Những công việc khó nói
Chúng tôi đến khoa hồi sức cấp cứu bệnh viện Việt Đức, một ngày nắng nóng. Đằng sau mỗi cánh cửa phòng trong khoa là những bệnh nhân với băng trắng quấn quanh đầu, quanh người với ống, bình thở, dây dẫn. Xen lẫn các bệnh nhân nằm bất động ở đó, những người chăm sóc bệnh nhân hí húi dọn dẹp, thay túi đựng nước tiểu.
Có lẽ, những hình ảnh này chẳng có gì là lạ ở đây. Nhưng điều khiến tôi phải chú ý là trong hàng chục ô sin bệnh viện đó, có một người còn rất trẻ với khuôn mặt thanh tú, dễ thương cũng xăm xắn phục vụ một bệnh nhân nam khoảng 30 tuổi đang nằm bất động.
Ảnh minh họa.
Sau khi tất tả phụ các bác sỹ kiểm tra sức khỏe, sát trùng vết mổ, cô gái đó mới có ít phút thảnh thơi ngồi trầm ngâm ngoài hành lang bệnh viện. Lân la làm quen, tôi biết, cô gái tên Mơ (quê Lục Ngạn, Bắc Giang). Mơ chia sẻ, cô là sinh viên một trường cao đẳng Y tại Hà Nội.
Trong dịp vào thực tập ở bệnh viện Việt Đức, cô đã được vị bác sỹ giới thiệu chăm sóc bệnh nhân nam tên Đ., 29 tuổi, quê ở Quảng Ninh. Anh Đ. là cán bộ tại Quảng Ninh. Trong lần đi làm về, anh bị tai nạn giao thông, vỡ hộp sọ. Trong quá trình điều trị tại bệnh viện tỉnh, anh không may bị nhiễm khuẩn dẫn đến phù não, hôn mê sâu.
Bản thân Mơ đã chăm sóc bệnh nhân này được gần một năm và cô cũng không nhớ được đã bao nhiêu lần, cô cùng với gia đình bệnh nhân đưa anh Đ. vào bệnh viện kiểm tra. Có lẽ với các gia đình khác, bệnh nhân này chắc chắn đã không thể sống qua 3 tháng vì số tiền để duy trì sự sống quá lớn.
Ngày anh Đ. bị tai nạn giao thông phải phẫu thuật, sau đó bị nhiễm khuẩn, cũng là những ngày bắt đầu tàn lụi của cả nhà anh. Số tiền bán hai căn nhà (vài tỷ đồng) chỉ đủ để gia đình anh Đ. mỗi ngày nhìn thấy con họ nằm trên giường bệnh một cách vô hồn.
Mơ bảo, cô không thể nghĩ được việc đầu tiên mình đi làm lại là chăm sóc một bệnh nhân sống thực vật. Đặc biệt, cô vẫn đang đi học và chưa có gia đình. Những công việc khó nói phục vụ riêng cho một người đàn ông cô chưa từng nghĩ tới và càng chưa biết, nó khiến cô ngại ngùng.
Nhưng sau tất cả ngại ngùng e thẹn đó, số tiền 5 triệu đồng một tháng cho nửa ngày làm việc đủ để Mơ trang trải tiền nhà hàng tháng, tiền ăn, tiền học và tiền hỗ trợ đứa em ôn thi đại học. Nó khiến cô quên hết sự e thẹn, vất vả của công việc đặc biệt này.
Những trải nghiệm đặc biệt
Không giấu nổi sự thương cảm của mình với các trường hợp mà cô từng gặp, Mơ tâm sự: "Hầu hết các bệnh nhân điều trị tại khoa Hồi sức cấp cứu của bệnh viện Việt Đức đều là các trường hợp bị tai nạn giao thông, chấn thương sọ não ở mức độ nặng. Người nhà của họ thì tâm niệm "còn nước còn tát" nhưng những người thân của họ cũng không lường trước được thực tế sự sống còn đáng sợ hơn cái chết.
Những bệnh nhân này sau phẫu thuật bị rơi vào trạng thái hôn mê sâu, sống thực vật. Tôi là người chăm sóc bệnh nhân rơi vào hoàn cảnh này, tôi hiểu rõ nỗi đau của chính những người thân họ sau khi bán gia sản, đổ hàng tỷ vào các ca phẫu thuật. Ca mổ thành công, nhưng rồi cuộc sống của người bệnh sẽ ra sao? Có bệnh nhân sau mổ về nhà và chết, có bệnh nhân sống đời sống thực vật trong một thời gian dài kéo theo sự mệt mỏi của những người thân trong gia đình.
Bệnh nhân nằm liệt tại giường đã khổ, người nhà bệnh nhân còn buồn khổ hơn vì họ không thể bỏ người thân nằm đó để đi làm ăn và đương nhiên nhiều gia đình đã khánh kiệt. Nhưng vẫn không thể giúp người thân họ trở lại bình thường".
Chăm sóc bệnh nhân rơi vào trạng thái thực vật là điều không đơn giản. (Ảnh minh họa).
Những sinh viên đi làm ô sin bệnh viện mà tôi gặp đều có điểm chung là do kinh tế khó khăn muốn đỡ đần gia đình, tự lo tiền học hành tại Thủ đô. Lương của họ còn hơn rất nhiều sinh viên mới ra trường đi làm. Nhưng, hầu hết, họ đều giấu bố mẹ khi nhận chăm sóc cho bệnh nhân nặng ở các bệnh viện.
