Vì sao Thổ Nhĩ Kỳ gây chiến với NATO?
Sân khấu của hội nghị thượng đỉnh NATO sẽ diễn ra tại London trong tuần này đang tập trung mọi ánh đèn chú ý vào Thổ Nhĩ Kỳ.
Trong một tuyên bố đầy bất ngờ và gây tranh cãi, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã mô tả Tổng thống Pháp Emmanuel Macron với lời lẽ khá gay gắt.
Phát biểu gay gắt ông Erdogan được đưa ra sau khi ông Macron chỉ trích cuộc tiến công Syria mà Thổ Nhĩ Kỳ tiến hành là mối đe dọa đối với mặt trận chống khủng bố IS của NATO.
Câu nói phũ phàng của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ được lấy lại ngay từ tuyên bố hồi đầu tháng 11 của ông Macron khi mô tả NATO đang “chết não” vì thiếu sự hợp tác chiến lược giữa các quốc gia thành viên, đặc biệt là Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ.
Chính bởi tranh cãi nảy lửa giữa hai nhà lãnh đạo của NATO, giới quan sát đang dõi theo hội nghị liên minh ở London trong tuần này sẽ trở nên sóng gió như thế nào.
Tổng thống Erdogan không chỉ nổi giận với Pháp, ông còn yêu cầu tất cả các nước NATO ủng hộ cuộc tấn công của Thổ Nhĩ Kỳ vào Syria và coi đó là một cuộc chiến chính đáng mà Thổ Nhĩ Kỳ đang tiến hành cho tất cả các thành viên của tổ chức. Cụ thể, ông muốn các nước NATO chỉ định lực lượng người Kurd là khủng bố.
Tất nhiên, nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ biết điều này sẽ khó xảy ra. Mỹ vẫn còn khoảng 1.000 binh sĩ ở Syria và đã tiếp tục liên lạc với các dân quân người Kurd. Washington không có ý định biến lực lượng đồng minh của mình thành những kẻ khủng bố và các thành viên NATO châu Âu cũng không.
Điều này không chỉ xuất phát bởi lý do các nước thành viên cùng chia sẻ quan điểm của Mỹ khi cho rằng người Kurd là lực lượng chiến đấu hiệu quả nhất trong cuộc chiến chống IS, mà NATO còn muốn gửi thông điệp cảnh báo tới Tổng thống Erdogan - người đã phớt lờ yêu cầu của liên minh trong việc dừng mua bán hệ thống tên lửa phòng không S400 của Nga.
Nếu có một vấn đề mà các thành viên NATO châu Âu và Mỹ đồng thuận với nhau nhất thì đó là mối lo ngại về việc các hệ thống phòng thủ này sẽ làm rò rỉ thông tin tình báo cho Nga.
Người duy nhất đang cản trở các lệnh trừng phạt đối với Thổ Nhĩ Kỳ vì vụ mua bán này là Tổng thống Mỹ Donald Trump, nhà lãnh đạo đang làm ngơ trước những đề nghị trừng phạt từ Quốc hội.
Thổ Nhĩ Kỳ không có dấu hiệu lùi bước, thậm chí dự định thử nghiệm hệ thống ngay khi các quân nhân vận hành hoàn thành khóa huấn luyện do các giảng viên Nga thực hiện.
Đòn bẩy của Thổ Nhĩ Kỳ
Tổng thống Erdogan rõ ràng muốn sử dụng đòn bẩy mạnh mẽ chống lại các đồng minh châu Âu bằng cách cố gắng ngăn chặn hoặc ít nhất là trì hoãn quá trình xây dựng kế hoạch phòng thủ ở Ba Lan, một trong những nội dung chính được thảo luận ở London tuần này. Chính sách này sẽ yêu cầu tài trợ bổ sung đáng kể và sẽ cần có sự đồng ý của tất cả các thành viên NATO.
Nếu người châu Âu muốn tự bảo vệ mình khỏi cái gọi là “mối đe dọa từ Nga”, hãy để họ thấu hiểu và giúp Thổ Nhĩ Kỳ chống lại mối đe dọa từ người Kurd, ông Erdogan tuyên bố với các nhà lãnh đạo.
Cùng với đó, ông cũng nhấn mạnh, nếu các nước NATO có tiền để nâng cấp hệ thống phòng thủ chống lại Nga, thì họ cũng nên trả tiền để duy trì người tị nạn Syria ở Thổ Nhĩ Kỳ.
Theo các nhà quan sát, đây rõ ràng sẽ là quân bài thương lượng mà ông Erdogan sẽ sử dụng trong hội nghị NATO lần này.
Tuần trước, Tổng thống Erdogan cũng đã khiến các quốc gia châu Âu - đặc biệt là Hy Lạp và Síp, cùng với Israel và Ai Cập một lý do khác để tăng thêm sự thất vọng.
Ông đã ký một thỏa thuận hợp tác quân sự và một bản ghi nhớ về biên giới kinh tế hàng hải giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Libya.
Tổng thống Erdogan và lãnh đạo của Chính phủ được công nhận ở Libya, Fayez al-Sarraj, bác bỏ tuyên bố rằng các thỏa thuận này là bất hợp pháp, lưu ý rằng chúng được thực hiện bởi hai quốc gia có chủ quyền và hai Chính phủ được công nhận.
Việc đánh dấu lãnh thổ kinh tế khiến người châu Âu lo ngại sẽ giam cầm đảo Síp và đảo Crete trong một khu vực hàng hải do Thổ Nhĩ Kỳ kiểm soát về kinh tế.
Thổ Nhĩ Kỳ sẽ có khả năng tìm kiếm và sản xuất dầu, khí đốt trong khu vực này, và ngăn chặn các nỗ lực tương tự đến từ châu Âu. Trên thực tế, bất kỳ đường ống dẫn nào từ Israel, Ai Cập hoặc Síp đến châu Âu sẽ phải yêu cầu đàm phán với Thổ Nhĩ Kỳ.
Không một quốc gia nào có biên giới trong khu vực có khả năng pháp lý chống lại các thỏa thuận này và ngay cả khi Liên minh châu Âu quyết định áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với Thổ Nhĩ Kỳ, họ sẽ phải nêu rõ lý do tại sao thỏa thuận đó là không được phép.
Các lệnh trừng phạt của châu Âu chỉ có thể được áp dụng nếu Thổ Nhĩ Kỳ sử dụng vũ lực để ngăn chặn các đường ống. Tuy nhiên, đó cũng không phải là một tình huống tồi tệ đối với Thổ Nhĩ Kỳ - một quốc gia vốn đã căng thẳng với hầu hết thế giới phương Tây và bị hầu hết các nước Ả Rập coi là đối thủ.
Tổng thống Erdogan đang thách thức không chỉ những liên minh kỳ cựu như NATO và Liên minh châu Âu. Cùng với Thủ tướng Malaysia Mahathir Bin Mohamad, ông đã khởi xướng thành lập một khối các quốc gia Hồi giáo với các thành viên bao gồm Qatar, Indonesia và Pakistan.
Đây được coi là một thách thức đối với Tổ chức Hợp tác Hồi giáo với sự tham gia của 53 quốc gia thành viên. Cuộc họp đầu tiên của khối mới dự kiến diễn ra vào ngày 19/12 và Saudi Arabia cùng Ai Cập sẽ không tham dự.