Sinh viên bán máu trả tiền cá độ

Sinh viên bán máu trả tiền cá độ

Thứ 6, 11/01/2013 08:27

Nhiều sinh viên sẵn sàng cầm đồ, lừa lọc bạn bè, trộm cắp, đánh thuê và bán máu để có tiền chơi game và tham gia cá độ game. Đã có rất nhiều trường hợp bị đuổi học, thậm chí mất mạng vì liên quan đến game online.

Chìm ngập trong "thế giới ảo"

Công nghệ thông tin ngày càng phát triển thì xuất hiện nhiều trò chơi thu hút giới trẻ. Tuy nhiên, bên cạnh tính giải trí lành mạnh, một số game thủ lại quá đam mê và dấn thân vào "thế giới ảo" mà quên đi "thế giới thật".

Bạn Trần Mạnh, sinh viên năm thứ 4 trường đại học Bách khoa Hà Nội cho biết: "Ở một số ký túc xá của các trường đại học Xây dựng, Giao thông Vận tải, Bách khoa, Kinh tế Quốc dân... có rất nhiều sinh viên "cày" game thâu đêm suốt sáng. Một số bạn còn rủ nhau thuê phòng trọ, kéo đường mạng riêng để phục vụ cho việc chơi game".

Xã hội - Sinh viên bán máu trả tiền cá độ

Những giải đấu uy tín được nhiều sinh viên tham gia cá độ. (Ảnh minh họa)

Theo tìm hiểu của chúng tôi, một số game mà giới sinh viên hay chơi như: Half Life đột kích, PS..., đặc biệt là những game online chiến thuật như Võ lâm truyền kỳ, Kiếm thế, MU, Đế chế, DotA… rất hấp dẫn họ bởi người chơi phải chinh phục thử thách, level (cấp bậc - PV) càng cao thì nhiệm vụ càng khó khăn, càng thôi thúc người chơi cần phải chinh phục. Ví dụ, trong game Võ lâm truyền kỳ, người chơi hóa thân vào các nhân vật trong câu chuyện kiếm hiệp này để thực hiện các nhiệm vụ của trưởng lão, bang chủ hay các sư huynh, sư tỷ trong bang giao phó. Khi nhân vật hoàn thành nhiệm vụ sẽ được thăng cấp và có thể học được các chiêu thức võ công mới.

Để thực hiện được nhiệm vụ này, nhân vật phải đạt đến những đẳng cấp nhất định và độ khó của nhiệm vụ cũng tăng lên theo cấp bậc. Có người muốn nhanh tăng cấp thì lại bỏ nhiều tiền để mua được "đồ" ngon. Số tiền mua đồ có thể lên đến tiền triệu, tiền tỷ. Do đó, chơi những game này đòi hỏi người chơi phải đầu tư rất nhiều thời gian, tiền của, sức lực và chất xám. Chính vì vậy, khi game thủ đã nghiện thì rất khó dứt ra được.

"Thiện summer", một game thủ Đế chế nức tiếng ở trường đại học Kinh tế Quốc dân cho hay: "Để trở thành cao thủ, em đã luyện tập mấy năm trời. Mỗi kỹ năng như câu voi, ép đời nhanh, phát triển đều, đẩy quân chiến thuật…, em phải luyện hàng tháng. Em thường xuyên vào các trang mạng như clip.cohet.vn, chimsedinang.com, yeudeche.com, cip.vn, vietgiaitri.com... để học kinh nghiệm các cao thủ. Dù bận thế nào, em cũng không bỏ một trận đấu Đế chế nào do Game TV tổ chức". Tuy nhiên, theo những bạn của Thiện thì cậu thường xuyên bỏ học để rủ bạn bè đi chơi game. Có khi cả tuần, cậu cũng chẳng "vác mặt" đến lớp.

Không chỉ những sinh viên nam nghiện game, một số bạn nữ cũng đam mê không kém. Một bạn nữ sau nhiều năm chìm đắm trong "thế giới ảo" này đã chua xót thốt lên rằng: "Trong game, họ không phân biệt tuổi tác, giới tính mà xếp theo cấp bậc. Người nào level càng cao thì càng giữ chức vụ cao hơn và được tôn trọng hơn. Do mải mê chinh phục đẳng cấp trong "thế giới ảo" mà trong thời gian dài, em quên mất nhiệm vụ trong thế giới thật".

Xã hội - Sinh viên bán máu trả tiền cá độ (Hình 2).

Một game thủ ngủ gục tại quán game. (Ảnh internet)

 Bán máu để... cá độ game

P. (sinh viên trường đại học Bách khoa Hà Nội) là một tay nghiện Đế chế, vẫn thường xuyên tổ chức đánh team (đánh đồng đội - PV) để cá độ ăn thua. "Hồi đó, chúng tôi tìm được bốn người chơi Đế chế giỏi trong trường để lập thành một đội. Sau nhiều tháng ròng rã luyện tập quên ăn quên ngủ, đồng đội đã kết hợp ăn ý, chúng tôi đi thách đấu với các đội khác. Mới đầu, chúng tôi chỉ đánh trả tiền máy, tiền nước, họa lắm cũng chỉ bỏ tiền túi để đánh cho vui. Nhưng dần dần, chuyện thua càng ngấm vào máu, càng cá cược lớn để đánh kịch tính. Dần dà, số tiền cũng lên đến cả triệu bạc, thậm chí có những trận lên đến chục triệu đồng. Khi chiến thắng, chúng tôi lại có tiền ăn chơi, cá độ bóng đá, lô đề…".

