Chia sẻ về lý do đến với cuộc thi Hùng biện tiếng Nhật toàn quốc Cup JLAN Test lần 3, Duy cho biết: “Đây là sân chơi lớn, giúp em trau dồi kiến thức, kỹ năng tiếng Nhật, đồng thời cũng là cơ hội để em kết nối, giao lưu, học hỏi từ các giảng viên bản địa và bạn bè trên khắp mọi miền đất nước…”.
Tham gia chung kết cuộc thi chung kết Hùng biện tiếng Nhật toàn quốc Cup JLAN Test lần 3, đại diện Trường ĐH Đại Nam là thí sinh duy nhất chọn môi trường làm chủ đề hùng biện. “Môi trường là những điều thiết yếu trong cuộc sống hàng ngày của con người, là đồ ăn, thức uống, không khí để hít thở... Tuy nhiên, môi trường đang bị ô nhiễm rất nghiêm trọng. Điều này đồng nghĩa, cuộc sống, sức khỏe, tính mạng và tương lai của con người đang bị đe dọa. Những người trẻ như em không thể đứng ngoài cuộc…” Duy nói về lý do chọn chủ đề hùng biện của bản thân.
Dù thời gian học tiếng Nhật chưa lâu, chương trình học tập, thực hành trên lớp khá dày đặc nhưng khi biết đến cuộc thi, Duy đã chủ động viết bài luận gửi về cho ban tổ chức. Kết thúc vòng sơ loại gắt gao, Nguyễn Quang Duy đã trở thành một trong 21 thí sinh xuất sắc nhất cả nước, đại diện cho Trường ĐH Đại Nam tham gia tranh tài trong cuộc thi chung kết ngày 24/3 vừa qua, tại Đà Nẵng.
Trong bài hùng biện, Duy không chỉ khắc họa bức tranh ô nhiễm môi trường toàn cảnh với ô nhiễm không khí, ô nhiễm tiếng ồn, ô nhiễm đất, ô nhiễm nguồn nước, ô nhiễm biển, vấn nạn chặt phá rừng, săn bắn… mà còn chỉ rõ những hậu quả khôn lường từ ô nhiễm môi trường với nền kinh tế, sức khỏe, tính mạng và tương lai của nhân loại.
“Nếu không kịp thời hành động và hành động thực sự quyết liệt, bạn sẽ không thể tiếp tục thở được với bầu khí quyển đầy khói, bụi và các chất độc hại. Mưa axit, hạn hán, lũ lụt, nắng nóng, cháy rừng, băng tan… sẽ tàn phá dần mọi nền kinh tế, là nguyên nhân của chiến tranh, đói nghèo và dịch bệnh trên toàn cầu”, Duy nhấn mạnh.
Không chỉ kêu gọi mọi người cùng chung tay hành động cứu môi trường, Duy còn đưa ra các giải pháp giúp bảo vệ môi trường sống, như: Tái sử dụng giấy để bảo vệ cây cối, hạn chế dùng nhựa đặc biệt là nhựa dùng một lần, từ chối sử dụng túi nilon nếu bắt buộc phải dùng thì nên thu gom dùng nhiều lần và mang đi tái chế, đồ cũ vẫn có thể sử dụng nên mang đi làm từ thiện, tiết kiệm điện năng bằng cách tắt hết các thiết bị điện trước khi ra khỏi nhà, không lãng phí nước, thay vì đi ô tô, xe máy nên đi xe đạp, đi bộ, đi tàu điện, trồng cây gây rừng, nói không với săn bắn và cần phải có luật giới hạn các loài động vật nghiêm cấm săn bắn…
“Mỗi người dân cần nâng cao trách nhiệm bảo vệ môi trường của mình. Các nhà chức trách cần có động thái kiên quyết hơn trong việc bảo vệ môi trường sống cho người dân. Bảo vệ môi trường cần được tiến hành bằng các giải pháp tổng thể, khoa học. Trái đất có trở lại xanh được không là do chính con người quyết định…”, Duy nhấn mạnh trong bài thuyết trình của mình.
Với chủ đề thời sự nóng bỏng cùng lập luận logic, cách diễn đạt trôi chảy, phần thi của Nguyễn Quang Duy nhận được sự cổ vũ, đánh giá cao của Ban Giám khảo.
Ông Hashino Nobuo – Chủ tịch Hiệp hội JLAN nhận xét: “Môi trường là vấn đề nóng của toàn cầu. Duy đã rất thông minh trong cách lựa chọn chủ đề thuyết trình. Cách lập luận, đưa vấn đề, giải quyết vấn đề cũng rất khéo léo và thuyết phục. Chắc chắn, nếu có thời gian luyện tập thêm về tiếng Nhật và không mất bình tĩnh, bài thuyết trình của Duy sẽ đạt giải cao…”.
Cuộc thi Hùng biện tiếng Nhật Cup JLAN Test lần 3 do Hiệp hội giáo dục tiếng Nhật dành cho các quốc gia không sử dụng chữ Hán – JLAN kết hợp với Trường ĐH Đại Nam và ĐH Đà Nẵng tổ chức. Cuộc thi là một trong những hoạt động thường niên của Hiệp hội JLAN nhằm hướng đến mục tiêu nâng cao khả năng tiếng Nhật, tạo dựng sân chơi trí tuệ, lành mạnh và bổ ích cho các bạn học sinh, sinh viên yêu thích tiếng Nhật có cơ hội giao lưu và học hỏi.
Tham gia cuộc chung kết năm nay, có 21 thí sinh đến từ các trường ĐH, CĐ chuyên và không chuyên tiếng Nhật trên toàn quốc. Trường ĐH Đại Nam giành giải Khuyến khích với chủ đề thuyết trình “Các phương pháp bảo vệ môi trường”.
Thu Hòe