Sinh viên ăn cơm 2000 đồng: Phán xét làm nên tủi hổ

Sinh viên ăn cơm 2000 đồng: Phán xét làm nên tủi hổ

Lê Thị Duyên

Lê Thị Duyên

Thứ 7, 21/10/2017 07:00

Giàu không phải là một tội ác. Nghèo cũng không phải là một tội ác. Một hành vi cần được nhìn nhận thành tâm nếu ta thực sự muốn giúp một người trẻ trưởng thành hơn.

Dạo trước, tôi có đọc một bài viết về chuyện tiền kiếm ra ít mà đi uống trà sữa cả trăm ngàn đồng. Bẵng đi vài tháng sau, tôi lại đọc thấy một cái status của anh Vũ Tuấn Anh có vài câu như sau: "Sinh viên sức dài vai rộng cần phải biết tự trọng để không ăn cơm từ thiện của người nghèo hoặc cùng lắm thì thỉnh thoảng".

"Chẳng lẽ các bạn hy vọng các bạn sống nhờ từ thiện cả đời hay sao?".

Và cả hai bài viết đều rần rần cho thấy dư luận không ngừng phán xét cách những thanh niên trẻ đang định hình giá trị - và cố gò ép họ vào một giá trị nào đó.

Ly trà sữa một trăm ngàn bắt nguồn từ hệ giá trị của những người nghèo đói thời bao cấp, nơi việc thể hiện ra mình có chút của cải hay xênh xang là sự xúc phạm và làm tổn thương người xung quanh. Tôi đã nghe mẹ kể về những hàng xóm nói xấu một cô gái ở khu tập thể vì cô này: "Chết đói ra mà còn bày đặt nuôi chó, cho chó ăn thịt nạc”, hay một phụ nữ: "Để con cái nhịn đói còn mình thì sơn móng tay”.

Trong hệ giá trị của đói nghèo, bao cấp và xăm soi này, con người không có giá trị gì nhiều. Thứ có giá trị là một lạng thịt nạc, nửa cân đường, hay một mét vải. Kẻ nào có ý định tiêu xài lạng thịt, cân đường hay mét vải ấy khác đi so với đa số, đó là kẻ đáng phỉ nhổ. Xã hội ấy cố kết trong sự theo dõi lẫn nhau.

Tôi theo dõi anh. Anh theo dõi tôi. Hàng xóm theo dõi nhau. Chúng ta hạnh phúc bằng cách phán xét kẻ khác. Hay khác đi, ta chả có niềm vui nào khác ngoài việc nhìn kẻ khác một cách thù địch và tìm cách hạ bệ nó. Phỉ nhổ nó nếu nó dám cho chó ăn thịt nạc (người còn không có mà ăn), coi thường nó nếu nó dám xài nửa cân đường cho một nồi chè xa xỉ…

Đời sống - Sinh viên ăn cơm 2000 đồng: Phán xét làm nên tủi hổ

Nếu họ không chọn chuẩn “xác định người nghèo” đó làm tiêu chí để chối từ những sinh viên trẻ, vậy tại sao sinh viên không được quyền ăn? (Ảnh minh họa).

Hãy nhìn lại vụ ly trà sữa - phải chăng ta đang nhìn người khác bằng cách đó? Nếu một bạn chỉ làm ra 5 triệu/tháng, bạn sẽ không đi uống trà sữa 100k mỗi ngày. Nhưng liệu bạn có quyền tự thưởng cho bản thân một buổi tối rủ người yêu đi trà sữa sau nhiều tuần làm việc mệt không?

Nếu một người kiếm ra 50 triệu đồng/tháng, dù họ 20 tuổi, liệu họ có quyền đi uống trà sữa 100k mỗi ngày không?

Không thông qua một cái nhìn thấu đáo, tôn trọng sự khác biệt và bình tĩnh, những người không đi uống trà sữa 100k trề môi bảo những kẻ đang đi uống trà sữa 100k là giới trẻ tiêu xài hoang phí, vật chất, nông cạn…

Sau đó, tới một thái cực khác. Thay vì đi uống trà sữa 100k, một “người sáng lập dự án phát triển nghề nghiệp cộng đồng cho sinh viên” dùng chính thế mạnh chuyên môn của anh, để chỉ trích đối tượng mà anh cần giúp đỡ, gọi họ là “sức dài vai rộng cần phải biết tự trọng” và là kẻ “sống nhờ”.

Thậm chí, hành động đi mua cơm 2000 đồng này bị đánh giá như sau: “"Trong khi đó cơ hội làm việc kiếm tiền có rất nhiều nhưng các bạn lười biếng và chỉ có miếng ăn miễn phí cho dù miếng ăn đó cướp của người nghèo. Có 10 suất làm việc tử tế và ăn uống từ chính sức lao động của chính mình nhưng các bạn sinh viên có chịu đi làm hay không?”.

Xếp hàng mua cơm giá rẻ đã bị coi là “lười biếng”, “cướp của người nghèo”, sau đó để tác giả… quảng cáo cho dịch vụ “10 suất làm việc tử tế” mà anh cung cấp.

Đầu tiên, mua cơm 2000 đồng là hành động thuận mua vừa bán. Chủ quán mở bán 2000 đồng, không đòi hỏi khách phải chưng thẻ “hộ nghèo” mới được vào mua. Đó cũng là lý do mà sinh viên có thể xếp hàng mua mà không gặp trở ngại nào.

