Những ngày tháng 3 ở công viên Hong Lim, có khoảng 100 người thường xuyên tập trung để phản đối kế hoạch tăng thuế hàng hoá và dịch vụ (GST) của Chính phủ Singapore. "Chính phủ đang chi tiêu quá nhiều vào cơ sở hạ tầng!", một người biểu tình hét lên.
Nhóm người ra đường chống lại GST có nhiều điều để lo lắng. Họ lo ngại kế hoạch tăng mức thuế lên 9% trong giai đoạn 2021-2025 thay vì 7% hiện nay, sẽ tác động quá lớn đến cuộc sống. Theo báo cáo của Economist Intelligence Unit về Chi phí sinh hoạt toàn cầu, Singapore hiện là thành phố đắt đỏ nhất thế giới.
Việc Chính phủ đảo quốc tăng thuế càng làm người dân trở nên hoang mang, đặc biệt trong bối cảnh họ đang lo lắng về tương lai của đất nước - khi những phép lạ kinh tế đã không còn duy trì trong những năm gần đây.
Ngày 23/3 đánh dấu kỷ niệm ba năm ngày mất của cố Thủ tướng Lý Quang Diệu - người được coi là cha đẻ của Singapore. Dưới hai thập kỷ lãnh đạo của ông, Singapore đã chuyển mình từ một hòn đảo nhỏ bé nghèo đói trở thành một quốc gia thịnh vượng.
Nhờ vị trí địa lý và mô hình thuế thấp, thành phố trở thành trung tâm thương mại của châu Á và thu hút được nhiều công ty quốc tế. Đi đôi với sự phát triển vượt bậc của đất nước, cuộc sống của người dân nơi đây cũng trở nên giàu có.
Tuy nhiên theo Asia Nikkei, "phép lạ kinh tế" của Lý Quang Diệu một thời đang mất đi sự nhiệm màu.
Có một vài con đường mà Singapore có thể lựa chọn: Tìm kiếm một làn gió mới hoặc trượt sâu vào sự trì trệ không thể đột phá. Thách thức lớn của “đảo quốc Sư tử” hiện tại là tìm kiếm một nhà lãnh đạo như người “cha đẻ” năm xưa.
"Ngay sau cuộc tổng tuyển cử, người kế nhiệm tôi phải sẵn sàng tiếp quản mọi thứ", Thủ tướng Lý Hiển Long nói vào tháng 8/2016. Gần hai năm sau - khi thời điểm đến cuộc bầu cử tháng 4/2021 cận kề - người kế nhiệm mà ông mong mỏi vẫn chưa xuất hiện.
Trong số 16 Bộ trưởng nằm trong tầm ngắm quy hoạch lãnh đạo của Singapore, ba nhân vật nổi bật nhất về con đường thăng tiến và kinh nghiệm đã được chọn ra. Họ là Bộ trưởng Tài chính Heng Swee Keat, 56 tuổi; Chủ nhiệm Văn phòng Thủ tướng Chính phủ Chan Chun Sing, 48 tuổi – người từng phục vụ trong lực lượng vũ trang trong hơn 20 năm và Ong Ye Kung, 48 tuổi, Bộ trưởng Giáo dục kiêm Bộ trưởng Quốc phòng.
Cả ba đã được Thủ tướng Lý Hiển Long cho cơ hội thể hiện mình trên các sân khấu quốc tế.
Năm ngoái, ông Heng đến thăm Trung Quốc, trong khi ông Chan tham dự Diễn đàn Kinh tế Thế giới 2018 ở Davos. Còn ông Ong đã tháp tùng Thủ tướng trong chuyến thăm Nhà Trắng năm ngoái. Tuy nhiên, lựa chọn cuối cùng là ai vẫn còn là dấu hỏi.
Kể từ khi tách ra từ Malaysia vào năm 1965, Singapore đã trải qua quãng thời gian bùng nổ dưới thời của 3 nhà lãnh đạo có cá tính mạnh mẽ. Sau Lý Quang Diệu là Ngô Tác Đống - người đã làm nổi bật đảo quốc vùng Đông Nam Á như một trung tâm tài chính khu vực. Trong khi ông Lý Hiển Long là người xây dựng nên nền kinh tế tri thức của Singapore trong thời đại mới.
