Dư luận nhiều ngày qua xôn xao nhiều ý kiến trái chiều, thậm chí là hiểu sai lệch về chuyện sinh con một bề sẽ được miễn học phí, hỗ trợ mua bảo hiểm y tế… sau khi Thông tư 01/2021/TT-BYT của bộ Y Tế có hiệu lực từ 10/3.
Con người chịu tác động như thế nào từ những quan điểm bất bình đẳng giới? Việc sinh con một bề có ảnh hưởng ra sao đến hạnh phúc của mỗi gia đình và sự phát triển kinh tế - xã hội nói chung? Việc sinh con một bề có làm cho kinh tế gia đình nói riêng hay sự phát triển kinh tế của đất nước nói chung bị ảnh hưởng, thậm chí là trì trệ hay không?... PV Người Đưa Tin Pháp Luật đã có cuộc phỏng vấn GS.TS Lê Thị Quý, Viện trưởng viện Nghiên cứu Giới và Phát triển để làm rõ hơn về những băn khoăn này.
PV: Theo bà, việc sinh con một bề có những tác động thế nào đến sự phát triển kinh tế?
GS.TS Lê Thị Quý: Chỉ có Việt Nam và vài nước phương Đông mới quan tâm đến việc sinh con trai hay con gái. Ở những nước phát triển như phương Tây, họ không quá quan trọng về giới tính bởi một đứa trẻ sinh ra không chỉ là con của gia đình mà còn là công dân của xã hội.
Thực tế đã chứng minh, dù là nam hay nữ thì họ đã có những cống hiến không thua gì nhau khi trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Ở Việt Nam, phụ nữ đã có những đóng góp rất lớn vào nền kinh tế quốc dân, đặc biệt là nền kinh tế nông nghiệp. Chưa dừng lại ở đó, phụ nữ còn tham gia nhiều hơn vào lĩnh vực khoa học – một lĩnh vực mà từ trước đến nay, người ta thường quan niệm chỉ có nam giới mới phù hợp.
Vậy nên, việc sinh con một bề không quan trọng bằng việc, những đứa trẻ ấy có trở thành công dân tốt hay không, có trở thành những người có ích cho xã hội hay không.
PV: Nhiều người đang hiểu sai rằng, từ 10/3, cứ sinh con 1 bề là được miễn, giảm học phí, hỗ trợ mua bảo hiểm y tế học sinh; hỗ trợ sữa học đường… Vậy, hướng dẫn này liệu có gây khó cho các địa phương hay không?
GS.TS Lê Thị Quý: Thông tư này đã dựa trên quan điểm bình đẳng giới. Đây là quan điểm đúng đắn nhất hiện nay và quan điểm ấy đưa đến sự cân bằng giữa nam và nữ. Còn các địa phương thực hiện thế nào còn phụ thuộc vào điều kiện của từng địa phương.
Tôi nghĩ không ai chủ trương sinh con 1 bề để được nhận hỗ trợ, vì đây là việc rất tự nhiên theo quy luật. Thế nhưng, khi sinh con tự nhiên, không lựa chọn giới tính thì có những người sinh 2 con gái. Họ thường chịu những áp lực từ dư luận, thậm chí bị chính gia đình kỳ thị.
Sự thiếu tôn trọng với phụ nữ như thế là một sự xúc phạm ghê gớm, chỉ xảy ra ở những người vô văn hóa hay những người có tư tưởng gia trưởng rất mạnh. Vì vậy chính sách thường hướng đến khuyến khích sự cân bằng giới tính. Tôi cho rằng các địa phương sẽ tùy theo tình hình kinh tế - xã hội của mình để thực hiện làm sao có lợi cho người phụ, đảm bảo về nhân phẩm, sức khỏe, tính mạng sau này… cho họ.
PV: Những khuyến khích này sẽ tác động thế nào đến việc nâng cao chất lượng dân số trong tương lai, thưa bà?
GS.TS Lê Thị Quý: Việc nâng cao chất lượng dân số hay không còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Việc này chịu ảnh hưởng lớn nhất từ sự giáo dục. Cần phải có sự phối hợp giữa gia đình và nhà trường để đến khi ra xa hội, những thanh niên ấy trở thành người có lý tưởng, tính nhân văn và phải có kiến thức.
Sinh con dù là trai hay gái mà không được học hành cẩn thận, không nuôi dưỡng đầy đủ sẽ dẫn đến hệ quả đau lòng cho đất nước, gia đình. Chúng ta không nên nghĩ rằng con gái hay con trai sẽ ảnh hưởng đến chất lượng dân số.
PV: Với những tỉnh còn khó khăn về kinh tế, thì việc xây dựng một khung chính sách theo hướng dẫn từ thông tư này sẽ tạo thành một áp lực không thưa bà?
GS.TS Lê Thị Quý: Tôi nghĩ rằng điều kiện kinh tế sẽ quyết định mức độ bình đẳng giới. Khi có kinh tế, người ta mới có tiền để giải quyết những vấn đề bất bình đẳng giới. Các địa phương mà thực hiện được thông tư này cũng phải tìm hiểu, xác định những mặt lợi cũng như khó khăn thì mới làm tốt được.
PV: GS.TS có thể chỉ ra một vài giải pháp cho vấn đề mất cân bằng giới tính khi sinh hiện nay?
GS. TS Lê Thị Quý: Thông tư 01/2021/TT-BYT là một trong những giải pháp để chống lại mất cân bằng giới tính khi sinh. Khoảng hơn 10 năm trở lại đây, Việt Nam gặp phải hiện tượng mất cân bằng giới tính khi sinh.
Việc mất cân bằng này đưa đến sự xáo trộn về mặt xã hội ghê gớm. Nam thừa nữ thiếu. Hiện nay, Trung Quốc đã thừa mấy chục triệu nam giới không lấy được vợ. Chính việc mất cân bằng giới tính dẫn đến nhiều tệ nạn như mại dâm, nạn buôn bán người hay đa thê. Xã hội sẽ không ngăn cản kịp nếu vẫn để tình trạng mất cân bằng giới tính lan rộng rãi.
Để ngăn chặn tình trạng này, Nhà nước cũng đã có những pháp lệnh như không cho siêu âm thai nhi để tìm hiểu giới tính với mục đích nạo thai, phá thai... Giải pháp tuyên truyền giáo dục rất quan trọng để đấu tranh phá bỏ những hủ tục này. Đấu tranh để chống lại, phá bỏ hủ tục là vô cùng khó nhưng đây là giải pháp căn bản, nền tảng để chúng ta tiến tới bình đẳng giới một cách bền vững.
Liên quan đến vấn đề liệu khoản hỗ trợ liệu có bị truy thu nếu các cặp vợ chồng đã ký cam kết, vỡ kế hoạch, sinh thêm con thứ ba, Luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật cho biết toàn bộ chính sách hỗ trợ sẽ bị ngừng ngay: "Theo thông tư 01/2021/TT-BYT, thông tư chưa hướng dẫn trong trường hợp các cá nhân vi phạm cam kết thì sẽ xử lý như thế nào? Vì thế, tôi cho rằng trong trường hợp các cá nhân phá vỡ cam kết thì toàn bộ các chính sách đều bị ngưng ngay. Tuy nhiên, việc có truy thu lại các khoảng đã hỗ trợ trước đó hay không thì có lẽ bộ Y tế sẽ tiếp tục một Thông tư mới hướng dẫn hoặc sửa đổi bổ sung đối với trường hợp vi phạm cam kết".