Cú sốc do đại dịch Covid-19, công nghệ đột phá cùng xu hướng chống biến đổi khí hậu là những động lực đang thúc đẩy quốc đảo Singapore tái cơ cấu nền kinh tế của mình, vốn đã được biết đến là điểm đến kinh doanh nổi tiếng, “Thành phố cây xanh”, “Thành phố sạch nhất thế giới”.
Hai năm qua, ít nhất 8 công ty có liên kết với nhà nước đã công bố các vụ sáp nhập, mua lại, thanh lý tài sản hoặc tư nhân hóa trong cuộc đại tu công nghiệp lớn nhất của quốc đảo trong hai thập kỷ. Công ty xây dựng giàn khoan dầu Keppel Corp đã chuyển hướng sang năng lượng sạch, trong khi tập đoàn hàng đầu nước này về năng lượng là Sembcorp Industries Ltd đã loại bỏ hoàn toàn hoạt động kinh doanh giàn khoan. Công ty TNHH Viễn thông Singapore đang có những chuyển biến tích cực trong việc bước vào thế giới ngân hàng kỹ thuật số.
Ông Kenneth Tang, quản lý danh mục đầu tư tại công ty quản lý tài sản Nikko, cho biết: “Tôi so sánh điều này với giai đoạn tái cấu trúc của các tập đoàn Singapore vào đầu những năm 2000”, theo sau hậu quả của dịch vi-rút SARS và sự sụp đổ của các công ty dot-com; “Đó là thời kỳ rất đen tối đối với Singapore nhưng chúng đã trở thành chất xúc tác cho sự thay đổi”.
Trong nhiều thập kỷ, Chính phủ Singapore đã định hướng tương lai kinh tế của đất nước thông qua một nhóm các công ty lớn thuộc sở hữu nhà nước, chuyển hướng khi cần thiết để duy trì sự phù hợp với nền kinh tế toàn cầu.
Chính phủ Singapore đã bơm hàng tỷ USD trong những năm gần đây để chuyển đổi 23 ngành công nghiệp bao gồm sản xuất, dịch vụ tài chính và bất động sản đáp ứng những thách thức của số hóa. Đồng thời, Singapore đã thiết lập lộ trình đến năm 2030 trở thành một trung tâm khu vực về thương mại cacbon và tài chính xanh.
Singapore đã dành khoảng 25 tỷ SGD (18,4 tỷ USD) đến năm 2025 cho việc nghiên cứu trong các lĩnh vực như y tế và khoa học y sinh, biến đổi khí hậu và trí tuệ nhân tạo. Một loạt các nhóm dẫn đầu trong ngành đã được thành lập với sự hỗ trợ của chính phủ, nhằm nắm bắt cơ hội trong những lĩnh vực như robot, thương mại điện tử và số hóa chuỗi cung ứng.
Đối với các doanh nghiệp của Singapore như Keppel, Sembcorp Industries và Sembcorp Marine Ltd, nền kinh tế toàn cầu đang thay đổi đồng nghĩa rằng họ cần cố gắng loại bỏ hoặc hợp nhất các doanh nghiệp liên quan đến dầu mỏ, nhằm tập trung vào dạng năng lượng tái tạo như trang trại gió hay nhiên liệu hydro. Điều này đánh dấu một sự thay đổi lớn tại Singapore, vốn là một trong những quốc gia kinh doanh và lọc dầu hàng đầu thế giới, đặc biệt là vào thời điểm giá nhiên liệu đang gia tăng gần đây. Theo Cơ quan Thương mại Quốc tế Mỹ (ITA), Singapore có công suất lọc dầu là 1,5 triệu thùng/ngày. Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho biết đây là trung tâm lọc dầu và xuất khẩu lớn thứ năm trên thế giới.
Mặc dù đang tăng cường tập trung vào năng lượng tái tạo, nhưng Công ty giàn khoan dầu Keppel cũng đang mở rộng hoạt động kinh doanh khí đốt tự nhiên hóa lỏng. Keppel đang đàm phán để hợp nhất các hoạt động chế tạo giàn khoan của mình với một đối thủ nhỏ hơn là Sembcorp Marine. Được biết, Sembcorp Marine cũng đã chuyển sang lĩnh vực năng lượng sạch trong những năm gần đây, tuy nhiên vẫn hoạt động trong các dự án sử dụng nhiên liệu hóa thạch.