"Kịch bản tốt nhất cho Singapore là tìm một nhân vật có cá tính mạnh mẽ để làm Thủ tướng, một người có tầm vóc gần với Lý Quang Diệu”, nhà phân tích Alan Chong từ trường đại học Công nghệ Nanyang, nhận định. “Nhưng điều khó khăn là không có người nào giống như vậy. Ông Lý Hiển Long có thể đang phân vân về lựa chọn của mình nhưng nhưng về cơ bản ông không còn ứng cử viên nào khác”.
Mức tăng trưởng kinh tế trung bình của Singapore trong thời kỳ 25 năm nắm quyền của cố lãnh đạo Lý Quang Diệu là 9,3%/năm. Tỷ lệ dưới thời Ngô Tác Đống trong giai đoạn 1990-2004 là 6,3%, trong khi dưới thời ông Lý Hiển Long là 5,3%.
Chính phủ đang phải chi tiêu nhiều hơn cho một dân số già cỗi và tăng cường thêm an ninh trước các mối đe dọa mới nhưng các quyết định tăng thuế lại không được người dân ủng hộ.
“Chiến lược của chúng tôi là xác định vị trí Singapore như một trung tâm toàn cầu của công nghệ, đổi mới và đầu tư ở châu Á", Bộ trưởng Tài chính Heng Swee Keat nói hôm 1/3.
Không có gì để hoài nghi về sức hút của Singapore với giới đầu tư cũng như các tập đoàn lớn trên thế giới. Google hiện đang có 1.000 nhân viên hoạt động tích cực và quốc đảo này được đánh giá là nền kinh tế sáng tạo thứ ba trên thế giới sau Hàn Quốc và Thụy Điển.
Christian de Guzman, chuyên gia tín dụng cao cấp của Moody's Investors Service, cho biết: "Thành tích của Singapore trong việc thực hiện các sáng kiến cải cách trong vài thập kỷ qua ấn tượng hơn các nước khác. Nhưng tỷ lệ tăng trưởng của họ đang đi sai hướng. Theo các chuyên gia kinh tế, năm nay dự báo tăng trưởng của Singapore sẽ là 3,2% và năm tới là 2,8% - giảm từ mức 3,6% của năm 2017, theo một dự báo của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc.
Chính sách bảo hộ của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã bao phủ mây đen đối với các trung tâm tài chính toàn cầu như Singapore. "Nếu niềm tin bị phá vỡ và các cuộc chiến tranh thương mại nổ ra, tất cả các nước lớn hay nhỏ đều gánh chịu hậu quả”, Thủ tướng Lý Hiển Long bày tỏ quan ngại về cuộc đối đầu giữa Mỹ và Trung Quốc.
"Nhiều lĩnh vực trong cơ cấu dịch vụ của Singapore - chiếm khoảng 2/3 nền kinh tế đất nước - có liên quan đến thương mại", Alvin Liew, chuyên gia kinh tế cao cấp tại United Overseas Bank nói. "Vì vậy, những ảnh hưởng tiêu cực của một cuộc xung đột thương mại có thể sẽ lan sang không chỉ các nhà sản xuất và các nhà xuất khẩu, mà còn lan rộng đến tổng thể nền kinh tế Singapore”.
Trong khi Singapore cố gắng tạo ra một phép lạ kinh tế mới, câu chuyện về tìm kiếm người lãnh đạo đang thu hút sự chú ý nhiều hơn.
Khi đảng PAP và Đảng Lao động - phe đối lập lớn nhất - chuẩn bị cho cuộc bầu cử sắp tới, những tranh cãi về thuế cũng như sự không chắc chắn về người kế nhiệm ông Lý Hiển Long đang tạo ra những khó khăn cho đảng cầm quyền .
Liệu Singapore có thể chuyển sang thế hệ lãnh đạo thứ tư và tìm ra ra con đường duy trì sự thịnh vượng? Hai hoặc ba năm tới sẽ là chặng đường rất quan trọng của Thủ tướng Lý.