủ thông tin về nhà sản xuất, thành phần, hướng dẫn sử dụng. 

Song, đáng lo ngại là nhiều sản phẩm nhập khẩu như: Bút chì, bút màu, bút xóa, bút bi, bộ eke compa, dập ghim….. Ngoài vài dòng chữ tượng hình nước ngoài và giá bán thì trên nhiều sản phẩm người tiêu dùng không tìm thấy bất kỳ thông tin nào về xuất xứ, thời hạn sản xuất, hạn sử dụng, thành phần của sản phẩm…

Đây là nhóm sản phẩm trẻ em và học sinh rất ưa chuộng, nhưng tại siêu thị Wemart lại không kiểm soát chặt chẽ về chất lượng cũng như mức độ ảnh hưởng tới sức khoẻ của những sản phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ, gây lo lắng cho nhiều phụ huynh.

Hàng nghìn sản phẩm tại siêu thị Wemart gần như "trắng" thông tin, người tiêu dùng bị đặt vào tình thế "mua trong mù mờ".

Theo các chuyên gia, nếu tiếp xúc thường xuyên với những đồ dùng học tập không rõ nguồn gốc trong thời gian dài, trẻ có nguy cơ bị ảnh hưởng trí não, thậm chí gây ung thư, vô sinh. 

Nếu nuốt phải chất lỏng có trong một số sản phẩm chặn giấy, gọt bút chì... trẻ có thể bị ngộ độc cấp tính và tử vong do bên trong có chứa một số kim loại nặng như chì, asen, cadimi với hàm lượng khá cao. Một số loại chứa formaldehyde quá tiêu chuẩn cho phép, những chất này khi xâm nhập vào cơ thể có thể gây ung thư máu.

Tại quầy hàng đồ chơi trẻ em, nhiều sản phẩm như: YoYo, đồ chơi nhà bếp, bộ cờ vua, con quay,… không hề có bất kỳ thông tin nào về thành phần, nhà sản xuất, hay dấu hợp quy (dấu CR).

Theo Quy chuẩn Việt Nam số 3:2019/BKHCN, đồ chơi trẻ em phải công bố hợp quy, gắn dấu hợp quy trước khi lưu thông trên thị trường. 

Đối với sản phẩm nhập khẩu, việc kiểm tra chất lượng phải thực hiện theo Thông tư 27/2012/TT-BKHCN quy định việc kiểm tra nhà nước về chất lượng hàng hóa nhập khẩu thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Khoa học và Công nghệ và Thông tư số 07/2017/TT-BKHCN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 27/2012/TT-BKHCN.

Những vấn đề về nguồn gốc và chất lượng sản phẩm tại các chuỗi siêu thị như K-Mart, Wemart và Mlem Mlem không những khiến người tiêu dùng hoang mang, mà còn đặt ra nhiều câu hỏi về trách nhiệm của doanh nghiệp trong việc tuân thủ quy định pháp luật.

Trong bài viết tiếp theo, chúng tôi sẽ lắng nghe ý kiến từ phía luật sư để làm rõ những khía cạnh pháp lý liên quan, đồng thời tìm hiểu kế hoạch của lực lượng quản lý thị trường trong dịp cuối năm – thời điểm mà nhu cầu mua sắm tăng cao, kéo theo nhiều nguy cơ về hàng hóa không đảm bảo chất lượng. 

Mời độc giả đón đọc!

Kim Thoa

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.