Ít ai biết rằng, những chủ nhân của sáng kiến này chưa một lần trồng rau, cấy lúa hay làm các công việc nông nghiệp nhưng họ hiểu được khâu thiếu và yếu của người nông dân và nhất là nông dân người dân tộc.
Từ trồng rau sạch...
Những nỗi lo về an toàn vệ sinh rau quả hiện nay đã được giải tỏa ở đồng bào Mường Lương Sơn. Rau hữu cơ là loại rau siêu sạch, trong quá trình sản xuất không sử dụng bất kì một loại thuốc bảo vệ thực vật, chất hóa học hay các chất gây biến đổi gene.
Tuy nhiên, loại rau này lại chưa được người tiêu dùng biết đến do người nông dân trồng rau hữu cơ dân tộc Mường chưa biết cách tổ chức kinh doanh và tìm đầu ra cho sản phẩm của mình.
Vì thế, sinh viên trường Đại học Kinh tế quốc dân đã kết hợp cùng các giảng viên trường Cao đẳng Nông nghiệp nông thôn Bắc Bộ lập dự án ECOTASTE - dự án bổ trợ kĩ năng quản lí và kinh doanh cho các nhóm nông dân trồng rau hữu cơ, với đối tượng là các nông dân người Mường ở Lương Sơn, Hòa Bình.
Những học viên tham gia lớp học.
Theo anh Kiều Văn Hoàn - Đội trưởng SIFE (viết tắt của việc giúp nông dân quản lý, kinh doanh) chia sẻ: “Chúng tôi hy vọng bà con người Mường thấy hiệu quả của dự án, có thể rút kinh nghiệm và nhân rộng mô hình.
Mục đích của chúng tôi là mang lại cho nông dân những kinh nghiệm sản xuất, kinh nghiệm quản lý, đàm phán với doanh nghiệp và áp dụng khoa học kỹ thuật để nuôi trồng".
Đến quản lý sổ sách, đàm phán với doanh nghiệp
Dự án được thực hiện tại xã Thanh Xuân (Lương Sơn, Hòa Bình). Trước khi triển khai, các thành viên quản lý dự án phải xem xét danh sách của các hộ dân đăng ký. Với tiêu chí được đưa ra đó là các hộ nông dân người Mường có đất canh tác, thu nhập thấp và cam kết thực hiện dự án lâu dài, đã có 24 người đăng ký.
"Vì các hộ nông dân tham gia dự án chủ yếu thu nhập chỉ từ 500 ngàn đồng đến 1 triệu đồng/tháng, đặc biệt nhiều nông dân thậm chí còn chưa biết chữ và chưa biết tính toán thành thạo cộng trừ, nhân chia. Chính vì thế với mỗi nhóm, chúng tôi hướng dẫn họ cách chọn ra một người quản lý sổ sách, lập dự toán sản xuất, quản lý khâu đầu vào và đầu ra sản phẩm một cách khoa học và hiệu quả nhất", anh Hoàn chia sẻ.
Sau 4 tháng hoạt động, 6.000 m2 đất để trồng rau hữu cơ đã tạo điều kiện giúp đỡ cho 30 hộ nông dân có việc làm và thu nhập ổn định. Từ diện tích trồng rau hữu cơ ít ỏi trên, bà con đã biết nhân rộng lên 6 ha. Sản phẩm rau hữu cơ đã có mặt ở ngoài thị trường, đến các chợ trung tâm của tỉnh Hòa Bình, về các chợ đầu mối, 1 số siêu thị ở Hà Nội. Hiện, bà con đã có hệ thống 167 khách hàng thường xuyên, với tổng lượng rau tiêu thụ là 25 tấn.
Ngoài ra, mỗi tuần, bà con tổ chức 2 buổi thu hoạch rau mẫu, thu hút thêm 52 khách hàng ký hợp đồng mua rau thường xuyên và nhiều người nông dân ở các vùng lân cận đến tham quan, học cách trồng.
Hoàng Mai