Thứ hai, tất cả những ai từng làm sinh viên đều đã từng quen qua các bạn bè ở những vùng quê thực sự rất nghèo, và họ sống sót bằng số tiền 2 triệu đồng/tháng khi cha mẹ gửi từ Tây Nguyên hoặc các tỉnh biên giới vào nuôi họ. Họ sống sót bằng mọi cách.

Có thể bây giờ, những người làm anh hùng bàn phím có tiền để mua laptop đã quên mất có một lớp người tồn tại rất sâu dưới đáy của thu nhập trong xã hội. Chị bạn tôi đang phải làm một dự án mà cả gia đình người dân tộc miền Trung kiếm được 15.000 đồng/ngày và con gái họ đang học cấp ba trong thị xã.

Với 15.000 đồng/ngày họ phải lo cho cả gia đình 5 miệng ăn và một đứa thiếu niên đi học. Và đứa bé đó phải học 7 -8 giờ/ngày. Nó có làm thêm và ra tiền, thì nó vẫn sẽ đi ăn cơm 2000 đồng để tiết kiệm sống còn tới kỳ vào đại học, hoặc đơn giản là để mua gạo về cho mẹ mỗi cuối tháng thăm nhà.

Tất cả những con người đó là có thật, chỉ là ta không thể thấy, hoặc đã quá sung túc tới mức quên mất họ tồn tại trong đời, để rồi chỉ cần 1- 2 câu trả lời của quán là có đông các em vào ăn lắm, là đủ dữ liệu để viết một bài chửi họ là “cướp của người nghèo”.

Tuần rồi, tôi đi cắm trại với một người bạn ở Red River Gorge. Trong trại có một anh người Đức làm kỹ sư một hãng xe hơi tại Châu Âu. Mỗi năm, anh nghỉ công việc hai tháng và bay sang Mỹ để đi cắm trại, leo núi.

Buổi tối, khi nấu ăn cùng bọn tôi, anh hào hứng mang lại một bình nước và nói: “Tôi nhặt được ở gần thùng rác. Nước còn mới nguyên đó. Thỉnh thoảng mùa này nước uống ở trại không tốt, mình có thể nấu ăn bằng nước này.”

Anh ngồi bên đống lửa và kể cho bọn tôi nghe về đủ mọi “chiêu” anh nghĩ ra để tiết kiệm trong kỳ nghỉ. Anh nhặt lại khăn tắm của các tay leo núi khác bỏ lại trong trại (ở trại có một chỗ gần phòng tắm cho mọi người bỏ lại khăn tắm cho người sau nếu muốn nhặt xài lại).

Anh xài lại hộp cơm, bình nước mà họ bỏ trên bàn sau khi hết kỳ nghỉ cuối tuần. Khi vào thị trấn và không thể trở về trại kịp trong ngày, anh ghé qua nhà từ thiện cho người vô gia cư và ngủ ở đó một đêm.

“Tôi làm vậy vì thấy vui thôi. Tôi có thể nhặt một bình nước và tiết kiệm 4 đô la mua bình nước ngoài siêu thị. Ngủ ở các nhà từ thiện có thể tiết kiệm đến 80 đô la tiền khách sạn. Tôi còn quen một vài tay vô gia cư trong thị trấn nữa.” 

Đó là câu nói của một kỹ sư Đức có đủ tiền bay qua Mỹ và đi chơi vòng vòng chán chê hai tháng mỗi năm. Đó là cách anh quan niệm về vật chất, bình nước- là để uống- dù người ta có vứt gần thùng rác. Khăm tắm - là để lau người - dù các tay leo núi khác đã bỏ lại. Nhà cho người vô gia cư - là chỗ để ngủ và nếu anh không lừa đảo, không bị từ chối, anh có thể ngủ.

Tương tự, phần cơm 2000 đồng là để ăn. Nó vận hành dựa trên một hệ thống kinh doanh mà quán cơm đã tạo lập, cùng các nhà hảo tâm với mong muốn bữa ăn đến được với người cần ăn. Quán cơm hoàn toàn có thể đòi kiểm tra “thẻ hộ nghèo”, nếu họ muốn chắc chắn 100% đó là người nghèo ăn.

Nhưng họ không làm vậy. Có lẽ vì khái niệm về sự cảm thông và hảo tâm của họ khác với những người đang phán xét người mua cơm là: "Mày có nghèo không? Mày sức dài vai rộng vậy sao không biến đi chỗ khác? Mày đang cướp của người nghèo hả?".

Nếu họ không chọn chuẩn “xác định người nghèo” đó làm tiêu chí để chối từ những sinh viên trẻ, vậy tại sao sinh viên không được quyền ăn, mà lại bị phán xét như đồ kẻ cướp?

Tôi tin rằng áp đặt quá nhiều tiêu chí đạo đức vào một cái mạc giá tiền không giúp định hình một người trẻ có tư cách. Giàu không phải là một tội ác. Nghèo cũng không phải là một tội ác.

Một hành vi cần được nhìn nhận thành tâm nếu ta thực sự muốn giúp một người trẻ trưởng thành hơn. Thành tâm như họ, khi đứng xếp hàng mua cơm, thành tâm như họ, khi vui vì có thể dắt người yêu đi uống một ly trà sữa cuối tuần.

Vật chất và con số không tạo nên tư cách.

Nhưng thiếu lương thiện khi căn vặn hành động của người khác, là một khuyết tật về lương tâm…

Khải Đơn

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.