'Siêu' tổng công ty cảng hàng không sau một năm 'ra ánh sáng'

'Siêu' tổng công ty cảng hàng không sau một năm 'ra ánh sáng'

Nguyễn Thị Hà

Nguyễn Thị Hà

Thứ 7, 01/07/2017 11:36

Năm đầu tiên chính thức hoạt động theo mô hình công ty cổ phần, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam – CTCP (ACV) đã bắt đầu “thay da đổi thịt”.

Tài chính - Ngân hàng - 'Siêu' tổng công ty cảng hàng không sau một năm 'ra ánh sáng'

Ba “ghế nóng” ngành hàng không đổi chủ
Ngày 28/6, đã tổ chức đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2017 với nhiều nội dung quan trọng, trong đó đáng chú ý là quyết định về biến động nhân sự cấp cao và kế hoạch đầu tư năm 2017.
Cụ thể, đại hội đồng cổ đông ACV quyết định thông qua miễn nhiệm chức danh chủ tịch Hội đồng quản trị đối với ông Nguyễn Nguyên Hùng để nghỉ hưu theo chế độ. Bên cạnh đó, Đại hội đã bầu bổ sung 01 thành viên Hội đồng quản trị là là ông Lại Xuân Thanh – Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam được Bộ Giao thông vận tải ủy quyền đại diện phần vốn nhà nước tại Tổng công ty.
Được biết, ông Lại Xuân Thanh sinh năm 1963, tốt nghiệp Trường Đại học Tổng hợp Kiev - Ucraina, khoa Luật Quốc tế. Ông Thanh có bằng thạc sỹ quản lý nhà nước và đảm nhận cương vị Cục trưởng và Phó cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam từ tháng 10/2012. Trước đó ông cũng từng có thời gian công tác tại Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines), Cục hàng không dân dụng Việt Nam.
Người thay thế vị trí Cục trưởng Cục HKVN là ông Đinh Việt Thắng - Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng Công ty Quản lý bay Việt Nam (VATM). Ông Đinh Việt Thắng từng giữ chức Phó Cục trưởng Cục HKVN.
Ông Đinh Việt Thắng sinh năm 1965, tốt nghiệp Đại học tại Liên Xô cũ, ngành quản lý không lưu, khoá học 1982-1987. Ông Thắng được đào tạo Thạc sĩ ngành quản trị tại Bỉ, thông thạo 2 ngoại ngữ tiếng Anh và tiếng Nga. Tháng 8/2014, ông Đinh Việt Thắng được bổ nhiệm có thời hạn làm uỷ viên HĐQT kiêm tổng giám đốc VATM, sau đó được bổ nhiệm chức vụ Chủ tịch HĐQT từ tháng 3/2015.
Bên cạnh đó, cũng từ ngày 1/7, “ghế” chủ tịch HĐQT Tổng công ty quản lý bay VATM do ông Thắng để lại sẽ do Tổng giám đốc Phạm Việt Dũng kiêm nhiệm. Ông Phạm Việt Dũng sinh năm 1963, nhận bằng tiến sĩ chuyên ngành không lưu tại Học viện Hàng không dân dụng Leningrad.
Tại cuộc thi tuyển chức danh Tổng giám đốc VATM được tổ chức năm 2015, ông Phạm Việt Dũng trúng tuyển với số điểm 87,81/100 điểm, là người có số điểm cao nhất trong 7 người dự thi và được bổ nhiệm chức danh Tổng giám đốc VATM trong cùng đợt tháng 3/2015 với ông Thắng.
Sếp nhà nước hưởng lương tiền tỷ
Tổng công ty cảng hàng không Việt Nam ACV được đánh giá là một “siêu” tổng công ty nhờ đặc thù ngành kinh doanh và quy mô vốn, tài sản lên tới hơn 45.000 tỷ đồng. Bên cạnh đó, trước khi chính thức hoạt động theo mô hình công ty cổ phần từ ngày 1/4/2016, ACV là công ty TNHH Một thành viên do nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ, “độc quyền” khai thác và vận hành 22 cảng hàng không trên khắp cả nước (trong đó có 9 cảng hàng không quốc tế và 13 cảng hàng không nội địa).
Cũng kể từ sau khi cổ phần hoá, các thông tin liên quan đến ACV nhận được sự quan tâm lớn từ dư luận từ tình hình kinh doanh, đầu tư và những con số về mức thu nhập “khủng” của các lãnh đạo “siêu” tổng công ty này.
Năm 2016, HĐQT Tổng công ty cảng hàng không Việt Nam ACV chỉ có 4 thành viên do ông Nguyễn Nguyên Hùng làm chủ tịch, ba thành viên còn lại là ông Lê Mạnh Hùng (thành viên HĐQT kiêm Tổng giám đốc ACV), ông Đào Việt Dũng và bà Lê Thị Diệu Thuý.
4 thành viên HĐQT cùng 6 Phó tổng giám đốc, kế toán trưởng, 2 thành viên Ban kiểm soát sẽ nhận mức thu nhập (bao gồm lương và thưởng) là hơn 19 tỷ đồng. Đáng chú ý, mức lương thưởng trình đại hội cổ đông lần này cao hơn nhiều so với mức lương, thù lao đã được ĐHĐCĐ năm 2016 thông qua.
Tính trung bình, mỗi thành viên quản lý Tổng công ty Cảng hàng không nhận được khoảng 1,5 tỷ đồng trong vòng 3 quý, tương ứng 163 triệu đồng/người/tháng. Mức thu nhập cụ thể đối với chức danh chủ tịch HĐQT và tổng giám đốc chắc chắn cao hơn mức trung bình kể trên.