Trong khi đang thực hiện các dự án năng lượng mặt trời và gió trên khắp Ấn Độ, Trung Quốc, nước Anh, thì Tập đoàn Sembcorp Industries (Singappore) vẫn thu được doanh thu lớn thông qua việc bán năng lượng từ các nguồn thông thường như than đá và khí đốt tự nhiên.
Ngành công nghiệp lọc dầu vẫn đóng một vai trò rất lớn đối với Singapore, một phần nguyên nhân bởi nhiều sản phẩm phụ của dầu còn được sử dụng phổ biến, từ kem đánh răng đến sợi tổng hợp. Ông Song Seng Wun, nhà kinh tế tại CIMB Private Banking, cho biết: “Trong cuộc sống hàng ngày, về cơ bản chúng ta vẫn cần các nhà lọc dầu nhưng theo cách nào đó để sản xuất sản phẩm phụ tiết kiệm năng lượng hơn”.
Chính phủ đang thúc đẩy các dịch vụ thân thiện với môi trường trong các lĩnh vực như nông nghiệp và quản lý chất thải. Singapore là một trong những quốc gia đầu tiên thiết lập một nền tảng để giao dịch đền bù các-bon được hỗ trợ bởi sàn giao dịch chứng khoán quốc gia.
Tài chính là một trong những lĩnh vực đáng chú ý mà chính quyền Singapore đang thực hiện để chuyển đổi nền kinh tế của mình, bằng cách thúc đẩy kỹ thuật số cho ngành ngân hàng. Công ty viễn thông Singtel, một trong bốn công ty được nhận giấy phép ngân hàng kỹ thuật số vào tháng 12/2020, đã hợp tác với gã khổng lồ đặt xe và giao đồ ăn Grab Holdings Inc. Ba ngân hàng của Singapore, trong đó có Temasek Holdings Pte được hậu thuẫn bởi tập đoàn dịch vụ tài chính và ngân hàng đa quốc gia DBS Group Holdings Ltd, cũng đang áp dụng các dịch vụ ảo.
Ông Hugh Young, chuyên gia tại tập đoàn quản lý tài sản Aberdeen, nhận định rằng tất cả các công ty đều đang “đi đúng hướng nhưng cần theo dõi thêm liệu họ có thể kiếm được lợi nhuận từ đó hay không và cách họ đối phó với các môi trường cạnh tranh khác nhau”. Ông cho rằng đối thủ cạnh tranh chính của Công ty viễn thông Singtel trong lĩnh vực ngân hàng sẽ là Revolut - công ty tài chính công nghệ đang phát triển nhanh chóng do cựu thương nhân Nikolay Storonsky đồng sáng lập vào năm 2015.
Ông Benjamin Goh, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu tại Hiệp hội các nhà đầu tư chứng khoán Singapore, cho biết các nhà đầu tư đang có thái độ chờ đợi. Cho đến nay, việc tái cấu trúc đã có một số tác động đến cổ phiếu của các công ty, trong khi năng lượng sạch và công nghệ trở nên quen thuộc hơn vào những năm gần đây. Tuy nhiên, nó cũng không thể thúc đẩy thị trường nói chung.
Tốc độ tăng trưởng kinh tế cả năm 2021 của Singapore đạt 7,2%. Đây là mức cao nhất kể từ năm 2010, đảo ngược lại cú sụt giảm 5,4% trong năm trước do những ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Chính phủ nước này dự báo nền kinh tế có thể đạt mức tăng trưởng 3-5% trong năm nay.
Ông Thilan Wickramasinghe, nhà phân tích tại công ty chứng khoán Maybank Kim Eng Securities Pte, cho biết: “Những thay đổi chiến lược mà chúng ta đang thấy từ số hóa, giảm lượng khí thải và chuyển hướng sang các mô hình kinh doanh bền vững sẽ là những chặng đường dài”.
Hà Thanh (theo Bloomberg, Reuters)