Bọt biển
Các nhà khoa học cho biết bọt biển có thể "sống lâu cùng trời đất" khi một nghiên cứu năm 2012 khẳng định một miếng bọt biển thủy tinh thuộc họ Monorhaphis chuni có tuổi thọ khoảng 11.000 năm tuổi.
Bọt biển là động vật thuộc ngành thân lỗ, có cấu tạo đơn giản không bao gồm hệ thần kinh, tiêu hóa và tuần hoàn. Thay vào đó, các cá thể này chỉ duy trì một dòng chảy liên tục qua cơ thể để lấy thức ăn, oxy cũng như loại bỏ chất thải.
San hô đen
San hô trông giống như những thực vật bằng đá dưới nước đầy màu sắc, nhưng chúng thực sự được tạo thành từ bộ xương ngoài của động vật không xương sống, được gọi là polyp. Các polyp này liên tục nhân lên và tự thay thế bằng cách tạo ra một bản sao giống hệt về mặt di truyền, theo thời gian khiến cấu trúc bộ xương ngoài của san hô ngày càng lớn hơn. Do đó, san hô được tạo thành từ nhiều sinh vật giống hệt nhau chứ không phải là một sinh vật đơn lẻ, vì vậy tuổi thọ của san hô là tuổi thọ của một quần thể.
San hô có thể sống hàng trăm năm hoặc hơn, nhưng san hô đen nước sâu (Leiopathes sp.) là một trong những loài san hô sống lâu nhất. Các mẫu san hô đen được tìm thấy ngoài khơi Hawaii đã được xác định có tuổi thọ 4.265 năm tuổi.
Tuatara
Tuatara là tên gọi của một loài bò sát đặc hữu của New Zealand. Chúng còn được gọi là "khủng long thời hiện đại" bởi loài này là chi duy nhất còn sinh tồn thuộc bộ Rhynchocephalia từng phát triển mạnh 200 triệu năm trước.
Tuatara thường có màu xám hay nâu xanh, con trưởng thành đạt chiều dài tối đa 80 cm và nặng đến 1,3 kg. Chúng thường sinh sống về đêm.
Điều đặc biệt, tuổi thọ của chúng có thể tới 200 năm. Chúng cũng chịu được nhiệt độ siêu lạnh, nhịn thở tới một giờ và nhìn thấy ánh sáng từ con mắt thứ ba trên đỉnh đầu.
Giun ống Vestimentiferan
Giun ống Vestimentiferan có chiều dài cơ thể lên đến 3m và thường sống tập trung thành những nhóm rất đông, có thể lên tới hàng nghìn con.
Giun ống sống tập trung tại vùng vịnh phía bắc Mexico, nơi có độ sâu hơn 750m dưới mực nước biển. Giun ống Vestimentiferan phát triển rất chậm, thường chúng có thể sống lâu hơn 250 năm.
Rùa khổng lồ Seychelles
Rùa nổi tiếng vì sống lâu trăm tuổi và "cụ" rùa sống thọ nhất có tên Jonathan ở trên đảo St. Helena ở Nam Đại Tây Dương. "Cụ" thuộc loài rùa khổng lồ Seychelles (Aldabrachelys gigantea hololissa), hiện đã hơn 190 tuổi.
Cụ rùa Jonathan được cho là chào đời khoảng năm 1832 và đến năm 1882 được đưa đến St. Helena làm quà tặng cho ngài William Grey-Wilson, thống đốc hòn đảo.
Vào ngày 12/1/2022, sách Kỷ lục Guinness Thế giới ghi nhận "cụ" rùa Jonathan sống lâu nhất thuộc siêu bộ Chelonia, nhóm bao gồm rùa, ba ba, giải, vích, đồi mồi… với 190 tuổi. Tuy nhiên, Giám đốc Sở du lịch St. Helena Matt Joshua cho rằng tuổi thật của cụ rùa Jonathan có thể đã lên đến 200 năm.
"Khả năng nhanh chóng tiêu diệt các tế bào bị tổn thương theo thời gian chính là yếu tố giúp rùa sống lâu đến thế", tạp chí Live Science lý giải.
Cá Rougheye
Cá Rougheye thường sinh sống ở độ sâu 170 đến 700m dưới mực nước biển, và ở các vùng biển Thái Bình Dương. Loài cá này có tuổi thọ lên tới 200 tuổi.
Nhím biển đỏ
Nhím biển đỏ chỉ có ở Thái Bình Dương, dọc theo bờ biển phía Tây của Bắc Mỹ. Loài này sống ở vùng nước nông, có độ sâu 90m. Chúng di chuyển bằng cách sử dụng gai như chiếc cà kheo. Tuổi thọ của loài này lên tới hơn 200 năm.
Cá voi đầu cong
Cá voi đầu cong (Balaena mysticetus) là loài động vật có vú sống lâu nhất hành tinh. Mặc dù chưa thể khẳng định tuổi thọ chính xác của chúng nhưng bằng chứng được tìm thấy ở một số cá thể cho thấy loài động vật này có thể sống hơn 200 năm, theo Cơ quan Quản lý Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ (NOAA).
Sở dĩ cá voi đầu cong có tuổi thọ khủng bởi ở chúng có đột biến gien gọi là ERCC1, giúp sửa chữa ADN bị tổn thương. Từ đó, có thể bảo vệ cá voi khỏi bệnh ung thư, một nguyên nhân gây tử vong tiềm tàng.
Ngoài ra, một gien khác là PCNA: "Gen này tham gia vào quá trình phát triển và sửa chữa tế bào, đồng thời quá trình nhân đôi có thể làm chậm quá trình lão hóa, giúp cá voi sống rất thọ", tạp chí Live Science giải thích.
Hydra
Hydra là một nhóm động vật không xương sống kích thước nhỏ và thân mềm thoạt nhìn hơi giống sứa. Cấu tạo của chúng chủ yếu từ tế bào gốc liên tục tái tạo thông qua nhân bản và do đó chúng không có dấu hiệu thoái hóa do tuổi tác, thời gian.
"Nhờ loại bỏ được cơ chế lão hoá nên Hydra cũng có khả năng sinh trưởng không giới hạn để "sánh ngang cùng nhật nguyệt", tạp chí Live Science viết.
Tuy nhiên, chúng không thể sống vĩnh viễn trong điều kiện tự nhiên do mối đe dọa từ động vật săn mồi và dịch bệnh và điều này đã ngăn Hydra bất tử.
Minh Hoa (t/h)