Chỉ với thiết bị đơn giản, các bạn trẻ tự hoàn thiện kỹ năng truyền hình qua những lần đi thực tế thế này - Ảnh: T.V.E. |
Một “kênh truyền hình đường phố” vừa được nhóm sinh viên năm 3 khoa báo chí và truyền thông ĐH KHXH&NV TP.HCM cho ra đời.
Ở kênh truyền hình này, không gian, nhân vật, người dẫn chương trình hoàn toàn... ngoài đường phố với tên gọi Tiếng Nói Việt.
Nhớ lại ý tưởng thành lập dự án, bạn Vũ Trường Chinh - sinh viên khoa báo chí và truyền thông - cho biết: “Trong một tiết học môn phỏng vấn báo chí, thầy trưởng khoa có nói hiện nay tại VN vẫn chưa có ai thành công với Vox pop - một hình thức phỏng vấn đường phố với bất kỳ ai và bất kỳ chủ đề gì. Ra về, mình và nhóm bạn đã thảo luận vấn đề này, có bạn còn ước mơ trở thành người đầu tiên thành công với Vox pop ở nước ta. Chính từ những gợi ý đó, bọn mình đã xây dựng một dự án để thực hiện những mong muốn ấy”.
Bước đầu thành lập, Tiếng Nói Việt có tám thành viên cũng chính là tám người bạn chơi chung với nhau. Do chưa có nhiều kinh nghiệm, các thành viên Tiếng Nói Việt gặp nhiều khó khăn lúc ban đầu. “Bọn mình mất rất nhiều thời gian trong khâu xử lý, biên tập. Ngoài ra các công việc như truyền thông, xây dựng thương hiệu, website... tất cả đều phải tự tìm hiểu, trau dồi...” - bạn Trang Thị Hồng Thúy cho biết.
Các sự kiện văn hóa-xã hội nổi bật trong tuần, những vấn đề nóng có sự quan tâm cao của xã hội, nhất là giới trẻ sẽ được Tiếng Nói Việt đưa vào tầm ngắm. Sau hơn hai tháng thành lập, Tiếng Nói Việt đã cho ra đời hơn chín sản phẩm phát trên Facebook (http://www.facebook.com/vietvoices) và YouTube (http://www.youtube.com/user/vietvoices).
Chỉ với chiếc máy ảnh du lịch có chức năng quay phim và chiếc điện thoại có khả năng ghi âm, các thành viên Tiếng Nói Việt đã đi khắp TP.HCM phỏng vấn bất kỳ ai liên quan đến chủ đề nhóm thực hiện. Có người thẳng thắn bày tỏ những ý kiến tâm huyết, nhưng cũng có người e ngại trước máy quay nên không trả lời. Đôi lúc trong quá trình tác nghiệp, các nhà báo nghiệp dư còn phải đối mặt với tình huống bị quát nạt, xua đuổi...
Xong khâu thu nhận ý kiến, nhóm sinh viên hẹn gặp nhau ở trường để tổng hợp thông tin, tiến hành xử lý hậu kỳ. Sản phẩm hoàn thành cũng là lúc trời sập tối, các thành viên chia tay nhau về và mỗi người tiếp tục tiếp thị cho chương trình theo cách của mình...
“Dù khá vất vả vì vừa học vừa làm, nhưng các thành viên đều cố gắng hoàn thiện sản phẩm kịp khung giờ phát sóng chương trình như đã hứa với khán giả trên Facebook!” - bạn Nguyễn Đức Huy cho biết.
Trong giai đoạn sắp tới, các thành viên Tiếng Nói Việt cho biết sẽ sản xuất nhiều chương trình đối thoại, truyền hình thực tế với không gian đường phố sinh động hơn và cho ra đời website www.tiengnoiviet.com.
Theo Tuổi trẻ