Cái ‘tôi’ của thế hệ trẻ luôn được ví là ‘linh hồn’ của tổ quốc, là mùa xuân của đất nước. Tuổi trẻ với khát khao, đam mê và tài năng có thể làm được tất cả những điều không tưởng. Tuy nhiên, hiện nay có một hiện trạng là thanh niên Việt Nam lại nằm trong nhóm… yếu thế (7 nhóm yếu thế trong xã hội bao gồm: người khuyết tật, người có HIV, người đồng tính - song tính - chuyển giới, công nhân di cư, phụ nữ thanh niên, người dân tộc thiểu số).
Tại hội thảo 'Siêu thủ lĩnh – chiến thắng cái ‘tôi’ sợ hãi’ nằm trong chương trình ‘Tôi 2.0’ diễn ra tại đại học Kinh tế Quốc dân, GS.TS Phạm Quang Trung – phó hiệu trưởng trường ĐH Kinh tế quốc dân đã chia sẻ: ‘Trong mỗi con người chúng ta là một vũ trụ thu nhỏ về tâm lý, sinh lý, con người,…. Tất cả đều có chung những nỗi sợ hãi. Là một sinh viên, chúng ta nên tham gia vào khóa học về ‘kỹ năng phát biểu trước công chúng’ như chính bản thân tôi đang áp dụng cho các bạn. Sợ hãi chính là một trong những điểm yếu khá điển hình của nhiều người nhất là người Việt Nam chúng ta. Chính vì vậy, ‘Tôi 2.0’- Phiên bản mới của cái ‘tôi’ giúp cho các bạn sinh viên có thêm cơ hội để suy ngẫm và khám phá chính bản thân mình’ - Ông Phạm Quang Trung nhấn mạnh.
Đồng hành cùng ‘Siêu thủ lĩnh – chiến thắng cái ‘tôi’ sợ hãi’, các vị khách mời cũng đã có những chia sẻ về chính những vấn đề: ước mơ, niềm tin, sợ hãi… xuất hiện trong cuộc sống. Và quan trọng hơn cả là sinh viên phải có niềm khao khát sáng tạo ra giá trị công việc để trở thành niềm vui, phát triển cho bản thân, đóng góp cho cộng đồng, xã hội.
GS.TS Phạm Quang Trung- phó hiệu trưởng trường ĐH Kinh tế quốc dân.
‘Tôi cũng như các bạn, một thời đã từng là sinh viên. Điều tôi sợ nhất là không có bạn bè, sợ những điều bạn bè biết mà mình lại không hay biết. Bạn bè bình luận cái này hay chê bai cái kia, không vừa mắt mọi người. Lúc đó, sự ‘sợ hãi’ trong con người sẽ mãi mãi ở tầng thấp, thông qua những định kiến của mọi người. Nhưng nếu nỗi sợ hãi đó được chúng ta nhốt vào trong một cái hộp, nếu chúng ta không bỏ qua được nỗi sợ hãi, chúng ta sẽ chỉ là co cụm trong một ốc đảo’ - anh Hoàng Anh Tú (tức anh Chánh Văn – Báo Hoa học trò) tâm sự.
Trong khí đó, anh Trần Quang Kiên, trưởng phòng nghiên cứu & phát triển – Công ty CP Vật Giá Việt Nam, lại có những chia sẻ dí dỏm đến với sinh viên bằng câu chuyện từ chính bản thân của mình.
Anh kể: ‘Hồi còn nhỏ, mình rất nghiện chơi game, mê game và chơi nhiều, lâu dần trở thành người chơi game tài giỏi vượt trội so với các bạn cùng trang lứa. Ban đầu chơi game theo nhóm nhỏ và lẻ, dần dà nghiện game đến nỗi những đồ đạc trong nhà lũ lượt đội nón ra đi. Và ngay cả đến sổ đỏ của gia đình cũng mang cầm cố được năm trăm nghìn (500.000 đồng). Mẹ lắc đầu và cảm thấy bất lực trước con trai mình khi không giáo dục được con . Nhưng bố thì ngược lại, an ủi con ‘có tướng làm việc lớn’.
Tôi những tưởng sẽ lạc đường nghiện game trong cả cuộc đời, cho đến ngày cận kề thi đại Học - ngưỡng cửa của cuộc đời thì tôi mới bừng tỉnh. Lúc đó, mình chỉ nghĩ ‘đã trót đăng ký thi thì phải thi trường lớn trượt cho bõ’ nhưng hạnh phúc đến bất ngờ khi tôi vừa vặn số điểm đậu vào trường đại học Ngoại Thương. Đến giờ tôi vẫn còn nhớ cảm xúc lúc bấy giờ' - anh Kiên bày tỏ.
Kể ra những câu chuyện như trên, các chuyên gia, các vị khách mời muốn nhắn nhủ một điều rằng: thế hệ sinh viên- tương lai của đât nước hãy sống với niềm tin của chính mình và có những suy nghĩ, mở rộng tầm mắt để chèo lái con thuyền tương lai đi đúng hướng để vươn tới thành công.
Kiều Oanh