Sinh con "thuận tự nhiên": "Các bà mẹ không nên chủ quan!"

Sinh con "thuận tự nhiên": "Các bà mẹ không nên chủ quan!"

Nguyễn Thị Huệ

Nguyễn Thị Huệ

Thứ 4, 07/03/2018 05:45

Theo chuyên gia về lĩnh vực sản khoa, các bà mẹ không nên chủ quan khi áp dụng đẻ "thuận tự nhiên" như bà mẹ ở Hưng Yên.

Những ngày này, câu chuyện về người mẹ ở Hưng Yên kể về quá trình sinh con tại nhà, tự đỡ đẻ mà không có sự hỗ trợ của cán bộ y tế, cháu bé sơ sinh sau đó không được cắt rốn và không được tiêm phòng đang trở thành đề tài được rất nhiều chị em phụ nữ bình luận rôm rả trên các diễn đàn.

Theo chia sẻ của bà mẹ này, chị ăn chay trong suốt thai kỳ. Đến khi chuyển dạ, chị đã tự sinh con ở nhà, tự đỡ đẻ, không chích ngừa và da kề da với bé trong suốt 4 giờ sau sinh. Sau khi chào đời 30 phút, em bé đã tự biết tìm đến ti mẹ.

Và trong số những bình luận trên mạng xã hội, có rất nhiều ý kiến cho rằng hành động tự sinh con ở nhà là không nên. 

Đặc biệt, thay vì cắt dây rốn cho bé, chị đã áp dụng phương pháp liên sinh, không cắt dây rốn ngay mà để nhau thai gắn với cơ thể em bé cho đến khi dây rốn tự rụng. Sau 6 ngày, dây rốn của em bé đã tự rụng và bà tắm cho bé đã khen: "Rốn rất đẹp".

Bà mẹ này cũng cho biết, sinh xong đứa con đầu, chị không sợ bầu, không sợ nuôi chỉ sợ... đẻ. Tuy nhiên, việc sinh nở tự nhiên theo phương pháp này khiến bản thân chị không còn sợ đẻ nữa.

Ở góc độ chuyên môn, bác sĩ Trần Vũ Quang, bệnh viện Phụ sản Trung ương lý giải: "Liên sinh" hay còn gọi là phương pháp sinh con Hoa sen, thay vì cắt cuống nhau cho bé khi chào đời, bà mẹ sẽ lựa chọn lưu giữ nhau thai trong một cái chậu, bát to hay xô nhỏ và để nó rụng tự nhiên. Nhiều mẹ còn bỏ muối vào hoặc xoa các loại tinh dầu, bột thuốc khô cho nhau thai nhanh khô.

Sử dụng phương pháp này trẻ được cung cấp lượng máu tự nhiên từ bánh rau sau sinh được nhiều hơn, giúp tăng dinh dưỡng, sức đề kháng và hạn chế tình trạng vàng da sau sinh.

Tuy nhiên sự thực không hoàn toàn như vậy khi chúng ta áp dụng việc kết nối trẻ và bánh rau hàng tiếng đồng hồ trở ra. Vì theo khoa học, hiên nay việc trì hoãn kẹp dây rốn chỉ từ 30-60 giây giúp 1/3 lượng máu trong cơ thể của em bé sẽ không bị mất đi và tăng lượng sắt trong cơ thể bé.

Một nguyên nhân thuyết phục khiến các bà mẹ theo phương pháp này chính là việc lưu giữ khoảnh khắc kì diệu của quá trình sinh nở đề cao quan điểm thuận tự nhiên mà hiện nay các bà mẹ hay lưu truyền nhau. Tuy nhiên, bà mẹ phải dành thời gian cho con rất nhiều để chăm sóc và theo dõi kỹ càng trong thời gian bé rụng dây rốn.

Sinh con 'thuận tự nhiên': 'Các bà mẹ không nên chủ quan!'

Chia sẻ đang thu hút sự quan tâm của nhiều chị em phụ nữ.

"Phương pháp "liên sinh" có nhiều nguy cơ thai sản mà bà mẹ không lường trước được rủi ro cho cả mẹ lẫn con. Đặc biệt các mẹ lại áp dụng sinh con tại nhà lại khó tiên lượng tai biến và hỗ trợ từ chuyên môn y tế kịp thời", BS.Quang chia sẻ.

Cũng theo bác sĩ Quang, sinh con thuận tự nhiên theo phương pháp của bà mẹ này nguy cơ nhiễm trùng cho bé rất dễ xảy ra. Vì đơn giản việc sau sinh tổ chức bánh rau đang phân hủy dần. Bánh rau sau khi ra ngoài một thời gian ngắn dây rốn ngừng đập và không có lượng máu cung cấp từ tử cung nên sẽ trở thành tổ chức chết. Hiển nhiên nguy cơ nhiễm trùng cao trên mô chứa máu như bánh rau từ vi khuẩn. Trong khi vẫn có kết nối với bé bằng dây rốn nguy cơ nhiễm khuẩn rất cao. Và đáng sợ nhất là bé sơ sinh có thể  bị nhiễm khuẩn huyết rất khó điều trị, phải được cấp cứu hồi sức tích cực mới qua khỏi.

Các cơ sở y tế hiện nay chưa áp dụng phương pháp này. Hơn nữa, nếu tự theo dõi chuyển dạ mà không được các bác sĩ hay nhân viên y tế có chuyên môn hỗ trợ thì có những nguy hiểm có thể xảy ra như: Đầu không lọt, cổ tử cung không tiến triển, sa dây rốn trước ngôi, suy thai, chảy máu trong chuyển dạ, sang chấn cho bé trong quá trình chuyển dạ, sang chấn tầng sinh môn, đờ tử cung.

Nguy hiểm hơn, thai phụ nằm một trong 5 tai biến sản khoa: Băng huyết sau sinh, tiền sản giật, nhiễm trùng hậu sản, vỡ tử cung, uốn ván rốn.

"Bà mẹ ở Hưng Yên không chích ngừa như vậy thật nguy hiểm", BS.Quang nhấn mạnh.

Đồng thời, BS. Quang đưa ra khuyến cáo, với đầy đủ các nguy cơ cho một cuộc đẻ như vậy thì chúng ta không thể nói là tự tin khám thai sản định kỳ tốt thì sẽ tự chuyển dạ diễn ra một cách an toàn tự nhiên được. Các bà mẹ không nên chủ quan khi áp dụng đẻ như bà mẹ trên. 

N.Huệ - Đ.Thơm

 

 

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.