Sinh viên nghèo thắp sáng tình yêu biển đảo

Sinh viên nghèo thắp sáng tình yêu biển đảo

Thứ 7, 22/06/2013 08:06

Với số tiền tiết kiệm chắt chiu từ nguồn chi phí ít ỏi cha mẹ cho hàng tháng, hai cậu sinh viên nghèo đã lên đường vào miền Trung để thu thập tài liệu phục vụ cho đề tài khoa học về biển, đảo Việt Nam.

Hành trình vào đất cảng

Cao Huy Hiệp và Nguyễn Bá Phúc (sinh viên K54, khoa Chính trị, trường ĐH Khoa học Xã hội & Nhân văn, ĐH Quốc gia Hà Nội) vốn là hai cậu sinh viên nghèo nhưng rất đam mê nghiên cứu khoa học. Trong một lần nói chuyện, hai sinh viên nảy ra ý định nghiên cứu một đề tài khoa học liên quan đến biển đảo.

Theo đó, cả hai sẽ tìm căn cứ khẳng định chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa; điều tra xã hội học trong lớp trẻ ở khắp ba miền xem thực trạng nhận thức của các bạn trẻ về Hoàng Sa, Trường Sa ra sao, rồi trên cơ sở đó có những kiến giải các biện pháp giáo dục. Để có được kinh phí cho đề tài của mình, hai sinh viên này quyết định bỏ lợn tiết kiệm, tích góp từng đồng lẻ trong số tiền cha mẹ cho để chi tiêu hàng tháng.

Cuối cùng, số tiền dành dụm cũng được bốn triệu đồng. Hai cậu khăn gói lên đường vào Đà Nẵng để điều tra xã hội học. Trong chuyến đi của mình, cả hai đã gặp nhiều câu chuyện xúc động và bất ngờ.

Xã hội - Sinh viên nghèo thắp sáng tình yêu biển đảo

Cao Huy Hiệp và Nguyễn Bá Phúc (áo kẻ) vinh dự được nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan trao giải đặc biệt

Nhớ lại kỷ niệm khi đặt chân đến mảnh đất xa xôi, Nguyễn Bá Phúc (quê ở huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh) hào hứng kể lại cho chúng tôi: Lần ấy, sau chuyến tàu từ Hà Nội vào, hai chàng sinh viên nghèo không khỏi ngỡ ngàng trước vẻ hoa lệ của thành phố du lịch nổi tiếng này. Phúc và Hiệp lo lắng, liệu số tiền ít ỏi trong túi có đủ để cho cả hai trang trải những ngày sống ở đất cảng và thực hiện cuộc khảo sát của mình?

Khó khăn chồng chất khó khăn khi ở mảnh đất xa lạ này, hai em không có đủ tiền để ở những nhà nghỉ, phòng ốc xa hoa. Một sáng kiến nảy ra, Phúc và Hiệp quyết định tìm cách đi đến đâu thì xin ngủ nhờ ở đó.

Thật may mắn, đi đến đâu, hai em cũng được những con người miền Trung nồng hậu giúp đỡ. Đặc biệt là khi cả hai đề cập đến mục đích chuyến đi và ý nghĩa của đề tài về biển, đảo Việt Nam. Có lẽ tình yêu biển đảo, niềm tự hào về vùng trời của Tổ quốc luôn rực cháy trong tâm thức người dân  và khi có dịp, nó lại bùng cháy và cố kết cộng đồng lại với nhau.

Công trình của Phúc và Hiệp đã đạt được sự ủng hộ và nhiều giải thưởng cao quý. Hai chàng sinh viên nghèo vinh dự được nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan trực tiếp trao tặng bằng khen và giải thưởng đặc biệt của Chương trình hỗ trợ nghiên cứu Biển Đông do học viện Ngoại giao tổ chức. Tác phẩm viết về Nguyễn Bá Phúc và Cao Huy Hiệp cùng công trình nghiên cứu của mình còn vinh dự được nhận giải thưởng Những tấm gương bình dị mà cao quý do báo Quân đội Nhân dân hối hợp với vụ Báo chí Xuất bản, ban Tuyên giáo Trung ương và NXB Quân đội nhân dân tổ chức. 

Phúc vẫn nhớ như in hình ảnh bác xe ôm với làn da rám nắng, tận tình chỉ cho các em từng đường đi, lối lại. Để tiết kiệm tiền cho hai cậu sinh viên nghèo, bác không quên dặn dò: "Đoạn nào không có xe buýt mới được gọi tui. Đoạn nào có xe buýt thì đi cho đỡ tiền nghe không!".

