Theo Bộ Y tế Singapore, tính đến ngày 15/9, tỷ lệ người dân đã tiêm đầy đủ 2 liều vắc-xin Covid-19 là 82% và tỷ lệ đã tiêm ít nhất một liều là 84% dân số. Với số liệu thống kê trên, quốc đảo sư tử là một trong những quốc gia có tỉ lệ tiêm chủng cao nhất thế giới và đang trên đà mở cửa phục hồi kinh tế hậu đại dịch.
Tuy nhiên, Singapore lại đang phải hứng chịu làn sóng lây nhiễm cộng đồng với số ca bệnh "gia tăng theo cấp số nhân" từ cuối tháng 8.
Một thông báo hôm thứ Năm 30/9 của Bộ y tế Singapore cho thấy, chỉ trong vòng 28 ngày qua đã phát hiện hơn 28.000 ca nhiễm Covid mới, trong đó số trường hợp không có hoặc có triệu chứng nhẹ chiếm đến 98,1% và tử vong 0,1%. Tính đến ngày 1/10, Singapore đã ghi nhận tổng cộng 99.430 ca bệnh Covid-19 và 103 trường hợp tử vong trên toàn quốc.
Bộ Y tế chia sẻ rằng sự gia tăng chóng mặt các ca bệnh và việc nhiều người bị nhiễm dù triệu chứng nhẹ có thể tự điều trị tại nhà cũng đến chữa trị tại bệnh viện đã "gây căng thẳng" cho hệ thống chăm sóc sức khỏe nước này.
Nguyên nhân số ca nhiễm tăng vọt
Vào đầu tháng 8, Singapore đã đưa ra "lộ trình chuyển tiếp" gồm 4 giai đoạn nhằm vừa chung sống với đại dịch vừa mở cửa kinh tế. Giai đoạn chuẩn bị đầu tiên bắt đầu từ ngày 10/8 và kéo dài đến đầu tháng 9, đã tiến hành các điều chỉnh về quy trình chăm sóc sức khỏe và quy định cho các hoạt động xã hội. Đến đầu tháng 9, khi tỉ lệ tiêm chủng đạt khoảng 80% dân số, Singapore bước sang giai đoạn chuyển tiếp A là nền kinh tế mở cửa và nhiều hoạt động xã hội sẽ được nối lại.
Nếu tình hình ở giai đoạn chuyển tiếp A ổn định, Singapore tiếp tục chuyển sang giai đoạn chuyển tiếp B, mở hơn nữa.
Cuối cùng là giai đoạn bình thường mới và Singapore có khả năng thích ứng với Covid-19.
Tuy nhiên tình trạng số ca nhiễm tăng vọt đáng quan ngại từ cuối tháng 8 đến nay đã buộc Chính phủ Singapore không thể mở cửa theo lộ trình mà ngược lại, thực hiện siết chặt hơn biện pháp phòng dịch.
Giải thích về tình hình trên, ông Lawrence Wong, Bộ trưởng Bộ Tài chính Singapore, cho rằng: "Mọi quốc gia mở cửa đều phải đối mặt với những làn sóng lây nhiễm như vậy. Nhưng với chúng tôi, làn sóng lây nhiễm này đang diễn ra nhanh hơn những điều dự đoán".
Theo Kenneth Mak, Giám đốc Dịch vụ Y tế tại Bộ Y tế Singapore, cho rằng số ca nhiễm mới leo thang hiện nay phản ánh tình trạng lây lan trong cộng đồng khi các biện pháp hạn chế được nới lỏng. Với thêm nhiều hoạt động xã hội được diễn ra, việc nhiều người đã bỏ khẩu trang và tăng tiếp xúc gần đã góp phần gia tăng sự lây lan.
Theo Ashley St. John, Phó giáo sư tại Trường Y Duke-NUS, nhận định rằng nhiều trường hợp được phát hiện hơn vì Singapore đang “giám sát rất chặt chẽ tình hình Covid” như tăng tốc xét nghiệm và truy vết.
Theo Paul Tambyah, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm: “Một trong những điều đáng quan ngại nhất hiện nay là rất nhiều người không có triệu chứng đang được kiểm tra dịch tễ”.
Kế hoạch ứng phó mới
Vào ngày 10/8, khi thời điểm số ca nhiễm mới đang ở dưới mức 100 ca/ngày, Singapore đã cho phép nới lỏng các biện pháp hạn chế, tiến tới sống chung với dịch. Nhưng sau đó sự gia tăng đến chóng mặt các trường hợp Covid - phần lớn không có hoặc có triệu chứng nhẹ - đã buộc Chính phủ sở tại phải siết chặt các biện pháp giãn cách xã hội.
Từ ngày 18/9, Singapore cho cách ly, điều trị tại nhà với F0 đáp ứng các tiêu chí sau: người đã tiêm đủ 2 mũi vắc- xin từ 12 - 69 tuổi; không có triệu chứng hoặc có triệu chứng nhẹ; không có bệnh nền hoặc các bệnh đi kèm nghiêm trọng; không có thành viên nào trong gia đình trên 80 tuổi hoặc thuộc các nhóm dễ bị tổn thương (như đang mang thai, có hệ miễn dịch bị suy yếu,có nhiều bệnh nền).
Theo quy định mới có hiệu lực từ ngày 27/9 và dự kiến kéo dài đến 24/10, người Singapore đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin Covid-19 được ăn uống tại chỗ theo nhóm 2 người, giảm xuống thay vì 5 người như quy định trước đó ngày 10/8.
Chính phủ Singapore khuyến khích những trường hợp nhiễm bệnh triệu chứng nhẹ hoặc đã tiêm chủng đầy đủ có thể tự chữa trị tại nhà theo hướng dẫn. Chương trình này được kỳ vọng giúp hệ thống y tế không bị quá tải, dành nguồn lực bệnh viện cho những người "thật sự cần chăm sóc". Chính phủ cũng kêu gọi mọi người làm việc tại nhà nếu có thể và tránh các hoạt động tụ tập, tôn giáo.
Ashley St. John, Phó giáo sư tại Trường Y Duke-NUS, cho biết vào ngày 1/10: “Những biện pháp từng thực hiện như giãn cách xã hội có thể hữu ích trong khoảng thời gian này nhằm kiểm soát sự gia tăng lây nhiễm gần đây”. “Chúng ta thực sự cần phải thay đổi cách tiếp cận vấn đề: từ chiến lược ngăn chặn nhằm loại bỏ Covid, chuyển sang việc thích ứng sống chung với Covid trong cộng đồng và thực hiện những biện pháp để giảm số ca bệnh nghiêm trọng”
Hiện lộ trình sống chung với Covid-19 và mở cửa khôi phục kinh tế của đảo quốc sư tử đang chao đảo trước “những làn sóng tấn công” của biến thể Delta tiếp tục càn quét phức tạp trong cộng đồng. Hiệu quả thực tế của các giải pháp ứng phó với đại dịch tại Singapore, một trong những quốc gia có tỉ lệ tiêm chủng cao nhất thế giới, là vấn đề thu hút được nhiều dư luận thế giới quan tâm.
Phạm Thu Thanh (theo CNBC, REUTERS)