Thanh niên thích nhiều tiền
Phần lớn thanh niên không thực sự có bước chuẩn bị để làm việc chăm chỉ, thay vào đó họ đặt kì vọng lớn vào việc có tiền nhiều và thích lối sống hưởng thụ, hào nhoáng. Số phần trăm những sinh viên được lựa chọn để phỏng vấn chọn làm việc chăm chỉ đạt mức độ thấp nhất, chỉ 10%.
Dường như có một khoảng cách lớn giữa mong muốn được làm việc thật sự, cống hiến hết mình cho công việc, với mong muốn giàu có thật nhanh chóng. Hơn 60% học sinh, sinh viên Việt Nam chọn tích vào “Một công việc thu nhập cao”, và chỉ 30% lựa chọn “Một công việc phù hợp với bản thân”.
Tại Mỹ, cũng một cuộc khảo sát về việc làm đối với thanh niên đã khiến các giáo sư tại đại học bang San Diego giật mình. Theo đó, các thế hệ học sinh, sinh viên tốt nghiệp những năm gần đây muốn làm mọi cách để kiếm được nhiều tiền nhằm mang lại cuộc sống tốt đẹp hơn; chứ không sẵn sàng làm việc chăm chỉ để kiếm được tiền. 69% học sinh trung học khẳng định họ muốn sở hữu nhà riêng chứ không muốn đi ở trọ và con số này là 80% đối với các sinh viên đã tốt nghiệp.
Vật chất chiến thắng
Tiền bạc chi phối suy nghĩ của nhiều sinh viên (Nguồn: Internet)
Một số lượng học sinh không nhỏ chọn ngành nghề và trường “top” để thi vào với mục đích sau này ra trường sẽ được coi trọng và kiếm được công việc có lương cao. Rõ ràng, vật chất nói chung và tiền bạc nói riêng đang chi phối suy nghĩ của không ít học sinh cũng như các bậc phụ huynh. Chính vì vậy, khi tốt nghiệp và bước vào đời, không ít bạn cảm thấy “sốc” và “tuyệt vọng” khi không kiếm được nhiều tiền như mong muốn của bản thân và kì vọng của gia đình.
Thậm chí có những sinh viên ảo tưởng về mình, cứ nghĩ vào trường tốt là sẽ được coi trọng, có “giá”, mà không xác định được năng khiếu và khả năng giỏi nhất của bản thân. Cho tới khi tốt nghiệp, có thể “chạy” nhiều tiền vào một công việc “nghe nói lương cao”, rồi bấm bụng không dám bỏ vì xót tiền của bố mẹ.
Dương, 23 tuổi, hiện đang làm việc tại một tập đoàn lớn ở miền Bắc than thở: “Bố mẹ nghe bảo làm việc ở đây lương cao, nếu chạy từng này tiền vào làm thì cũng chẳng mấy tháng mà thu lại được cả vốn lẫn lãi. Nghĩ bản thân mình cũng giỏi nghiệp vụ và tự tin, em quyết chí vào làm. Bây giờ thì vỡ mộng nhưng không dám nghỉ việc vì xót tiền bố mẹ đã bỏ ra, mà tiếp tục làm thì phải gồng lên không kham nổi, khổ quá!”.
Tình trạng vật chất chiến thắng cũng đưa đẩy nhiều tệ nạn xã hội xảy ra. Nhiều bạn vì muốn có tiền bằng mọi cách, không muốn phải nhọc công lao động đã tình nguyện trở thành trai bao, “cave sinh viên” để vừa có tiền, vừa sung sướng lại chẳng phải suy nghĩ nhiều.
HM (Sinh viên năm hai, ĐH T, Hà Nội) là một cô gái như thế. Nhìn vẻ bề ngoài ai cũng nghĩ cô nàng thuộc loại hiền lành và chăm chỉ học hành. Nhưng không ngờ dù ở quê nhưng sớm được bố mẹ bao bọc, cưng chiều, lên thành phố trọ học do không chịu nổi khổ, được một nguời chị ở cùng chỉ cách kiếm tiền dễ thế là quyết định tiến sang một bước ngoặt cuộc đời. HM bảo cô đã sai, nhưng khó có thể dừng lại, vì giờ kiến thức trên lớp cũng không theo nổi, mà đang sung sướng không cần lo nghĩ vì có “đại gia” bao hết nên chẳng muốn động não kiếm việc chân chính. Với HM, tiền đã tha hóa và biến cô trở thành một người khác.
Kiếm tiền dựa trên năng lực và hiểu biết của bản thân chưa bao giờ là dễ dàng. Con người một khi chưa được tôi luyện và trải qua những gian khó thì không biết giá trị của đồng tiền. Người ta làm tất cả để mong có được cái không mua được tất cả, như một nhà văn đã nói, thật đáng bất hạnh.
Sinh viên thích nhiều tiền hơn làm việc chăm chỉ, liệu rằng đồng tiền là động lực để mỗi người trong số họ cố gắng hơn trong công việc, hay chỉ là cái cớ để không muốn làm việc chăm chỉ và đòi hỏi ở nhà tuyển dụng?
Thanh Hương