Nguyễn Hoài Thương, cô gái mà tôi gặp tại bệnh viện Việt Xô trong một lần đi thăm người bạn cấp cứu tại đây cũng vậy. Cô sinh viên cao đẳng Y năm thứ hai, quê Giao Thủy (Nam Định) chia sẻ, gia đình thuộc diện hộ nghèo của xã. Bố cô mắc bệnh thần kinh gần như không thể làm gì, mẹ là trụ cột gia đình.
Công việc chính của bà là đi gánh gạch thuê cho các lò gạch thủ công. Từ ngày mẹ bị bệnh cột sống nằm trên giường cả tháng thì gia đình gần như không có thu nhập, Thương cũng không thể có tiền trang trải học hành.
Được sự giới thiệu của một bác sỹ ở bệnh viện, Thương bén duyên với nghề ô sin bệnh viện. "Khách hàng" đầu tiên của Thương là một bệnh nhân nam bị tai nạn giao thông ở (Cầu Giấy, Hà Nội). Lần đầu tiên chăm sóc một bệnh nhân, lại là nam giới, Thương không khỏi bỡ ngỡ.
Thương kể lại rằng, chăm sóc anh ấy cũng đơn giản vì ở quê đã có một thời gian mình chăm sóc mẹ nằm liệt giường. Chỉ có duy nhất một vấn đề tế nhị là khi giúp bệnh nhân... thay ống tiểu. Nói đến đây, cô vẫn không khỏi ngượng ngùng, khuôn mặt đỏ lựng lên.
Thương bảo, ban đầu cô cũng chỉ xác định là đi làm thêm việc như tắm bé tại nhà hoặc đi trông các bệnh nhân đang điều trị tại bệnh viện. Chứ không nghĩ sẽ chăm sóc những người nằm bất động, toàn thân chằng chịt các vết mổ như bệnh nhân bị tai nạn giao thông dẫn đến hôn mê sâu. Nhưng những lần đi tắm bé, cô thường bị các nhân viên ở khoa sản "cắt đầu cắt đuôi", thu nhập còn lại chẳng được là bao.
"Cực chẳng đã mới phải đi làm cái nghề hầu hạ người khác, nhất lại là hầu hạ cho những người sống thực vật. Nhưng nghĩ đến sự khổ cực của mình có thể giúp mẹ bớt hàng hàng tạ gạch trên vai, tôi lại thấy công việc của mình vẫn còn nhàn hạ hơn nhiều", Thương nghẹ ngào tâm sự. Làm nhiều, cô nghiệm ra "việc mình làm cũng là một cách làm phúc. Giúp mình và cũng là giúp người".
Vất vả, cực nhọc, nhưng với những ô sin đặc biệt như Mơ, Thương có những khoảnh khắc chăm sóc bệnh nhân khiến họ không khỏi bật khóc. Mơ tâm sự, ngày ngày, một mình cô lau người, thay đồ cho bệnh nhân. Buổi đầu tiên, khi cô đến nhà, mẹ của người bệnh còn đứng theo dõi từng hành động của cô làm trên cơ thể con trai bà. Lúc đó, cô vừa run vừa ngượng. Cô cũng chẳng biết điều gì khiến cô có thể chăm sóc cho bệnh nhân nam này gần 1 năm qua.
Cô nghĩ, điều may mắn nhất của cô so với người khác là gặp được một gia đình khá tốt bụng. Sau giờ đi học, cô đến làm và được ra về lúc 9h tối. Nhà chủ cũng không trừ của cô một đồng tiền lương. Thậm chí thi thoảng, gia đình họ rảnh rỗi còn cho Mơ nghỉ vài ngày về thăm nhà.
Bật khóc vì thấy bệnh nhân… khóc Đến giờ Mơ vẫn nhớ như in một buổi sáng sớm vào đầu tháng 3, khi cô đến và mở đĩa nhạc mà mẹ bệnh nhân nói anh thường nghe lúc chưa bị tai nạn. Khi đĩa nhạc chạy đến bản nhạc "Secret Garden", ở khóe mắt của bệnh nhân có giọt nước mắt. Cô không rõ là do những vết thương trên người, các lớp da bị phồng rộp hay bản nhạc khiến bệnh nhân rơi nước mắt. "Lúc đó, tôi gào thất thanh gọi mẹ bệnh nhân vào. Lúc đó, bà còn khóc nhiều hơn đứa con. Người mẹ đó vẫn hy vọng một ngày con bà sẽ tỉnh và lại có thể nói chuyện với bà như ngày nào. Nhìn cảnh tượng đó, tôi đã bật khóc. Học y, tôi cũng hiểu, cơ may để người thanh niên này khỏi bệnh là gần như không có. Nhưng tôi vẫn mong một phép màu sẽ xảy ra". Dù được gia đình bệnh nhân trả lương cao, quan tâm và coi như con cái trong nhà, nhưng Mơ vẫn bảo, cô sẽ nghỉ việc khi tốt nghiệp vì cô không thể chịu nổi mỗi lần nhìn thấy người yêu của chàng thanh niên, mẹ bệnh nhân, chị gái, cả nhà họ ngồi quanh giường bệnh mà tim cô đau nhói... |
Hoàng Mai