Mấy mươi năm sáng tác, xâm nhập đời sống bằng tất cả sự nhạy cảm cùng khát khao sáng tạo của người nghệ sĩ, âm nhạc của Nguyễn Cường luôn đưa đến cho người nghe những xúc cảm âm nhạc được chắt lọc tinh tuý đến mức thăng hoa.
Người theo chủ nghĩa xê dịch
Chiều thu tháng 8, nắng vàng nhảy nhót và trải dài trên những con phố ồn ào của Hà Nội. Đối lập với khung cảnh tấp nập ngoài cửa kính, trong một góc nhỏ của quán cà phê trên đường Huỳnh Thúc Kháng, cuộc trò chuyện giữa tôi và nhạc sĩ Nguyễn Cường diễn ra trong một không gian nhẹ nhàng, sâu lắng. Gặp ông ở ngoài đời có lẽ ít ai có thể ngờ Nguyễn Cường đã bước vào tuổi thất thập, bởi ông ăn vận giản dị và có phần bụi bặm, cộng thêm cách nói chuyện cởi mở, vui vẻ và rất hóm hỉnh. Nhạc sĩ chia sẻ rằng thời điểm bây giờ so với cách đây 30, 40 năm ông không hề thấy mình có gì khác, vẫn đi nhiều, vẫn tràn đầy nhiệt huyết và xúc cảm sáng tạo. Có lẽ vì đã chạm đúng cái chất men say một đời theo đuổi nên nhạc sĩ Đôi mắt Pleiku như được tiếp thêm một luồng sức sống mới.
Phác họa chân dung nhạc sỹ Nguyễn Cường.
Ông cho biết, mình vừa trở về từ Trường Sa cách đây chưa đầy tháng sau lời mời của Bộ tư lệnh Hải quân. Nửa tháng sống ở nơi đầu sóng ngọn gió, đi qua 12 đảo, ông đã cho ra đời được 3 ca khúc viết cho đoàn văn công hải quân mang tên: Trống quân lính đảo; Sóng dội Trường Sa và Chúng tôi, lính biển. Tất cả những xúc cảm và tình yêu dành cho con người biển đảo đã được nhạc sĩ gửi gắm trong những sáng tác này. Với Nguyễn Cường, có đi nhiều, có xâm nhập vào đời sống mới tìm kiếm được những xúc cảm để sáng tạo. Tôi đổi cái say sóng để nhận được cái vô cùng của biển, đó là gió, là nắng, là đại dương mênh mông, là cảm nhận tâm hồn của những người lính biển. Càng đi nhiều, tôi càng phát hiện ra những điều mới mẻ mà chưa ai biết đến như bất chợt bắt gặp được hình ảnh Vầng dương non nhú ra từ sóng (Một câu trong bài Chúng tôi, lính biển - PV). Đó là những xúc tác cho sự sáng tạo, nhạc sĩ chia sẻ.
Trong sáng tác, Nguyễn Cường thường thích viết về quê hương, đất nước và con người với những xúc cảm tổng thể nên khó có thể tìm được một con người cụ thể trong các bài hát của ông. Có thể thấy, rất ít các sáng tác của ông nói về tình yêu trai gái, và nếu có thì tình yêu đó luôn được đặt trong tình yêu chung. Nhạc sĩ hóm hỉnh: "Ai cứ cố đi tìm người con gái trong Hơren lên rẫy hay đôi mắt ám ảnh nào đã khiến Nguyễn Cường viết Đôi mắt Pleiku thì sẽ chỉ thất vọng”. Hỏi ông rằng, dạo này, nhạc sĩ có sáng tác mới nào chưa ra mắt khán giả, Nguyễn Cường cho biết, ông đang dùng chất liệu từ những bài hát mình đã thành công và lấy chủ đề (thème) nhạc đó để viết thành những bản nhạc dành cho độc tấu piano. Nhạc sĩ cho rằng, từ chất liệu dân ca có thể làm thành những bài hát thì từ chất liệu bài hát cũng có làm thành những tác phẩm hoàn toàn chỉ âm nhạc thuần túy (nhạc không lời). Hiện tại ông đã hoàn thành một tác phẩm cho piano mang tên Khúc tùy hứng trên chủ đề đôi mắt Pleiku và nhạc phẩm đã được trình diễn trong câu lạc bộ thính phòng CEG.
Nhạc sĩ chia sẻ: "Ai cũng nghĩ âm nhạc thính phòng là cao cấp, là kén người nghe nhưng ở câu lạc bộ thính phòng của tôi thì thấy rõ một điều là khán giả đến nghe rất đông. Thậm chí, nhiều người không biết đến một nốt nhạc có khi lại hiểu và cảm được nhiều hơn cả người học hành. Không nên có khái niệm kén người nghe bởi nó tạo ra một sự ái ngại với khán giả. Mỗi âm nhạc đều có đối tượng riêng bởi khi một nền nghệ thuật đã phát triển đến một mức độ nào đó thì nó sẽ tự tách ra nhiều nhánh và sẽ có người nghe theo gu của họ”.
Với Nguyễn Cường, người đã làm công việc sáng tạo nghệ thuật thì luôn cần sự tìm tòi và đột phá. Ông cho rằng, nhạc sĩ được phân thành hai loại: Nếu một bên tìm kiếm sự sáng tạo thì bên kia là những người hành nghề, chạy theo số đông. Những người hành nghề cũng tốt, dùng khái niệm thị trường để khinh miệt hay phê phán họ là không đúng bởi đó cũng là một cách lao động. Nhưng khi đã tham gia vào sáng tạo nghệ thuật, thì nó đòi hỏi một cách nhìn mới và phải có cái riêng của người nhạc sĩ, ông chia sẻ.
