Cụ thể, trên website chính thức của trường, đại học Bách khoa, đại học Quốc gia TP.Hồ Chí Minh đã đăng tải dự thảo nội quy học đường để lấy ý kiến (đến trước ngày 14/6) về việc sinh viên không được mang giày cao gót, hạn chế mặc quần jeans,… Dự thảo này đang nhận nhiều luồng ý kiến trái chiều từ học sinh, sinh viên.
Ngay sau khi dự thảo này được đưa ra, rất nhiều sinh viên đã lên tiếng phản đối những điều khoản này và cho rằng trường cần lắng nghe sinh viên để có những điều chỉnh phù hợp.
Không chỉ phản đối về việc mang giày cao gót, nhiều học sinh, sinh viên cho rằng quy định cấm quần jeans là một quy định không hợp lý và thể hiện sự cứng nhắc.
Sắp bước vào ngưỡng của đại học, bạn Nguyễn Hồng Ngọc, một học sinh lớp 12 không hiểu vì sao lại có quy định cấm trang phục như vậy đối với sinh viên: “Theo em, quần jeans đang là một loại trang phục phổ biến, và được ưa chuộng vì rất dễ mặc, mọi lứa tuổi đều có thể sử dụng, mà hầu như không gây phản cảm. Nói vui chứ, nếu trường thực sự áp dụng quy định này, có thể nhiều nữ sinh lớp 12 không muốn thi vào trường nữa chỉ vì quy định”.
Đồng tình với quan điểm trên, bạn Lê Minh Tú, sinh viên trường đại học Luật TP.Hồ Chí Minh cũng cho rằng: “Mỗi người một phong cách, mình thấy quy định của nhà trường đưa ra là quá cứng nhắc. Sinh viên có thể diện bất kỳ trang phục nào, miễn sao lịch sự là được, và sinh viên cũng có đủ khả năng để cân nhắc trang phục, không nhất thiết phải quy định rõ hạn chế trang phục nào, gây mất tinh thần cho sinh viên”.
Bạn Trần Thị Minh Thúy, sinh viên năm cuối đại học Lao động xã hội bày tỏ: “Theo tôi, việc nữ sinh đi giày cao gót hay không là thuộc về sở thích cá nhân, miễn sao không để ảnh hưởng đến việc học tập là được. Từ 18 tuổi, khi bước vào cánh cổng đại học, nữ sinh nào chẳng muốn mình đẹp hơn, điệu hơn trong mắt mọi người, và việc đi giày cao gót không có gì gây phản cảm hay không đúng với thuần phong mỹ tục để trường phải đưa ra quy định cấm”.
Với tư cách là giảng viên một trường cao đẳng, cô Cao Thị Hoàn cho hay: “Việc các nữ sinh mặc quần jeans hay đi dép cao gót không phải là những trang phục không phù hợp trong môi trường giảng đường đại học. Các em nên được mặc theo phong cách, cá tính riêng, miễn sao giữ được lịch sự và không gây phản cảm. Nếu nhà trường can thiệp quá nhiều vào trang phục, sinh viên sẽ có cảm giác như mình còn là một đứa trẻ, mà hiện nay, ngay cả một đứa trẻ cũng đã muốn tự chọn quần áo cho mình”.
Trước những quy định được đưa ra trong dự thảo, ThS. Đỗ Nghiêm Thanh Phương, giảng viên khoa Công tác xã hội, trường đại học Sư phạm Hà Nội nhận định: “Mặc dù các trường đại học, cao đẳng có quyền xây dựng quy chế với những quy định riêng. Tuy nhiên, những quy định phải thực sự phù hợp với thực tế. Tôi thấy, sinh viên mặc quần jeans khá đẹp và cũng không thấy có gì bất lịch sự. Mà đó lại là loại trang phục dễ mặc, dễ phối hợp, bất cứ ai cũng có thể sử dụng. Hơn nữa, quần jeans cũng mang lại sự năng động cho người mặc. Nếu không cho sinh viên mặc thì qủa là một sự “áp đặt” quá cứng nhắc.
Tương tự, tôi thấy việc sinh viên đi giày cao gót cũng không có vấn đề gì, miễn sao đôi giày mà các bạn mang không mang theo hình ảnh gì phản cảm. Đã là sinh viên mà còn bị những quy định về trang phục gò bó thì sao có thể để các bạn ấy phát huy khả năng sáng tạo được nữa?”.
“Vì vậy, theo tôi, trường đại học Bách khoa, đại học Quốc gia TP.Hồ Chí Minh nên xem xét lại những quy định này, để đưa ra thật sự phù hợp với thực tế và không quá cứng nhắc”, ThS. Đỗ Nghiêm Thanh Phương khẳng định.
Theo dự thảo, trang phục thường ngày của sinh viên phải lịch sự, nghiêm chỉnh, không đi dép lê, quần lửng… vào khuôn viên trường. Đặc biệt với các nữ sinh, dự thảo này quy định rõ: “Không được mặc quần lửng, áo thun không cổ (ngoại trừ đồng phục thể dục và sự kiện do trường tổ chức), áo dây, áo sát nách, áo lửng, dép lê, dép cao gót. Hạn chế mặc quần chất liệu jean hoặc nhung”.
Quy định sinh viên không được mang giày cao gót đã được trường đại học Bách khoa TP.Hồ Chí Minh đưa vào nội quy từ năm 2008 và đến nay tiếp tục được đưa vào dự thảo của nội quy mới. Được biết, ngay từ lúc đặt ra, quy định này đã nhận nhiều ý kiến trái chiều, gây xôn xao từ cộng đồng sinh viên. Tuy nhiên, quy định này chưa phải chính thức và sẽ được điều chỉnh, bổ sung để phù hợp hơn với sinh viên.