Đề án này quy định những gia đình sinh con một bề là gái theo đúng chính sách gia đình có từ 1-2 con sẽ được hỗ trợ bằng tiền mặt; khi lớn lên, đứa trẻ thứ hai sẽ được ưu tiên về chế độ bảo hiểm y tế và học phí. Ngoài ra, những người cao tuổi sinh con gái một bề cũng sẽ được hưởng chế độ an sinh xã hội ưu tiên hơn.
Tạo bất bình đẳng về giới
Ông Dương Quốc Trọng, tổng cục trưởng Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế), cho rằng đây được coi là giải pháp có tác động mạnh đến những gia đình sinh con gái một bề, đặc biệt là các gia đình khó khăn, từ đó dần xóa bỏ định kiến của xã hội về việc sinh con một bề là gái bởi gốc rễ của mất cân bằng giới tính là tâm lý thích con trai đã ăn sâu vào tư tưởng của nhiều người dân.
Theo GS-TS Nguyễn Đình Cử, nguyên viện trưởng Viện Dân số và Các vấn đề xã hội (ĐH Kinh tế Quốc dân), nếu đề xuất này được thực hiện sẽ nảy sinh bất bình đẳng về giới vì bé gái được hỗ trợ tiền, còn bé trai lại không. Trong khi đó, kết quả điều tra dân số ở những gia đình có kinh tế khá giả cho thấy tỉ lệ mất cân bằng giới tính cao. Ở nhóm dân số nghèo nhất, tỉ lệ trẻ trai/gái là 105/100, còn nhóm dân số giàu nhất thì tỉ lệ này là 112/100. Đặc biệt, trong nhóm giàu nhất, ở lần sinh thứ ba, tỉ lệ lên đến 133/100. “Điều này có nghĩa càng giàu thì khát khao có con trai càng lớn. Như vậy, động lực kinh tế không có ý nghĩa đối với họ và nếu có sẽ rất yếu” - GS-TS Cử nhận định.
Ảnh minh họa
Đồng quan điểm trên, ông Phạm Vũ Thiên, phó giám đốc Trung tâm Sáng kiến Sức khỏe và Dân số, cho rằng việc đưa ra vấn đề tiền bạc để rút ngắn tình trạng mất cân bằng giới tính là không có ý nghĩa. “Thực tế, có nhiều gia đình sinh đến 5 con gái nhưng vẫn cố sinh con trai do sức ép của dòng tộc” - ông Thiên dẫn chứng.
Anh Phạm Huy Tuấn (ngụ quận Đống Đa - Hà Nội) cho biết vợ chồng anh có 2 con gái nhưng chưa khi nào nghĩ đến việc sinh thêm con trai dù điều kiện gia đình hoàn toàn cho phép. “Chính sách trên làm nảy sinh tâm lý coi việc sinh con gái là bất thường và gián tiếp củng cố tư tưởng trọng nam khinh nữ, thậm chí có phần xúc phạm những gia đình có 2 con gái” - anh Tuấn bất bình.
Chế tài có cũng như không!
GS-TS Nguyễn Đình Cử cho rằng trước bối cảnh mất cân bằng giới tính như hiện nay, cần có những liệu pháp gây sốc, tạo sự chú ý và có thể làm thức tỉnh dư luận trước quan niệm trọng nam khinh nữ đã tồn tại từ hàng ngàn đời nay. Tuy nhiên, cũng sẽ khó lay chuyển khi tâm lý thích sinh con trai với những quan niệm “có nếp có tẻ”, “nối dõi tông đường” không chỉ ăn sâu vào tâm tưởng của phần đông người Việt mà còn tạo nên áp lực đối với người phụ nữ. Vì thế, cho dù phạt tiền, cách chức, kỷ luật… nhưng nhiều người vẫn chấp nhận để sinh cho kỳ được
con trai.
Theo GS-TS Cử, một trong những nguyên nhân khiến tình trạng mất cân bằng giới tính ngày càng trầm trọng là việc xử lý các hành vi lựa chọn giới tính thai nhi chưa quyết liệt. “Luật cấm nhưng không có giám sát nên cũng như không” - GS-TS Cự nhận định.
Ông Dương Quốc Trọng thừa nhận Việt Nam đã có quy định nghiêm cấm các hình thức lựa chọn giới tính thai nhi như sàng lọc tinh trùng, siêu âm, chẩn đoán, phá thai vì lý do giới tính… Song thực tế, những sai phạm này vẫn diễn ra và hầu hết không xử lý được vì thiếu bằng chứng.
Theo Người lao động