Khi nhìn vào đời sống âm nhạc hiện nay có thể thấy, ngày càng xuất hiện nhiều các gương mặt nhạc sĩ trẻ. Nhưng sự tăng lên về số lượng nhạc sĩ lại không đồng nhất với sự tăng lên về chất lượng trong các sáng tác của họ. Nói về điều này, theo nhạc sĩ Nguyễn Cường, trong âm nhạc khái niệm Thế hệ nhạc sĩ chỉ xuất hiện khi có những gương mặt thực sự mới và sáng tạo. Dễ hiểu, vì sao từ những nhạc sĩ nổi danh như: Dương Thụ, Trần Tiến, Phó Đức Phương thì đến nhạc sĩ Lê Minh Sơn mới được tính là một thế hệ âm nhạc mới. Và, câu trả lời cho câu hỏi sau thế hệ Lê Minh Sơn là ai thì chắc phải chờ và tìm...
Nhạc sĩ Nguyễn Cường trẻ trung và đầy sức sống trong chuyến đi Trường Sa mới đây.
Mỗi ca khúc là một thông điệp
Có nhiều bài hát của nhạc sĩ Nguyễn Cường, thậm chí là những ca khúc rất nổi tiếng lại xuất phát từ việc sáng tác theo đơn đặt hàng của các đơn vị hay các địa phương như: Ơi Mdrak, Ly cafe Ban mê, Đôi mắt pleiku, Thông điệp Vingroup (về tập đoàn Vingroup), Đại bàng giọt đắng (về tập đoàn cà phê Trung Nguyên), hay Hơren lên rẫy... Thế mới có chuyện một người bạn cũng là nhạc sĩ khi gặp ông thường hay hỏi: "Thế dạo này có còn viết huyện ca, tỉnh ca không?". Nguyễn Cường vui vẻ đáp lại: "Tôi vẫn luôn luôn viết. Nhưng mà anh có nhớ những bài hát chỉ là tỉnh ca, huyện ca hay thậm chí là công ty ca như Jamaika, Torna a Surriento hay Hotel California đã được cả thế giới biết đến và ngưỡng mộ không?".
Nói về chuyện sáng tác theo yêu cầu, nhiều người cho rằng, đó là sự gượng ép và không phải xúc cảm thực của người nghệ sĩ. Nhưng với Nguyễn Cường lại khác. Ông quan niệm chỉ những người sáng tác chuyên nghiệp mới có khả năng biến những nhu cầu của đời sống trở thành tác phẩm. Vì yêu cầu của đời sống mà người nghệ sĩ xúc cảm thì đó là yêu cầu của chính con tim mình. Tôi có thể nói rằng, có nhiều sáng tác của những nhạc sĩ lừng danh trên thế giới như Beethoven, Chopin hay Mozart và những tác phẩm lớn của Việt Nam là sản phẩm của đơn đặt hàng. Người sáng tác không bao giờ nên hiểu từ đặt hàng theo nghĩa nông cạn (đặt tiền) mà nên hiểu theo nghĩa rộng, lớn hơn. Điều quan trọng là người nghệ sĩ có tài, biến nhận thức và cảm xúc trước đời sống thành bài hát được hay không.
Mới đây, khi nhận lời sáng tác bài hát truyền thống cho tập đoàn Vingroup, nhạc sĩ Nguyễn Cường cùng các nhạc sĩ khác đã phải đi thực tế xuống tất cả các cơ sở của tập đoàn để tìm hiểu. Nhiều nhạc sĩ cùng sáng tác nhưng chỉ duy nhất có bài Thông điệp Vingroup của ông được chọn là bài hát chính thức của tập đoàn. Bài hát đã được ca sĩ Mai Trang và Đăng Dương thể hiện rất thành công. Nhạc sĩ chia sẻ rằng, trước khi nhận lời sáng tác, bao giờ ông cũng phải xem mình có thể đột nhập được vào đời sống đó và đọc được nỗi khát vọng của những con người nơi đó hay không. Bởi với ông, người làm nghệ thuật có thể không hiểu hết nhưng phải cảm được, cái cảm đủ để người nghệ sĩ thăng hoa và sáng tạo.
Những ngày vừa qua, khi scandal nợ nần của ca sĩ Siu Black được công khai trước báo giới, đã có nhiều luồng ý kiến trái chiều xoay quanh câu chuyện vỡ nợ của chị: Có người đồng cảm và vẫn tỏ ra yêu mến giọng ca họa mi núi rừng nhưng cũng có người lên án và không đồng tình. Với nhạc sĩ Nguyễn Cường, ông luôn dành nhiều tình cảm ưu ái cho giọng ca Tây Nguyên: "Trong rất nhiều những ca sĩ hát thành công các ca khúc của tôi như: Y Moan, Siu black, Hoàng Vũ, Nhóm 2M, Trần Thu Hà, Mỹ Linh thì Siu black và Y Moan là hai ca sĩ hát nhiều và hát thành công hơn cả. Hai nghệ sĩ đến từ Tây Nguyên với chất giọng khoẻ khoắn, hoang dã và mãnh liệt này rất phù hợp với âm nhạc của tôi”. |
Loan Thanh