TS. tâm lý học Nguyễn Thị Kim Quý chia sẻ: "Như một quy luật của xã hội, cuộc sống giàu có với những giá trị mới đã làm phát sinh nhiều nghi lễ, nhiều nhu cầu giải trí mới. Tuy nhiên, có lúc, có nơi, lễ nghĩa dường như đã đi quá đà. Tôi thấy bây giờ ở nông thôn, nhiều nơi tổ chức đình đám từ đám cưới, đám ma đến mừng nhà mới... Nhiều đám cưới được tổ chức quá lãng phí với những nghi lễ tốn kém, đắt đỏ".
"Trong suy nghĩ của tôi, đám cưới to hay nhỏ, hoành tráng hay đơn giản, không quan trọng bằng việc hai người có sống với nhau hạnh phúc hay không?", TS. Kim Quý nói.
Theo nhận định của các chuyên gia, trước đây, đám cưới chỉ trà nước, bánh kẹo thì nay cũng cỗ bàn linh đình, có nơi đến vài trăm mâm. Nhà này tổ chức đám cưới to, nhà kia tổ chức sau cũng phải theo, nhà sau lại muốn làm to hơn, sang hơn nhà trước. "Con gà tức nhau tiếng gáy", cứ thế đua nhau. Tổ chức các việc ấy, nhiều khi thuần túy chỉ là ăn uống, khách đến ngồi vào mâm, ăn rồi tặng phong bì. Đi dự đám cưới mà nhiều người không biết cô dâu, chú rể là ai. Có khi chính cô dâu, chú rể cũng "choáng" với số lượng khách mời có đến 400- 500 người. Trong số này bạn bè của họ rất ít, chủ yếu là bạn bè và đồng nghiệp của bố mẹ, những người họ chẳng biết là ai và cũng chưa gặp bao giờ".
Theo nhận định của TS. Kim Quý, khi kinh tế phát triển, cũng có không ít trường hợp sự giàu có - phú quý trở thành cái cớ để người ta đẻ ra những lễ nghi, những việc làm không cần thiết, thậm chí trở thành lố lăng, kệch cỡm. Lại có không ít trường hợp chưa phú quý đã sinh lễ nghĩa. Trước đây, những việc lớn như: Cưới hỏi, mừng thọ, xây lăng mộå... thường chỉ tổ chức trong gia đình, anh em họ hàng một cách đơn giản, ấm cúng thì nay lại làm một cách phô trương, hình thức, khách mời càng nhiều càng tốt?!. Để thể hiện cái sự phú quý người ta đua nhau tổ chức thật to, loa đài, kèn trống tưng bừng, cỗ bàn thịnh soạn, có đám lên tới hàng trăm, vài trăm mâm. Nhiều nhà cứ đua nhau theo kiểu "con gà tức nhau tiếng gáy", nhà sau làm phải to hơn nhà trước, sau đó phải oằn lưng "cõng" nợ.
TS.Nguyễn Thị Kim Quý cho rằng: "Con gà tức nhau tiếng gáy", cái văn hóa này đã ngấm vào máu của không ít người Việt. Cuộc sống có khá lên, kinh tế có cải thiện, mặt bằng văn hóa có tăng lên thế nào thì những thói quen làng xã ấy vẫn còn. Theo đó mà những đám cưới được tổ chức rềnh rang, mang tính chất khoe của ngày càng nhiều hơn. Và đó chính là hệ lụy của cái gọi là phú quý sa đà".
Lan Thơm