Nhiều người chửi chúng em là lũ dở hơi, bao đồng
Vài tháng trở lại đây, tình trạng ùn tắc giao thông trên tuyến phố Vũ Trọng Phụng (Thanh Xuân – Hà Nội) đã giảm đi rất đáng kể vì có Đội SVTN Trường ĐH Đại Nam trợ giúp điều hướng và phân luồng giao thông. Tuy nhiên, không phải người tham gia giao thông nào cũng có ý thức, chấp hành luật lệ giao thông và tuân thủ theo sự điều tiết, phân luồng của các tình nguyện viên.
Những ngày đầu tham gia phân luồng giao thông trên tuyến phố Vũ Trọng Phụng, Nguyễn Thị Thu Quỳnh và các thành viên trong Đội thường xuyên bị người đi đường phản ứng, mắng mỏ và chửi bới.
“Bên cạnh những người hiểu biết, có ý thức, ủng hộ việc tham gia điều hướng giao thông của chúng em, có không ít người người phản ứng, khó chịu, bất hợp tác, chế nhạo thậm chí là chửi bới. Họ cho rằng, chúng em đứng đây chỉ khiến đường thêm tắc…”, Quỳnh chia sẻ.
Quỳnh cho biết thêm, trong những buổi chiều đứng điều tiết giao thông trên tuyến phố này, bạn đã gặp không ít tình uống oái oăm. “Có đôi nam nữ trở nhau trên xe máy, chị gái ngồi phía sau rất ủng hộ việc làm của nhóm nhưng anh người yêu đang cầm lái lại kiên quyết không tuân theo sự điều hướng của chúng em, thậm chí còn lớn tiếng chửi, bảo chúng em vắt mũi chưa sạch, không lo học hành, đi lo chuyện bao đồng, cản trở giao thông…”.
Đó chỉ là một trong vô số những câu chuyện về các tình huống tham gia giao thông mà nhóm tình nguyện của Quỳnh gặp phải trong khi làm nhiệm vụ.
Bất chấp những khó khăn, trở ngại, Đội SVTN của ĐH Đại Nam vẫn miệt mài phân luồng giao thông trên con phố Vũ Trọng Phụng suốt khung giờ cao điểm hàng ngày.
Cơ hội trải nghiệm để trưởng thành
Công việc điều hướng vất vả, nguy hiểm và thường xuyên gặp phải những phản ứng tiêu cưc từ người đi đường nhưng các sinh viên tình nguyện ĐH Đại Nam vẫn không nhụt chí, chán nản; ngược lại, các bạn còn cho đây là cơ hội trải nghiệm để trưởng thành.
Với Nguyễn Công Du (sinh viên khóa 12, Khoa Dược), đó là bài học về sự tin và khả năng phản xạ trước những tình huống bất ngờ. “Trước khi tham gia đội tình nguyện nói chung và nhóm phân luồng giao thông nói riêng, mình khá rụt rè, nhút nhát, thậm chí không dám nói chuyện với người lạ. Đến khi tham gia đội phân luồng, mình có thêm nhiều bạn bè mới, mạnh dạn hơn hẳn và cũng rèn khả năng bình tĩnh, đối mặt với nhiều tình huống”, Du nói.
Với Du, quãng thời gian tham gia phân luồng tuy hơi mệt những cũng đầy ắp kỷ niệm vui vẻ, đáng nhớ.
Góp không ít công sức trong việc tổ chức, sắp xếp nhóm sinh viên tình nguyện phân luồng giao thông của ĐH Đại Nam, không thể không kể đến cái tên Bùi Đức Anh (K11 Kế toán) – đội phó Đội tình nguyện. Nam sinh năm thứ hai nhiệt tình, lăn xả trong các hoạt động tình nguyện này.
Trải nghiệm đáng nhớ mà Đức Anh có được chính là những bài học thực tế về tinh thần làm việc nhóm, khả năng lãnh đạo cũng như việc rèn luyện tính nhẫn nhịn, sự bình tĩnh trước mọi tình huống. Thế nhưng, niềm vui lớn nhất với Đức Anh nói riêng và đội tình nguyện nói chung chính là việc ý thức chấp hành luật lệ giao thông của người dân đã tốt lên nhiều so với trước đây.
“Những ngày đầu, chúng mình bị chửi nhiều câu vô cùng khiếm nhã nhưng càng về sau, người dân sống quanh khu vực Vũ Trọng Phụng và người tham gia giao thông đều ủng hộ, đồng tình với hoạt động phân luồng của nhóm sinh viên tình nguyện. Ý thức chấp hành luật lệ giao thông của mọi người tốt hơn, vì thế, công việc của nhóm cũng nhẹ nhàng hơn nhiều”, Đức Anh chia sẻ.
Với những gì đã và đang làm, nhóm SVTN của Trường ĐH Đại Nam đã và đang góp một phần công sức nhỏ bé vào việc chống ùn tắc giao thông trong giờ cao điểm và tham gia tuyên truyền nâng cao ý thức, hình thành văn hóa khi tham gia giao thông trong cộng đồng.
Hậu Đặng