"Tiến Còi" (sinh viên trường đại học Xây dựng Hà Nội), một "tín đồ" game Đế chế tuy đánh không giỏi lắm nhưng nói về "máu" cá độ thì khó ai bì kịp. Tiến cho biết: "Trong những trận đấu Đế chế, những người đứng xem vẫn có thể cá cược. Cá độ game Đế chế cũng gần giống như cá độ bóng đá, có thể đặt cược từng trận, theo C (mỗi C gồm 3 trận hoặc 5 trận), tỷ số các C... Tuy nhiên, nếu ở các đội mạnh hơn thì người chơi sẽ phải chấp 1 hoặc 2 trận, hoặc tỷ lệ "ăn" khác nhau. Trong một trận có thể đặt cược rất nhiều cửa (theo quy ước giữa những người tham gia cá cược từ trước). Chính vì vậy, mức độ ăn thua của những trận cá cược game này cũng rất lớn. Thậm chí, nếu có ông bầu nào đứng ra cầm cái thì người chơi có thể đặt cược thoải mái, thậm chí hàng chục, hàng trăm triệu đồng…".

"Để có tiền cá cược, chúng tôi sẵn sàng cầm cố mọi thứ như máy tính, xe máy, điện thoại và vay nặng lãi. Khi nào thắng cược sẽ chuộc lại. Nếu thua cược, cả nhóm sẽ tìm mọi cách "xoay" tiền để "nhổ" đồ. Khi không có cách nào xoay nữa, chúng tôi lại rủ cả nhóm đi bán máu "nhổ" xe và trả tiền vay nặng lãi. Chúng tôi bán máu cho các bệnh viện tư nhân, giá bán khoảng 500.000 đồng/lần, mỗi lần khoảng 350 - 450ml. Biết là không được bán quá 4 lần/năm nhưng để có tiền trả nợ thì chúng tôi bán vượt con số đó nhiều lần", P. thú thực.

Theo anh T., một nhân viên trông quán internet tại Hà Nội, một số nơi được mệnh danh là "lãnh địa game" của Thủ đô như: Ngõ Tự Do, phố Dương Quảng Hàm, phố Tô Hiệu, đường Lê Thanh Nghị, phố Tạ Quang Bửu…. Anh T. giải thích: "Ngày trước, tôi có trông thuê cho một quán ở Ngõ L.T. nên tôi biết những mặt trái của con ngõ "sống nhờ" sinh viên này. Các quán “net” này được trang bị "đường truyền khủng" để thỏa mãn các game thủ, trong đó chủ yếu là sinh viên. Một số quán game còn phục vụ đầy đủ nhu cầu ăn uống, thuốc thang, ngủ nghỉ, thậm chí kiêm luôn việc cầm đồ, cho vay nặng lãi để game thủ có tiền cá độ thâu đêm suốt sáng và ngủ tại quán cả tuần, cả tháng cũng được".

Anh T. kể chúng tôi nghe góc khuất của những sinh viên ham cá độ game: "Chuyện sinh viên thua trắng túi là hết sức bình thường. Thậm chí, có sinh viên bán cả xe máy, laptop, điện thoại chỉ sau một ngày cá độ game...".

Khi con thi đỗ đại học, bố mẹ ở quê vẫn tin tưởng những đứa con ngoan của mình sẽ học hành chăm chỉ. Họ làm việc quần quật kiếm tiền gửi cho con ăn học. Nhiều gia đình nghèo còn bán cả thóc giống để có tiền đóng học phí cho con.

Sinh viên P.T. (trường đại học Giao thông Vận tải Hà Nội) đã thi đỗ vào trường với số điểm rất cao. Sau một năm sống tại ký túc xá, bạn bè dạy chơi Võ lâm truyền kỳ, cậu đam mê và "nghiện" lúc nào không hay. P.T. có thể chơi thâu đêm suốt sáng đến cả tuần chỉ với mấy gói mì tôm cầm hơi. Bố mẹ gửi tiền lên, cậu lại đem nạp tài khoản game. Vài tháng sau, P.T. lấy lý do là ký túc xá ồn không học được, đòi bố mẹ cho ra ngoài ở trọ để tiện cho việc học hành, thực chất là để có nhiều thời gian "cày" game hơn. Cậu bỏ tiết, bỏ cả buổi, cả tuần, rồi cậu bỏ cả thi. Khi nhận được giấy báo buộc thôi học nhà trường gửi về nhà, mọi người mới tá hoả…  

Thế Hoàng

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.