Sinh viên nhốn nháo đi “săn” chứng chỉ giả

Sinh viên nhốn nháo đi “săn” chứng chỉ giả

Thứ 5, 27/12/2012 23:53

Khi các trường ĐH, CĐ sắp bước vào đợt xét tốt nghiệp thì cũng là lúc “chợ” chứng chỉ tiếng Anh giả tại TP. HCM hoạt động nhộn nhịp.

Hơn một tuần nay, hàng trăm sinh viên năm cuối các trường ĐH KHXH&NV TP. HCM, ĐH Luật TP. HCM, ĐH Ngân hàng, CĐ Công nghệ Thủ Đức... đang nhốn nháo tìm mua chứng chỉ tiếng Anh B, TOEIC... . Huỳnh V. T., sinh viên năm cuối trường ĐH KHXH&NV TP.HCM, cho biết, trường anh chuẩn bị xét tốt nghiệp nửa tháng qua đang sục sạo các đường dây mua bán chứng chỉ tiếng Anh trình B trên mạng nhưng vẫn chưa thống nhất được giá.

Nghe/Xem - Sinh viên nhốn nháo đi “săn” chứng chỉ giả

Một đối tượng làm chứng chỉ giả vừa bị công an TP.HCM bắt giữ

Lêm google gõ cụm từ “mua chứng chỉ tiếng Anh” lập tức xuất hiện hàng triệu kết quả. Truy cập vào các trang web muabanrao...org; vietf....com...hàng trăm lời rao nhận làm chứng chỉ công khai như: Làm bằng giá rẻ - không cần đặt cọc, “Lam chứng chỉ giá rẻ có ngay trong ngày giống thật 100%. Chúng tôi liên hệ với một người tên H. một “cò” môi giới chứng chỉ trên mang, người này nói ngay: “Chứng chỉ đảm bảo thật 100%, có phôi gốc. Làm xong, gặp trực tiếp rồi mới lấy tiền”.

Để tường tận dịch vụ mua bán chứng chỉ tiếng Anh, chúng tôi tìm đến những khu vực gần các trường ĐH. Đây được xem là điểm nóng mua bán chứng chỉ tiếng Anh giả. Sau một hồi hỏi chuyện với các sinh viên ĐHQG TP.HCM (Q. Thủ Đức), chúng tôi được Đ. một sinh viên giới thiệu có người quen chuyên làm chứng chỉ. Đ. yêu cầu chúng tôi phải trả 100 ngàn đồng mới dẫn đi gặp người quen đó. Sau khi nhận tiền, Đ. đưa chúng tôi đến một quán nhậu nằm gần trường ĐH KHXH&NV TP.HCM. Khoảng 15 phút sau, xuất hiện một phụ nữ chừng 30 tuổi, ăn mặc khá lịch sự bước đến. Cô giới thiệu tên Vy, là người chuyên cung cấp đủ các chứng chỉ. Sau vài phút thăm dò, Vy lấy từ trong cặp ra một xấp các mẫu chứng chỉ tiếng Anh có sẵn con dấu đỏ và chữ ký của hiệu trưởng các trường ĐH KHXH&NV TP.HCM, ĐH Kinh tế - Luật TP.HCM, ĐH Giao Thông Vận Tải TP.HCM.. Điều làm chúng tôi không khỏi bất ngờ là trong sắp các mẫu chứng chỉ có hơn chục trường ĐH của các tỉnh phía Bắc.

Chúng tôi đặt vấn đề muốn làm chứng chỉ trình B môn Anh văn, Vy liền ra giá: “Nếu cần gấp chị lấy 1 củ 9 (1,9 triệu đồng), còn 1 tuần sau thì 1 củ rưỡi. Tất cả chứng chỉ đều có hồ sơ gốc”. Chúng tôi đặt vấn đề về chất lượng, người đàn bà này khẳng định, chứng chỉ mà bà làm chưa bao giờ bị lộ. Vy lấy thông tin và bảo tôi đóng trước 20% gọi là chi phí đi lại.

Nói chuyện với chúng tôi, anh Dũng, người từng làm nghề mua bán chứng chỉ khẳng định, mặc dù các “cò” đều khẳng định chứng chỉ có hồ sơ gốc nhưng thực tế không phải như vậy. Họ chỉ nói thể để tạo sự tin tưởng của khác và thoải mái chặt chém. Sở dĩ các “cò” có thể làm chứng chỉ nhanh và dễ dàng như vậy là do quen biết với giáo viên của các Trung tâm Ngoại ngữ. Từ đó, họ móc nối với nhau nhằm bán chứng chỉ để trục lợi.

Trao đổi với PV, TS. Nguyễn Ngọc Minh, Trường ĐH GTVT TP.HCM cho biết, cơ quan công an cần sớm vào cuộc để làm rõ những đường dây làm giả con dấu, chữ ký của một số cơ quan đơn vị hay những cá nhân tiếp cho tình trạng trên để trục lợi. Chúng ta cần mạnh tay hơn nữa trong việc xử lý những trường hợp vi phạm để có tính răn đe. Bởi vì, với hàng ngàn tấm bằng, chứng chỉ giả ra xã hội thì hệ lụy của nó sẽ như thế nào.

Nghe/Xem - Sinh viên nhốn nháo đi “săn” chứng chỉ giả (Hình 2).

Những con dấu của đối tượng làm bằng giả

Bị xử lý hình sự

Theo Luật sư Trương Anh Tú (Đoàn luật sư TP. HCM), Điều 267, Bộ luật Hình sư có quy định, người nào làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu, giấy tờ đó nhằm lừa dối cơ quan, tổ chức hoặc công dân, thì bị phạt tiền từ 5 triệu – 50 triệu đồng hoặc bị phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.... Với điều luật này cần phải hiểu rằng, không chỉ người làm giả bằng cấp, chứng chỉ mới bị truy cứu trách nhiệm hình sự mà ngay cả với người sử dụng bằng cấp, chứng chỉ giả cũng bị xử lý hình sự”.

Nhu cầu vẫn cao

Trao đổi với Người đưa tin, TS. Phạm Tấn Hạ, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM cho biết, mặc dù nhiều đường dây làm bằng, chứng chỉ giả đã bị bắt nhưng vấn nạn này không giảm đi mà ngày càng hoạt động tinh vi hơn. Ở Việt Nam, khi mà câu chuyện sính bằng cấp vẫn tồn tại trong xã hội thì tệ nạn bằng giả vẫn còn đất sống. Hơn nữa, việc các nhà tuyển dụng không cần năng lực làm việc mà coi trọng bằng cấp và coi nó là thước đo của lương bổng, của việc hợp thức hóa chức vụ thì chuyện mua bán chứng chỉ vẫn diễn ra công khai. Lúc đó, bằng cấp giả vẫn còn giá trị.

Công Thư


Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.