Theo Trí thức trẻ, những địa điểm lý tưởng để quan sát bộ ba hiện tượng thiên văn lần này là các khu vực thuộc Tây Bắc châu Mỹ, Đông Á, Trung Á và Châu Đại dương, trong khi người dân ở một số khu vực thuộc Nam Mỹ, Đông Bắc Mỹ, châu Phi và châu Âu sẽ không có cơ hội tham gia "bữa tiệc kỳ thú" này.
Tại Việt Nam, người dân ở mọi miền đều có thể chiêm ngưỡng siêu trăng, trăng máu, trăng xanh.
Trao đổi với VnExpress sáng 31/1, ông Đặng Vũ Tuấn Sơn, Chủ tịch hội Thiên văn học trẻ Việt Nam (VACA) cho biết, hiện tượng nguyệt thực tối nay sẽ kéo dài hơn 5 tiếng đồng hồ (từ 17h51 đến 23h08), trong đó, nguyệt thực toàn phần sẽ diễn ra từ 19h51 đến 21h07. "Theo lý thuyết, mọi vùng miền ở Việt Nam đều theo dõi được hiện tượng này, nhưng với thời tiết mây mù như hôm nay thì rất khó quan sát", ông Sơn nói.
Theo các lý giải thiên văn học, mặt trăng thường quay quanh trái đất trong 29,5 ngày. Tháng 1/2018 có 31 ngày, trong đó ngày rằm tháng Mười Một âm lịch rơi vào ngày 1/1, ngày rằm của tháng Chạp rơi vào ngày 31/1.
Vì vậy, chúng ta có cơ hội được chứng kiến trăng tròn 2 lần trong 1 tháng (đây gọi là hiện tượng trăng xanh). Bên cạnh đó, mặt trăng đồng thời đi vào vùng tối của trái đất, khiến hiện tượng nguyệt thực toàn phần diễn ra.
Cùng thời điểm này, mặt trăng ở quỹ đạo rất gần trái đất, giúp chúng ta có thể quan sát hành tinh này ở kích thước lớn hơn so với thông thường (siêu trăng).
Theo Vietnamnet, cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) cho biết, siêu trăng sẽ lớn hơn 14% và sáng hơn 30% so với trăng tròn lúc đỉnh điểm thông thường. Trong khi đó, mặt trăng sẽ có màu đỏ trong lúc diễn ra nguyệt thực bởi ảnh hưởng từ lượng ánh sáng mặt trời chiếu qua trái đất.
Còn trên VnExpress, ông Sơn giải thích siêu trăng là thời điểm trăng tròn trùng với thời điểm mặt trăng ở gần trái đất nhất (điểm cận địa). Do đó, mặt trăng trông lớn hơn thông thường khoảng 7%. "Tất nhiên, con số này là khá nhỏ và khó để chúng ta quan sát rõ nét nhưng nó sẽ làm cho nguyệt thực trở nên đẹp và hấp dẫn hơn", ông Sơn nói.
Được biết, hiện tượng nguyệt thực toàn phần, siêu trăng và trăng xanh không trùng hợp theo một quy luật thời gian nào. Lần gần nhất có sự trùng hợp này là cách đây 150 năm.
Mai Anh (tổng hợp)