Đối với quỹ tiền lương, thù lao cho ban lãnh đạo năm 2017, ACV đề xuất ĐHĐCĐ thống nhất giao cho HĐQT xây dựng kế hoạch theo đúng quy định tại thông tư số 28/2016/TT-BLĐTBXH và báo cáo, thực hiện theo chỉ đạo của Bộ Giao thông vận tải.
Hơn 6.000 tỷ đồng cải tạo sân bay
Là một doanh nghiệp “độc quyền” kinh doanh, khai thác 22 sân bay tại Việt Nam, ACV cũng quyết định đẩy mạnh đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng cảng hàng không cũng như đầu tư thay thế hệ thống thiết bị kỹ thuật, trang thiết bị chuyên ngành theo tiêu chuẩn của ngành hàng không.
Trong năm 2016, ACV đã dành 4.500 tỷ đồng triển khai thi công, đưa vào khai thác nhiều hạng mục công trình trong năm 2016 như hoàn thành giai đoạn 1 – dự án Mở rộng Nhà ga Quốc tế - sân bay Tân Sơn Nhất, nhà ga hành khách sân bay Cát Bi, sân bay Thọ Xuân…
Đối với Dự án đầu tư xây dựng sân bay Long Thành, ACV cho biết tổng công ty đã tổng hợp đầy đủ kết quả đánh giá của Hội đồng đánh giá xếp hạng phương án thi tuyển kiến trúc Nhà ga hành khách, ý kiến của các Hội nghề nghiệp và cộng đồng dân cư về các phương án kiến trúc dự thi, báo cáo Bộ GTVT. Trên cơ sở ý kiến thẩm tra của Cục Hàng không Việt Nam và Bộ GTVT, ACV đã hoàn thiện và sẽ phê duyệt đề cương, dự toán để chuẩn bị cho công tác đấu thầu Tư vấn lập báo cáo nghiên cứu khả thi cho Dự án. Đồng thời, ACV cũng sẽ thực hiện các công tác khảo sát, lập báo cáo nghiên cứu khả thi dự án nâng cao năng lực khai thác tại hai sân bay quốc tế là Nội Bài và Tân Sơn Nhất.
Theo kế hoạch đã được ĐHĐCĐ thông qua, ACV sẽ triển khai 6 dự án nâng cấp cơ sở hạ tầng trong năm nay với tổng đầu tư 6.050 tỷ đồng trong tổng chi phí hoạt động của năm 2017 (ước tính khoảng 9.625 tỷ đồng).
Trong số đó, 2.000 tỉ đồng sẽ được dành để đầu tư mở rộng nhà ga hàng khách quốc tế Tân Sơn Nhất giai đoạn 2, mở rộng sân đỗ máy bay 21hecta; 2.000 tỷ đồng để nâng công suất sân bay Phú Quốc lên 5 triệu khách/năm; khoảng 1.200 tỉ đồng sẽ dùng để cải tạo, nâng cấp sân bay Nội Bài…
Mối lo 72 tỷ Yen Nhật
Về tình hình tài chính, năm 2016 là năm đầu tiên ACV hoạt động theo mô hình công ty cổ phần, được đánh giá là “bước ngoặt” trong hoạt động kinh doanh của tổng công ty. Tính từ thời điểm cổ phần hoá (từ ngày 1/4/2016 đến 31/12/2016), doanh thu thuần của ACV đạt 10.141 tỷ đồng, vượt 13,53% so với kế hoạch đề ra; lợi nhuận trước thuế (không bao gồm lãi chênh lệch tỷ giá do đánh giá lại các khoản mục tiền tệ có gốc ngoại tệ cuối kỳ) đạt 2.863 tỷ đồng, tăng gần 2,4 lần so với kế hoạch.
Năm 2017, ACV dự kiến tổng doanh thu đạt 13.293 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 3.669 tỷ đồng tuy nhiên kế hoạch trên chưa bao gồm ảnh hưởng của chênh lệch tỷ giá do đánh giá lại các khoản mục tiền tệ có gốc ngoại tệ mà chủ yếu là khoản nợ vay ODA bằng đồng Yên Nhật.
Tổng dư nợ vay vốn ODA tăng từ đầu năm 2012 là 5.662 tỷ đồng lên hơn 14.000 tỷ đồng (hơn 72 tỷ Yen Nhật - JPY) tính đến ngày 31/12/2016. Chiếm tới 75% số dư nợ vay của ACV – tương ứng 10.500 tỷ đồng là ba hiệp định vay vốn với tổng mức vay 60 tỷ Yen Nhật phục vụ cho Dự án “Xây dựng Nhà ga Quốc tế Nội Bài T2”. Các khoản vay trên chịu lãi suất 0,3-0,4%/năm cho chi phí xây dựng, 0,21% cho chi phí tư vấn.
Ngoài ra, ACV còn có tín dụng cho dự án Xây nhà ga hành khách Quốc tế Sân bay Tân Sơn Nhất theo Hiệp định vay vốn giữa Bộ Tài chính và Ngân hàng hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JBIC), thực hiện thông qua chi nhánh ngân hàng Phát triển TP Hồ Chí Minh chịu lãi suất 1,6%/năm trong thời hạn 40 năm, ân hạn 10 năm.
“Song song với việc được hưởng ưu đãi về lãi suất đối với các khoản vay ODA, với giá trị vay rất lớn bằng đồng ngoại tệ (đồng Yên Nhật) cùng với chính sách kế toán Việt Nam hiện hành về xử lý chênh lệch tỷ giá, việc biến động tỷ giá của đồng Yên sẽ tác động lớn đến kết quả hoạt động kinh doanh hàng năm của ACV” – báo cáo thường niên của ACV cho biết.
Hoa Liên

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.