Hết Tết, từng đoàn người nối nhau ra Thủ đô để tiếp tục với nỗi lo cơm, áo, gạo, tiền. Trên chiếc xe máy quen thuộc, ai cũng trở một “núi” đồ nào là bánh chưng, thịt lợn, rau…còn dư ngày Tết ra để ăn. Với những gia đình có tủ lạnh còn cất giữ được một khoảng thời gian dài, nhưng còn sinh viên thì họ không biết phải làm sao khi họ được bố mẹ trang bị cho cả “núi thức ăn”.
Nói chuyện với chúng tôi, Nguyễn Thị Loan (sinh viên năm 3 đại học Thương Mại) cho biết: “Năm nay nhà tôi ăn đụng lợn với hàng xóm, mổ con lợn tận 80kg. Vì thế, sau Tết còn rất nhiều thịt, giò nên mẹ tôi đã gói gém sẵn đồ để tôi mang đi ăn dần đỡ tiền mua thức ăn. Nhưng mẹ tôi đâu có biết, mang toàn đồ sống xuống tôi phải khổ sở vì khoản gửi thịt, gửi rau ở tủ lạnh nhà hàng xóm. Có phải cứ gửi là được đâu, nhà nào cũng đầy một tủ thức ăn rồi nên gửi cũng ngại”.
Theo lời chia sẻ của Loan, năm ngoái mẹ Loan cũng bắt Loan mang theo cả “siêu thị thức ăn”. Thức ăn đủ loại từ gà lợn cho đến rau củ quả... có khi đủ thức ăn cho cả tháng luôn. Nhưng, xuống đến Hà Nội, Loan vật vã mãi mới gửi được ít thịt vào tủ lạnh của chủ nhà. Số còn lại Loan nấu mặn lên để ăn dần nhưng chỉ được vài ba ngày đã bị ôi thiu phải bỏ đi.
Còn rau để đến cả tuần cũng không ăn hết nên đã héo, vàng hết. Khi mẹ Loan gọi điện hỏi về số thức ăn mẹ đã chuẩn bị trước đó Loan phải nói dối đã ăn gần hết. “Mẹ có hiểu được đâu, mỗi lần lên chủ nhà lấy thức ăn để nhờ là bà chủ nhà lại tỏ vẻ khó chịu, cứ nhòm ngó như sợ tôi sắp lấy mất gì trong tủ nhà bà ấy. Nếu như đồ khô mang đi còn để được lâu chứ thịt, giò, rau thì không thể nào để cả tháng trời được”, Loan tâm sự.
Cũng như Loan, Trần Dũng (Sinh viên năm 2 Cao đẳng Du Lịch) cũng tay xách nách mang đồ ở quê mà mẹ chuẩn bị cho để xuống trường học ăn dần. Dũng được mẹ gói cho bánh chưng, thịt lợn, thịt gà…và nhiều kẹo bánh, dù Dũng đã chổi đủ đường như mẹ Dũng vẫn bắt mang theo.
“Nhìn chiếc xe máy của tôi được chất đủ loại thức ăn của mẹ lên mà tôi đã thấy sợ rồi. Mẹ tôi chỉ lo con trai xuống trường sẽ không có đồ ăn nên trong tủ lạnh còn bao nhiêu đồ là bắt tôi mang đi bằng sạch. Khổ một nỗi, xuống Hà Nội phòng trọ thì bé, tủ lạnh không có, tôi phải mang đồ xuống tận nhà bạn cách chỗ tôi ở 2km để gửi thức ăn. Là con trai nên tôi cũng đâu biết nấu nướng nhiều, nên thịt chủ yếu cho vào luộc, rang ăn cơm. Vì có nhiều đồ nên mỗi bữa tôi phải nấu gấp 2 lần ngày thường thì mới hết được “siêu thị thức ăn” mà mẹ tôi chuẩn bị”, Dũng chia sẻ.
Vì quá nhiều thức ăn, nên thành ra một túi thịt gà Dũng đã để quên ở phòng, không kịp nấu hay mang đi gửi. Khi đi chơi cùng bạn 2 ngày về thì đã bốc mùi nên rán, chuột có cơ hội tấn công phòng của Dũng. Dũng bảo, không mang đồ ăn đi thì sợ mẹ giận, nhưng là sinh viên nên đồ đặc đâu có nhiều mà giữ đồ. Có lần Dũng phải gọi cả đám bạn thân đến ăn hộ vậy mà cũng cả tuần mới hết được. Năm nay Dũng lại loay hoay với “núi” thức ăn mà mẹ đã chuẩn bị cho.
Mai Thu