Phúc cũng không quên được chị y tá trường cao đẳng Thương mại và Tài chính Đà Nẵng. Khi biết Phúc và Hiệp lặn lội từ Hà Nội vào nghiên cứu khoa học, chị không ngần ngại cho mượn phòng trực để ngủ trưa. Không những thế, khi đến các ngôi trường trên địa bàn thành phố để khảo sát, Phúc và Hiệp còn liên tiếp nhận được những lời động viên, khen ngợi. Ban giám hiệu trường cao đẳng Bách khoa Đà Nẵng sẵn lòng tạo điều kiện cho hai bạn gặp gỡ sinh viên…

Kể về những ngày lang thang đi khảo sát ở Đà Nẵng, Cao Huy Hiệp cho hay: "Trước khi triển khai đề tài, chúng em dự định khảo sát tại nhiều tỉnh thành, với nhiều đối tượng. Tuy nhiên vì không có tiền, hoàn cảnh gia đình cũng khó khăn nên bọn em chỉ đi vào đến Đà Nẵng. Biết tin bọn em vào đấy, cha mẹ cũng không hưởng ứng nhiệt tình lắm vì không thể hỗ trợ gì về kinh tế.

Nhưng khi nghe bọn em thuyết phục, đặc biệt là khi nghe em say sưa nói về biển, bố mẹ em cũng gật đầu đồng ý. Những ngày vào đây, bọn em ăn uống kham khổ lắm. Thi thoảng thì ăn suất cơm bình dân, còn lại thường tiết kiệm bằng cách ăn bánh mỳ cho qua bữa. Về đến Hà Nội, hai thằng chỉ còn đủ tiền bắt xe buýt về phòng trọ. Mệt, vất vả, nhưng vui và nhiều kỉ niệm chị ạ. Bọn em có thêm nhiều người bạn, học hỏi được nhiều điều và có những dẫn chứng thực tế cho đề tài của mình.

Và hơn tất cả, em thấy, ở bất cứ đâu trên Tổ quốc mình, mọi người cũng đều yêu quê hương, yêu biển, đảo và luôn muốn bảo vệ chủ quyền của dân tộc mình. Chỉ có điều, tình yêu ấy chưa được thể hiện hết hoặc thể hiện một cách âm thầm và lặng lẽ”.

Nói thêm về đối tượng khảo sát, Phúc chia sẻ: Bọn em chọn hai đối tượng là sinh viên (người thường xuyên tiếp xúc với các nguồn thông tin) và người lao động trong độ tuổi thanh niên. Lý do khiến các em chọn hai đối tượng ấy là để xem giữa đối tượng có trình độ thấp và đối tượng có trình độ học vấn khoảng cách sự hiểu biết về biển đảo sẽ  chênh lệch như thế nào. Thường ngày hai đứa hay khắc khẩu lắm, nhưng đến khi làm việc, hai đứa lại rất ăn ý và có nhiều sáng kiến thú vị.

Xã hội - Sinh viên nghèo thắp sáng tình yêu biển đảo (Hình 2).

Phúc đang hướng dẫn các bạn sinh viên trả lời phiếu khảo sát

Góp thêm tiếng nói về tình yêu biển, đảo của giới trẻ

Trong báo cáo khoa học của mình, Hiệp phụ trách phần tìm hiểu lịch sử, căn cứ pháp lý Hoàng Sa, Trường Sa; Phúc phản ánh phần thực trạng. Chúng tôi đặc biệt ấn tượng với những câu hỏi như: "Theo bạn, Việt Nam đã khẳng định chủ quyền quốc gia trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa từ khi nào?"; "Bạn hãy kể tên những quốc gia và vùng lãnh thổ có tranh chấp chủ quyền với Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa?"; "Ý nghĩ chợt xuất hiện trong đầu khi bạn nghe tới các cụm từ Hoàng Sa, Trường Sa?"; "Bạn biết gì về Công ước Luật Biển của Liên hợp quốc năm 1982?"; "Bạn biết thông tin về Hoàng Sa và Trường Sa thông qua kênh thông tin nào là chủ yếu?"; "Bạn đánh giá thế nào về những phản ứng của Nhà nước ta trước những hành động xâm phạm chủ quyền lãnh thổ quốc gia trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa?"; "Bạn nghĩ thế nào về việc đưa nội dung về Hoàng Sa và Trường Sa vào giảng dạy ở các bậc học?"…

Dựa trên những cứ liệu thu được, Phúc và Hiệp đã đề ra những giải pháp vô cùng thiết thực. Theo báo cáo các em đã trình bày, cần sớm xây dựng và đưa chương trình giáo dục nhận thức về chủ quyền biển, đảo, đặc biệt là về hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa vào chương trình đào tạo ở các bậc học, từ tiểu học cho đến đại học. Ở mỗi cấp học sẽ giáo dục với một mức độ khác nhau, nâng dần nhận thức lên theo mỗi lứa tuổi...

Nguyễn Bá Phúc tâm sự: “ Việc làm của chúng em tuy rất nhỏ bé nhưng em cũng mong mình có thể đóng góp được phần nào tiếng nói của giới trẻ về chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của đất nước ta”.                             

Phạm Hạnh

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.