Tỉ lệ sinh mổ tăng nhanh
Theo vụ Sức khỏe bà mẹ - trẻ em (bộ Y tế), tỉ lệ sinh mổ tăng nhanh trong các năm gần đây, nếu 15 - 20 năm trước, tỉ lệ này chỉ chiếm 10 - 15% thì đến nay đã chiếm khoảng 25 - 30%.
Thông tin trên các phương tiện truyền thông đại chúng cho thấy, sinh mổ giúp phụ nữ tránh được cơn đau khi chuyển dạ. Tuy nhiên, những thủ thuật sau đó lại làm mẹ bầu chịu nhiều đau đớn, đối mặt với không ít nguy cơ đe doạ trực tiếp đến sức khỏe.
Đối với các gia đình có ý định chọn phương pháp sinh mổ để quyết định "ngày đẹp, giờ vàng" cho bé, các bác sĩ thường từ chối và khuyên sản phụ nên đẻ thường bởi sinh tự nhiên vẫn là phương pháp có lợi nhất cho cả mẹ và em bé.
Trong khi đó, những trường hợp có chỉ định mổ thường rơi vào:
- Nhóm phụ nữ sinh con đầu lòng trên 35 tuổi.
- Thai phụ mắc các bệnh lý như: Thiếu máu, tim mạch, tiểu đường, nhiễm độc thai nghén, huyết áp cao, hen phế quản…
- Tử cung hoặc khung xương chậu của thai phụ có điểm bất thường.
- Thai phụ có tiền sử sinh mổ.
Những nguy cơ từ sinh mổ
Kéo dài thời gian nằm viện sau sinh: Theo một số chuyên gia, trong khi các mẹ bầu sinh thường chỉ phải nằm viện 1-2 ngày là được ra viện thì các bà mẹ sinh mổ phải đợi từ 5-7 ngày mới được về nhà, đồng thời phải chi trả các khoản chi phí sinh hoạt trong viện cao gấp nhiều lần so với bà mẹ sinh thường.
Thời gian phục hồi lâu: Thời gian để các bà mẹ sinh mổ hồi phục có thể kéo dài từ 2 tuần tới 1 tháng, điều này ảnh hưởng lớn tới sức khỏe bà mẹ và việc chăm sóc cho bé khi vừa chào đời. Lý do bởi, các mẹ phải chăm sóc vết mổ sau sinh lâu hơn, phức tạp hơn, ngay cả việc vệ sinh cũng phải nhờ người giúp đỡ.
Nguy cơ nhiễm trùng tăng cao: Những bà mẹ sinh mổ sẽ bị tăng nguy cơ nhiễm trùng ở vết thương mổ đẻ, trong tử cung hoặc trong cơ quan vùng chậu khác như bàng quang, ruột. Điều này chính là nguyên nhân khiến thời gian các mẹ nằm viện lâu hơn, tăng nguy cơ mắc các bệnh phụ khoa khác và các nguy cơ xấu trong lần mang thai tiếp theo.
Mất máu và xuất huyết: Việc sinh mổ khiến các bà mẹ bị mất một lượng máu khá lớn. Điều này dễ gây ảnh hưởng tới quá trình phục hồi sức khỏe và thể trạng các mẹ khi sinh mổ sau này.
Có nguy cơ chấn thương các cơ quan khác: Trong quá trình phẫu thuật mổ lấy thai, nếu có bất cứ sai sót gì đều có thể gây xước, rách bộ phận cơ quan khác gần đó như bàng quang, ruột, đồng thời dễ gây biến chứng như nhiễm trùng cổ tử cung, biến chứng sản khoa tại vết thương phẫu thuật, thuyên tắc huyết khối (cục máu đông), sỏi mật và viêm ruột thừa đòi hỏi bạn phải nhập viện điều trị lại sau khi mổ.
Lần sinh thứ hai, thứ ba vẫn phải sinh mổ: Theo khuyến cáo của chuyên gia y tế, một khi bạn đã sinh mổ thì ít nhất 3 năm sau mới được phép mang thai. Nếu mang thai trước thời gian quy định thì rất dễ gây nguy hiểm cho tính mạng bà mẹ và bé, đồng thời những lần mang thai thứ hai, thứ ba sẽ vẫn phải sinh mổ.
Tăng các biến chứng mang thai lần sau: Với mẹ bầu sinh mổ, nguy cơ vô sinh thứ phát, mang thai ngoài tử cung và sảy thai, thai chết lưu không rõ nguyên nhân trong những lần mang thai tiếp theo tăng cao hơn. Tác hại này chính là những biến chứng khó lường của việc sinh mổ.
Có nguy cơ phải cắt bỏ tử cung sau khi sinh: Trường hợp này tuy không phổ biến nhưng vẫn có thể xảy ra. Việc bị chảy máu không kiểm soát ở vết mổ đẻ lần đầu có thể gây biến chứng khiến mẹ bầu phải cắt bỏ tử cung ngay lúc mổ xong hay một thời gian sau.
Tăng nguy cơ mắc bệnh lạc nội mạc tử cung: Phụ nữ đã từng mổ lấy thai có nguy cơ cao bị lạc nội mạc tử cung tại vết mổ đẻ trong tử cung và phải phẫu thuật để loại bỏ những tế bào bất thường này. Sẽ rất nguy hiểm và phức tạp nếu bạn không có sự theo dõi cẩn thận đối với sức khỏe của chính mình.
Nguy cơ tử vong cao: Nguy cơ mẹ tử vong trong quá trình sinh mổ cao gấp 2-4 lần so với mẹ sinh thường do những biến chứng nguy hiểm của nó trong quá trình mổ lấy thai.
Ảnh hưởng của các loại thuốc vào cơ thể: Các thuốc gây mê, kháng sinh và các loại thuốc tiêm vào cơ thể trong quá trình phẫu thuật mổ lấy thai sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của mẹ và nguồn sữa cung cấp cho cơ thể bé.
N.H (tổng hợp)